Người dân KĐT Tân Việt Bắc kêu trời vì tiền điện: Chủ đầu tư cũng “khóc”

Google News

Người dân sinh sống tại khu đô thị Tân Việt Bắc kêu trời vì phải đóng phí tiền điện vô lý cho chủ đầu tư.

Chủ đầu tư nói gì?
Sau khi nhận được phản ánh của người dân Khu đô thị Tân Việt Bắc về việc phải đóng phí tiền điện vô lý, PV đã có buổi làm việc với ông Phạm Minh Hiếu – Trưởng Ban quản lý dự án Khu đô thị Tân Việt Bắc để xác minh những nội dung phản ánh của người dân.
Theo ông Phạm Minh Hiếu, Công ty Tân Việt Bắc không có chức năng kinh doanh điện nên hiện tại Công ty vẫn mua điện bán lẻ của Điện lực Đông Triều, sau đó “chia sẻ” lại với người dân trong Khu đô thị. Người dân và chủ đầu tư thỏa thuận với nhau việc cung cấp, tiêu thụ, sử dụng điện năng, công ty Tân Việt Bắc thu tiền điện người dân ngang với giá Công ty mua từ Điện lực Đông Triều.
Tuy nhiên, Công ty Tân Việt Bắc nhận thấy có sự chênh lệch do hao hụt lớn giữa số điện người dân sử dụng với số điện mà Tân Việt Bắc phải trả cho Điện lực Đông Triều nên đã thu phần hao hụt điện năng từ người dân.
Nguoi dan KDT Tan Viet Bac keu troi vi tien dien: Chu dau tu cung “khoc”
Đại diện công ty Tân Việt Bắc cho biết, đang thống kê số tiền đã thu sai của người dân từ tháng 2 đến tháng 6/2022 và lên phương án khấu trừ vào tiền điện của tháng tiếp theo.
Theo thống kê của Công ty Tân Việt Bắc, từ tháng 10/2020 đến hết tháng 6/2022, tổng số tiền điện hao hụt được tính toán là hơn 827 triệu đồng. Trong đó chỉ thu được của người dân trên 237 triệu đồng, số tiền hao hụt trên 590 triệu đồng còn lại Tân Việt Bắc không thu được.
Về vấn đề thu 10% tiền thuế VAT thay vì 8% theo quy định từ tháng 2/2022, Công ty Tân Việt Bắc nhận lỗi do đã không cập nhật thông tin này.
“Ngay khi nắm được thông tin, chúng tôi đã dừng việc thu 10% thuế VAT từ tháng 7/2022. Hiện tại Công ty đang thống kê số tiền đã thu sai từ tháng 2 đến tháng 6/2022 và lên phương án khấu trừ vào tiền điện của tháng tiếp theo”, ông Hiếu cho biết.
Về những chiếc công tơ điện người dân phản ánh mua của Công ty Tân Việt Bắc chạy không chính xác, đại diện Công ty Tân Việt Bắc cho hay trước đây người dân từng mua công tơ điện của cá nhân, công ty không nắm được. Thực tế hiện nay chỉ có 3 trường hợp xuất trình được hóa đơn chứng từ đã mua của Công ty Tân Việt Bắc và đã được giải quyết.
Còn những hộ dân khác, trước tình trạng hao hụt điện năng lớn, Công ty Tân Việt Bắc đã thuê đơn vị kiểm định. Sau khi có kết quả kiểm định, thiết bị nào không đủ tiêu chuẩn công ty mới yêu cầu thay thế. Công ty Tân Việt Bắc cũng cho biết, có tạm ngưng cấp điện những hộ dân không đóng tiền tiện cho đến khi họ đóng tiền thì sẽ cấp điện trở lại.
Trao đổi với PV, ông Hiếu cho biết thêm, tại Khu đô thị Tân Việt Bắc có những khu người dân đã được mua điện trực tiếp từ Điện lực Đông Triều, nhưng có khu vẫn phải sử dụng điện thông qua Công ty Tân Việt Bắc. Lý do là vì trước năm 2017, Điện lực Quảng Ninh – Điện lực Đông Triều đã tiếp nhận bàn giao quản lý, vận hành từng phần trong đó các hộ dân thuộc lô A1. Tuy nhiên, ngày 15/9/2017 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 41/2017QĐ-TTg về việc quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được chủ đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý, theo đó ngành điện không tiếp nhận việc quản lý vận hành mà chỉ nhận bàn giao tài sản khi dự án đã được hoàn thành quyết toán, kiểm toán.
Hiện tại, Khu đô thị Tân Việt Bắc vẫn chưa hoàn thiện và đang còn tiếp tục điều chỉnh quy hoạch do dự án đường chạy qua, vì vậy mới có việc trong cùng một khu đô thị mà khu được ký hợp đồng mua điện của Nhà nước, khu thì không.
“Công ty Tân Việt Bắc cũng rất mong muốn được bàn giao việc cung cấp điện lại để công ty điện lực tiếp nhận, quản lý vận hành theo nguyện vọng của các hộ dân”, ông Hiếu cho biết thêm.
Chờ hướng giải quyết thỏa đáng
Sau khi có kiến nghị từ các hộ dân tại Khu đô thị Tân Việt Bắc, ngày 8/8, Thanh tra Sở Công Thương đã lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Công ty điện lực Quảng Ninh, Công ty điên lực Đông Triều đã có buổi làm việc để giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, buổi làm việc vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Nguoi dan KDT Tan Viet Bac keu troi vi tien dien: Chu dau tu cung “khoc”-Hinh-2
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cần sớm có hướng giải quyết thỏa đáng, nhằm ổn định đời sống an sinh xã hội cho người dân cũng như doanh nghiệp 
Ông Nguyễn Văn Quý – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, vấn đề ở Khu đô thị Tân Việt Bắc, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã nắm được từ rất lâu. Năm 2019, Công ty này đã từng làm đơn đề nghị được bàn giao lại hệ thống điện cho Điện lực Quảng Ninh quản lý, vận hành.
Trước đề nghị của Công ty Tân Việt Bắc, vào tháng 10/2019 Công ty Điện lực Quảng Ninh đã có buổi làm việc kiểm tra, khảo sát hiện trạng hệ thống lưới điện tại khu đô thị này. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra phát hiện nhiều tồn tại, không đảm bảo cho việc cấp điện cũng như quản lý vận hành. Điển hình như các tủ điện bị xuống cấp, mọt, mất đồ, thiết kế cũ không đảm bảo được công suất hoạt động, không có chỗ để lắp đặt công tơ một cách an toàn…
Điện lực Quảng Ninh đã yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các tồn tại trên, sau đó tiến hành kiểm tra để lấy cơ sở đó báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc xem xét việc tiếp nhận, quản lý vận hành điện tại đây. Tuy nhiên, ông Quý cho biết, đến nay Công ty Tân Việt Bắc vẫn chưa có thông tin gì về yêu cầu của Điện lực Quảng Ninh.
Ông Quý cho biết thêm, trong buổi làm việc ngày 8/8, Thanh tra Sở Công Thương cho biết, trách nhiệm đầu tiên phải kể đến UBND thị xã Đông Triều. Người dân thị xã chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa được bàn giao nhưng các hộ dân đã được phép xây dựng nhà dẫn đến việc sử dụng điện như trên. Theo cá nhân ông Quý, việc thiệt hại về hao tổn điện năng, chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng, hao tổn đường dây… Công ty Tân Việt Bắc phải bỏ ra hết như thế là đúng, bởi những thứ này đã được tính vào lợi nhuận khi bán đất cho dân. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng về vấn đề này vẫn phải chờ Thanh tra Sở Công Thương.
Hiện người dân rất mong muốn được mua điện trực tiếp từ Điện lực Quảng Ninh để không phải “đau đầu” về những khoản chi từ điện. Bản thân Công ty Tân Việt Bắc cũng muốn được bàn giao lại việc quản lý vận hành cho ngành điện vì họ cũng rất áp lực do không có chuyên môn trong quản lý vận hành cũng như bị người dân phản đối việc thu phí hao hụt.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cần sớm có hướng giải quyết thỏa đáng nhằm ổn định đời sống an sinh xã hội cho người dân cũng như doanh nghiệp.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thực hư thiết bị tiết kiệm 30-50% tiền điện hàng tháng:

(Nguồn: VTV24)

Thiên Di