Tình trạng lừa đảo bằng các nhắn tin đe dọa, thông báo vi phạm pháp luật, tài chính diễn ra thường xuyên nhưng biến thể liên tục. Người dân cần hết sức đề phòng với các tin nhắn lạ.
Đe dọa vi phạm pháp luật
Gần đây, nhiều người phản ánh việc nhận được các tin nhắn "lệnh truy nã". Nội dung tin nhắn nêu rõ thời gian ra quyết định và hành vi bị truy nã, đồng thời yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác trình diện.
Khi nhận những tin nhắn nội dung tương tự nêu trên, không ít người hoang mang vì chưa được trang bị các kiến thức pháp luật cần thiết, từ đó tạo kẽ hở cho tội phạm lừa đảo lộng hành.
|
Tin nhắn thông báo truy nã gửi đến các số điện thoại cá nhân. |
Ở trường hợp tương tự, chị Đ.P.H. (Kim Liên, Đống Đa) cho biết nhận cuộc điện thoại và tin nhắn của số lạ thông báo có giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân Tối cao yêu cầu tới làm việc về một khoản vay ngân hàng. Theo chị H., tin nhắn thông báo do gửi đến địa chỉ nhà riêng nhưng không có ai nhận. “Tôi đã hỏi mọi người trong gia đình nhưng không có ai vay tiền gì của ngân hàng. Tôi rất thắc mắc về tinh nhắn này và đã thông báo với cơ quan Công an”, chị H. nói.
Liên quan đến việc gửi thông báo bằng tin nhắn về giấy triệu tập hay lệnh truy nã, luật sư Anh Dũng cho biết, tất cả các giấy tờ liên quan đến triệu tập hay truy nã không bao giờ gửi qua đường bưu điện. Tất cả đều được phát trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi về chính quyền địa phương sở tại. “Việc gọi điện hay thông báo bằng tin nhắn rõ ràng có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, đe dọa. Người dân không được làm theo yêu cầu của đối tượng lạ và thông báo ngay với cơ quan công an”, LS Dũng khẳng định.
Đại diện Bộ Công an cũng khẳng định, cơ quan công an không gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Các tin nhắn với nội dung tương tự là giả mạo, người dân cần cảnh giác tránh không bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo. Theo đó, việc gửi, thông báo quyết định truy nã đã được quy định rõ tại Điều 6 Thông tư liên tịch 13/2012 do liên Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao ban hành.
Quyết định truy nã phải được gửi đến các địa chỉ gồm: Công an xã, phường, thị trấn, công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn, hoặc gửi đến tất cả công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (Bộ Công an); phòng cảnh sát truy nã tội phạm (công an cấp tỉnh), nơi ra quyết định truy nã; cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); viện kiểm sát nhân dân (VKSND) có yêu cầu ra quyết định truy nã; VKSND cùng cấp với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã; VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định truy nã; tòa án nhân dân có yêu cầu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã.
Bên cạnh đó, quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.
Trung tá - Tiến sỹ Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, nhận định:
“Thủ đoạn của chúng là đưa thông tin giả mạo để rung dọa người dân. Nếu nạn nhân tin, chúng sẽ dẫn dụ, yêu cầu chuyển tiền để chạy án, để xác minh… hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác”. Theo ông Hiếu, không có chuyện cơ quan công an gửi lệnh truy nã bằng tin nhắn điện thoại, việc th ông báo quyết định truy nã phải thực hiện đúng theo quy định của Thông tư liên tịch 13/2012.
Lừa đảo tinh vi
Ngoài việc nhắn tin thông báo vi phạm pháp luật, trên mạng xã hội còn xuất hiện nhiều hình thức nhắn tin lừa đảo theo hình thức tinh vi. Theo đó, tin tặc sẽ gửi tin nhắn giả mạo các ngân hàng phổ biến tại Việt Nam như ACB, Sacombank… với nội dung như sau: “Tài khoản của bạn đã mở dịch vụ tài chính toàn cầu, phí dịch vụ hàng tháng là 2.000.000 VNĐ sẽ bị trừ trong 2 giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào đường link sau để hủy”.
|
Tình trạng tin tặc đang biến thể liên tục. |
Thông thường, khi nhấp vào liên kết được gửi kèm, bạn sẽ bị chuyển hướng đến một trang web giả mạo có giao diện tương tự như website chính thức của ngân hàng. Nếu nhẹ dạ và điền thông tin đăng nhập, tiền trong tài khoản của bạn sẽ nhanh chóng bị “bốc hơi”.
Khác với những chiêu trò lừa đảo trước đó, hình thức giả mạo tên ngân hàng sẽ khiến bạn rất dễ bị mắc bẫy. Do đó, nhiều người sẽ không mảy may nghi ngờ và đăng nhập tài khoản, trở thành nạn nhân của kẻ gian.
Ông Võ Đỗ Thắng -0 Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết: “Để hạn chế bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dùng không nên làm theo các yêu cầu từ người lạ, kể cả khi kẻ gian tự xưng là người của Bộ Công An hoặc các cơ quan chức năng”
Hoàng Nam