Ngộ độc nghi uống sữa Nutifood: Chất lượng sữa học đường có đáng tin cậy?

Google News

(Kiến Thức) - Dư luận vẫn đang hoang mang sau vụ 73 học sinh ngộ độc nghi uống sữa Nutifood ở Đồng Nai. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại về chất lượng sữa học đường liệu có đáng tin cậy, chương trình chỉ mới triển khai nhưng liên tục dính "phốt".

Sự việc 73 học sinh trường tiểu học Phạm Văn Đồng và trường mầm non Phú Lộc (ở xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) nhập viện khẩn cấp vì ngộ độc nghi uống sữa Nutifood vẫn đang khiến dư luận xôn xao (ngày 2/3/2018).
Đặc biệt, hai ngày sau đó, phía Sở giáo dục và đào tạo của tỉnh Đồng Nai khẩn trương ra văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ chương trình “sữa học đường” trên địa bàn huyện Tân Phú để đợi kết quả điều tra từ phía lực lượng chức năng càng làm các bậc phụ huynh nói riêng và dư luận nói chung hoang mang, lo lắng.
Không ít phụ huynh đặt câu hỏi về chương trình "sữa học đường", để rộng đường dư luận, Kiến Thức xin giới thiệu tới các phụ huynh và độc giả một số thông tin về chương trình này tại Đồng Nai.
Choáng với kinh phí “sữa học đường”
Theo tìm hiểu của phóng viên, chương trình “sữa học đường” được triển khai tại tỉnh Đồng Nai từ năm 2014. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho hay, Đồng Nai "tự hào" là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai đề án này, sử dụng 35% ngân sách, phía công ty trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 15%, còn 50% là do phụ huynh đóng góp hàng tháng.
Với kinh phí lên tới 1,3 nghìn tỷ đồng, chương trình “sữa học đường” được mở rộng đến tất cả đối tượng từ trẻ mẫu giáo, mầm non tới học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không phân biệt trường công lập hay dân lập.
 Hơn 70 học sinh tiểu học và mầm non trên địa bàn xã Phú Lộc nhập viện vì ngộ độc nghi uống sữa Nutifood.
Đến tháng 7/2016, dựa trên quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chương trình “sữa học đường” được triển khai rộng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, mới đưa vào triển khai thì chương trình “sữa học đường” liên tục dính phải nhiều “phốt”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của các em học sinh.
Điển hình là ngày 27/10/2017, hàng trăm học sinh ở Thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) được uống sữa miễn phí của Công ty quảng cáo MC được Nestle Việt Nam ủy quyền đã xảy ra tình trạng nôn, ói phải nhập viện. Cả hai tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ đã phải dừng việc cung cấp sữa miễn phí của Công ty này đến các trường học.
Ở Đồng Nai, giữa tháng 2/2018, Công ty sữa Nutifood đã trúng thầu cung cấp sữa tươi và chính thức giao lô sữa đầu tiên đến các trường học trên địa bàn tỉnh này vào chiều ngày 1/3/2018.
Thế nhưng, một ngày sau, vào ngày 2/3/2018, trường tiểu học Phạm Văn Đồng và trường mầm non Phú Lộc đã tổ chức cho các học sinh uống sữa thì xảy ra vụ việc 73 học sinh có triệu chứng người tái xanh, đau bụng và ói mửa.
Chất lượng sữa học đường liệu có đảm bảo?
Trong khi người dân chờ đợi phía cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến 73 học sinh phải nhập viện vì ngộ độc sau khi uống sữa của công ty này, thì dư luận “té ngửa” khi biết được trước kia không ít lần sản phẩm sữa Nutifood gặp sự cố về chất lượng.
Cụ thể, trên báo Công luận từng đưa tin sữa Grow Plus+ của Nutifood bị khách hàng Vũ Ngọc B. (trú tại TP. Hưng Yên, Hưng Yên) phản ánh vón cục, có mùi chua "vô cùng khủng khiếp". Anh B. cho báo chí biết, anh đã mua một thùng sữa Grow Plus+ của Nutifood, 110ml/hộp, vỏ đỏ; sản xuất ngày 12/12/2015, hết hạn ngày 12/08/2016, loại sữa bột pha sẵn về cho con nhỏ sử dụng.
Đến ngày 1/6, anh lấy sữa cho con trai 26 tháng tuổi uống, thấy con khóc, nhất quyết không chịu uống sữa, anh mới uống thử và tá hỏa phát hiện ra sữa có vị chua, lợn cợn.
 Dù hạn sử dụng của sản phẩm đến ngày 12/8/2016, nhưng sữa đã bị chua, vón cục, ngả vàng. Ảnh: Congluan.
Khi dùng kéo cắt hộp sữa con trai đã uống và một vài hộp còn nguyên để kiểm tra bên trong, gia đình anh hốt hoảng bởi tất cả số hộp sữa mà gia đình anh cắt ra kiểm tra đều trong tình trạng vón cục, có vị chua, mùi “vô cùng khủng khiếp”.
Tiếp đó, là thông tin từ tài khoản facebook "Châu Từ Viên" chia sẻ hình ảnh về hộp sữa bột pha sẵn Grow plus + của Nutifood (hộp giấy, vỏ đỏ) bị cặn đông đặc, vón cục.
Khách hàng này cho biết, đây là hộp sữa bột pha sẵn Grow plus + của Nutifood (hộp giấy - vỏ đỏ), dung lượng 180ml dành cho trẻ trên một tuổi. Khi con trai chị mút sữa mãi không được, chị hút thử thì thấy sữa bị vón cục và có vị chua.
Phát hiện điều bất thường, chị rạch hộp sữa ra xem và hoảng sợ phát hiện sữa có lớp nước trong bên trên, bên dưới là lớp cặn đông đặc giống tào phớ. Đáng lưu ý, trước khi mua chị đã kiểm tra hạn sử dụng và sữa còn hạn dùng đến ngày 16/08/2016.
Vấn đề về chất lượng sữa không chỉ lặp đi lặp lại ở các trường học, mà cả ở những chương trình từ thiện cũng từng xuất hiện tình trạng sữa gần hết hạn mới đem đi tặng.
Từ những vụ ngộ độc sau khi uống sữa liên tiếp xảy ra các bậc phụ huynh bày tỏ sự lo ngại liệu chất lượng liệu có đảm bảo?
Chị Nguyễn Thị Hoa (một phụ huynh) bày tỏ: “Tôi từng đọc qua báo trả lời liên quan vụ việc ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai, một lãnh đạo cơ quan chức năng từng đặt nghi vấn có thể.... do đấu thầu giá rẻ. Có phải giá rẻ nên chất lượng cũng ... rẻ khiến khi các cháu học sinh sau khi uống sữa Nutifood mới phải nhập viện?"
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thái (một phụ huynh) khác cũng lo ngại: “Chương trình sữa học đường tốn rất nhiều kinh phí, còn chất lượng thì các bậc phụ huynh làm sao mà biết được? Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế qua các vụ các cháu học sinh liên tiếp bị ngộ độc sau khi uống sữa, thì ít nhiều chúng tôi cũng nhận thấy sữa học đường hiện nay không đảm bảo an toàn”.
Trước sự việc chỉ trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng ở trường học, Công ty gây bất an dư luận, ông Nguyễn Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thừa nhận: Ngoài yếu tố khách quan do ảnh hưởng thời tiết miền Nam vào mùa khô, nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị nhiễm vi sinh; còn có yếu tố chủ quan do một số cơ sở sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, cơ sở hạ tầng chưa đầu tư quy mô cũng như việc đấu thầu giá rẻ dẫn đến thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Bảo Ngân