"Người chống bạo lực gia đình bị chết được phong Liệt sĩ là không thực tế"

Google News

Người tham gia phòng chống bạo hành gia đình mà chết được xét công nhận liệt sĩ là quá lạm dụng danh hiệu ”liệt sĩ, thương binh” của Nhà nước.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi, bổ sung) nhằm hoàn thiện hồ sơ trước khi trình Chính phủ.
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức đầu tháng 11/2021, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII Đặng Đình Luyến đã có những đánh giá, góp ý cá nhân đối với dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
- Thưa ông, vì sao Luật phòng chống bạo lực gia đình cần phải sửa đổi, bổ sung?
Ông Đặng Đình Luyến: Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/10/2007, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2008. Qua hơn 13 năm thực hiện, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, thì Luật phòng chống bạo lực gia đình đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, vì vậy tôi tán thành với việc sớm sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật này, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành mà không còn phù hợp với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu phòng, chống bạo lực gia đình...
Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, chuẩn bị công phu và đã được lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 9 chương với 80 Điều, đã tăng 3 chương và 34 điều so với Luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 47 điều). Về cơ bản, tôi cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình và có một số ý kiến về dự thảo luật.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII Đặng Đình Luyến.
- Nội dung, hình thức của dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có những điểm nào cần thay đổi, nói cách là ông không “tán thành”?
Ông Đặng Đình Luyến: Khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật quy định áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam, cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Nhưng khoản 3, Điều 2 của dự thảo Luật còn quy định ”Luật này áp dụng đối với cả những trường hợp vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn”.
Tôi nhận thấy quy định thêm khoản 3 là thừa, vì tại khoản 1 và khoản 2 đã quy định áp dụng đối với tất cả các cá nhân là công dân Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm vợ, chồng đã ly hôn hoặc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ khoản 3 Điều 2 của dự thảo luật.
Về quyền và nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình, Điều 11 quy định về các quyền và nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình. Về cơ bản tôi tán thành với nhiều nội dung Điều này của dự thảo, tuy nhiên đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định của dự thảo luật vì có quá nhiều quy định về quyền (tới 12 nhóm quyền) của người bị bạo lực gia đình, nhưng quy định quá ít về nghĩa vụ của người bị bạo lực gia đình: chỉ quy định ”Người bị bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình; hợp tác với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu”. Quy định như dự thảo luật không phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 là ”Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân”.
Đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định lại quyền và nghĩa vụ cho hài hòa, hợp lý theo hướng bổ sung thêm một số nghĩa vụ, bỏ bớt một số quyền, nhất là các quyền đã được quy định ở luật khác rồi, chẳng hạn: điểm k khoản 1 “Được hưởng chế độ bảo hiểm trong thời gian điều trị tại cơ sở chữa bệnh đối với người có tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật”. Nếu không quy định quyền này của người bị bạo lực gia đình vào dự thảo Luật này, mà trong Luật bảo hiểm y tế đã quy định thì đương nhiên người bị bạo lực gia đình vẫn được hưởng quyền này.
Về giám sát của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Điều 14 của dự thảo Luật quy định ”Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình....”. Quy định của dự thảo Luật không phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 là Quốc hội ”Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội....”. Tức là theo quy định của Hiến pháp thì Quốc hội không giao giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật nói chung, bao gồm giám sát việc thực hiện nghị định Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, các văn bản của chính quyền địa phương các cấp, mà Quốc hội chỉ giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội thôi. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định lại nội dung nêu trên để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.
Dự thảo luật quy định ”Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội giám sát thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”. Đây là một quy định mới về phối hợp giám sát của các cơ quan của Quốc hội về một vấn đề. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần làm rõ có phải tất cả 9 Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội đều phối hợp với Ủy ban xã hội hay chỉ có một số ủy ban phối hợp và cơ chế phối hợp giám sát như thế nào?.
- Dự thảo Luật phòng chống bạo hành gia đình (sửa đổi) đã quan tâm hơn đến các chính sách đối với người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó có nội dung người tham gia phòng chống bạo hành gia đình mà chết được xét công nhận liệt sĩ, quan điểm của ông thế nào?
Ông Đặng Đình Luyến: Tại khoản 2 Điều 46 của dự thảo luật quy định: “Người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, người tố giác hành vi bạo lực gia đình nếu bị thiệt hại về tài sản mà người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường thì được Nhà nước hoàn trả giá trị tài sản bị thiệt hại”. Việc quy định như dự thảo là không phù hợp, không thống nhất với pháp luật dân sự là người gây thiệt hại phải bồi thường và vấn đề này đã được quy định trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy đề nghị sửa lại quy định của khoản 2 nêu trên để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và nêu cao ý thức, trách nhiệm của người gây thiệt hại tài sản.
Tại khoản 3 Điều 46 của dự thảo luật quy định: “Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình có hành vi dũng cảm, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân nếu bị chết thì được xem xét công nhận như liệt sĩ, bị tổn hại sức khỏe được xem xét công nhận như thương binh”.
Quy định trên là quá lạm dụng danh hiệu ”liệt sĩ, thương binh” của Nhà nước ta được sử dụng dành cho các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đã hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Hơn nữa dự thảo Luật còn quy định người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình còn ”cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Vì vậy tôi đề nghị bỏ khoản 3 Điều 46 của dự thảo luật.
- Dự thảo Luật phòng chống bạo hành gia đình (sửa đổi) được đánh giá là có nhiều điểm mới, sát với công tác phòng chống bạo hành. Ông nhận định thế nào về tính khả thi của dự thảo Luật này?
Ông Đặng Đình Luyến: Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có nhiều điều khoản quy định khá cụ thể, chi tiết, đặc biệt là quy định về các quyền của người bị bạo lực gia đình; Các loại hình hòa giải; Thời điểm hòa giải; Biện pháp chấm dứt hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Các nguyên tắc thực hiện trong thời gian cấm tiếp xúc...Các điều khoản nêu trên của dự thảo Luật mang tính nhân văn cao về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, các quyền, lợi ích của người bị bạo lực gia đình; đồng thời huy động một lực lượng lớn thuộc các cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp và công an tham gia vào những hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, để thực hiện được các quy định nêu trên là việc làm khó khăn, thách thức trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem lại các quy định nêu trên của dự thảo Luật để tránh tình trạng luật được ban hành mà không có điều kiện, khả năng thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Phẫn nộ clip con dâu bạo hành mẹ chồng

Nguồn: LA

Hữu Tuấn