Thông tin từ UBND huyện Bắc Hà cho biết, cơ quan Công an tỉnh Lào Cai đang điều tra, làm rõ vụ án mạng xảy ra tại xã Tà Chải. Theo điều tra, khoảng 15h30 ngày 5/8, Bùi Mạnh Cường (SN 1994) khi đang mổ gà ở sân phía sau nhà để chuẩn bị bữa tối mời gia đình anh ruột sang nhà ăn cơm thì xảy ra mẫu thuẫn với vợ là chị Nguyễn Thị H. (1997) cùng trú tại thôn Na Kim, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà. Cho rằng chị H. nói nhiều, Cường đã yêu cầu chị H. "nói ít thôi", nhưng người vợ không nghe vẫn tiếp tục nói. Bực tức, Cường lấy con dao đang mổ gà (loại dao bầu, một lưỡi có mũi nhọn) chạy đến cửa bếp, rồi giơ dao lên dọa chị H.
|
Khu vực nơi xảy ra vụ án mạng. |
Chị H. giằng co và tát vào mặt Cường. Trong lúc nóng giận, Cường đã vung dao đâm liên tiếp 2 phát vào tay và người chị H. khiến chị ngồi bệt xuống đất kêu lên. Cường tiếp tục đi vào bếp lấy một con dao loại dao chặt ở giá để dao của gia đình trên bàn bếp rồi quay lại chém chị H. Sau khi gây án, Cường đã kéo nạn nhân vào nhà tắm rồi gọi điện cho người thân để đưa vào bệnh viện. Do vết thương quá nặng chị H. đã tử vong.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo nội dung vụ việc thể hiện qua clip cho thấy hành vi của người đàn ông này là rất côn đồ, manh động, thể hiện ý thức coi thường pháp luật. Người đàn ông này dùng dao liên tục đâm vào những vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân, thậm chí dùng dao có khả năng sát thương cao chém vào vùng cổ khiến nạn nhân tử vong. Đây là hành vi giết người với tình tiết có tính chất côn đồ, gây ra đau đớn cho nạn nhân và ghê rợn cho những người chứng kiến…
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, với diễn biến sự việc như vậy thì việc cơ quan điều tra vào cuộc bắt giữ và xử lý đối tượng này về tội giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật và rất cần thiết. Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng với sức to khỏe của người đàn ông mà sử dụng dao nhọn đâm, chém vào vùng ngực, vùng cổ của người phụ nữ đang trong tư thế không có khả năng tự vệ thì hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân, đối tượng nhận thức được hậu quả nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân có thể xảy ra nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì đây là hành vi giết người.
Vụ án mạng này là bi kịch trong gia đình, chỉ vì nóng giận, thiếu kiềm chế cảm xúc mà hậu quả người vợ tử vong, người chồng phải vướng vào vòng lao lý… Hành vi của đối tượng là gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, đối tượng sẽ bị xử lý với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ, thực hiện tội phạm một cách man rợ… nên hình phạt mà đối tượng này sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Việc quyết định hình phạt cụ thể căn cứ vào yếu tố nhân thân và hành vi. Tuy nhiên, với những đối tượng côn đồ manh động, thể hiện ý thức coi thường pháp luật như thế này thì có lẽ cần áp dụng hình phạt cao nhất để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ tính mạng của công dân.
Luật sư Cường chia sẻ, trong thời gian qua xảy ra không ít những vụ mâu thuẫn gia đình dẫn đến án mạng mà nguyên nhân từ những chuyện nhỏ nhặt mà các bên không tìm được tiếng nói chung, không có cách giải quyết phù hợp và cũng không đưa vấn đề ra pháp luật để được hòa giải, giải quyết. Những mâu thuẫn trong gia đình cứ âm ỉ, không có lối thoát, chỉ vì những người trong cuộc thiếu kỹ năng sống, ích kỷ, đề cao cái tôi cá nhân và ý thức coi thường pháp luật dẫn đến án mạng xảy ra.
Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án đau lòng như thế này thì cần phải tăng cường hơn nữa các giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là ý thức tôn trọng tính mạng sức khỏe danh dự nhân phẩm của người khác. Cần coi trọng hơn vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật để mọi người nhận thức được những chuẩn mực đạo đức xã hội, chuẩn mực pháp luật để có ý thức tự giác chấp hành. Các bạn trẻ cũng cần phải trang bị cho mình kiến thức hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống có vấn đề.
Những mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn vợ chồng cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, có hướng giải quyết tích cực, cần phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, chính quyền, đoàn thể trong công tác hòa giải mâu thuẫn trong gia đình.
Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng cần có những giải pháp để tăng cường công tác quản lý, kịp thời nắm bắt những trường hợp mâu thuẫn có thể trở thành bạo lực gia đình, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của các thành viên trong gia đình để có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nhiều vụ việc này. Với những thành viên trong gia đình có mâu thuẫn kéo dài, căng thẳng và có nguy cơ bạo lực gia đình xảy ra thì cần phải có những hành vi ứng xử phù hợp, có giải pháp để phòng thân và cần chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể để được hoà giải, hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi có hành vi bạo lực", luật sư Cường nói.
>>> Xem thêm video: Hé lộ nguyên nhân vụ đâm chém ở Bệnh viện Sa Đéc
Gia Đạt