Người dân khốn khổ vượt nghìn km từ Nam ra Bắc: "Sao không dùng ô tô, tàu hỏa"?

Google News

Bày tỏ quan điểm về việc hàng nghìn người dân khốn khổ đi xe máy vượt nghìn km từ Nam ra Bắc, PGS.TS. Lâm Bá Nam nói: "Hoàn toàn có thể tổ chức các đoàn tàu, huy động xe khách để đưa đón, hỗ trợ người dân”.

Những ngày qua, một số lượng lớn người dân rời bỏ TPHCM, Bình Dương và các tỉnh phía Nam để về quê ở miền Tây, miền Trung hay miền Bắc tạo nên những hình ảnh đau xót và cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết như chính sách hỗ trợ, tiếp nhận từ các địa phương cũng như chính sách an sinh trong thời gian tới.
Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Nguoi dan khon kho vuot nghin km tu Nam ra Bac:
  PGS.TS. Lâm Bá Nam.
Những chính sách an sinh xã hội chưa hiệu quả
- Mấy ngày gần đây, hình ảnh những đoàn người đi xe máy, vượt hàng nghìn cây số từ các tỉnh thành phía Nam để về quê ở miền Trung, các tỉnh phía Bắc khiến nhiều người vô cũng đau xót. Nguyên nhân là gì, thưa ông?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Việc người dân rời các tỉnh phía Nam ở vùng dịch trong thời điểm này để hồi hương về miền Tây, miền Trung, các tỉnh phía Bắc diễn ra một cách dồn dập trong mấy ngày vừa qua.
Nguyên nhân do nhiều tháng qua, nhiều địa phương phía Nam tiến hành các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, nhiều công nhân, người lao động đến làm thuê lâm cảnh cùng cực, khi mất việc kéo dài và chưa biết khi nào trở lại, sống trong cảnh không có thu nhập, hết tiền, không thể trang trải cho cuộc sống.
Dịch bệnh đã đẩy họ vào thế cùng dù đã giảm nhưng khi nào thì có việc làm, khi nào thì miếng cơm manh áo của họ được giải quyết một cách căn cơ. Họ không tìm thấy hi vọng. Người dân không còn sự lựa chọn nào khác buộc phải quyết định trở về quê hương, bản quán. Quê hương lúc này là chỗ dựa cuối cùng của họ.
Nhìn những đoàn người đi xe máy, đi xe đạp, đi bộ, đội mưa, đội nắng, vượt đường sá xa xôi, có cả những người già, trẻ nhỏ trên các tuyến đường từ Nam ra Bắc, tất cả những người có lương tâm đều cảm thấy đau xót, ám ảnh và không thể chịu đựng được.
Nguoi dan khon kho vuot nghin km tu Nam ra Bac:
 Đoàn người vượt hàng nghìn cây số bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam đến Hà Nội.
- Trong thời gian dài chống dịch vừa qua, nhiều địa phương trong đó có TP HCM, Bình Dương đã triển khai các gói an sinh xã hội. Tuy nhiên, việc người lao động đồng loạt rời bỏ các địa phương này, vượt hàng nghìn cây số để về quê cho thấy chính sách an sinh chưa hiệu quả?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Tôi cũng nghĩ như vậy! Việc hàng trăm nghìn lao động thậm chí hàng triệu người rời các tỉnh phía Nam cho thấy các biện pháp hỗ trợ, an sinh xã hội tại các địa phương này đã không mang lại hiệu quả một cách đầy đủ. Khi bữa đói, bữa no, lao động, việc làm không có, mọi thứ chi tiêu đổ dồn đến họ từ tiền thuê nhà cho đến điện nước, sinh hoạt hàng ngày, miếng cơm, manh áo đã đẩy người dân đến đường cùng, dồn họ vào chân tường. Người dân buộc phải có lựa chọn hồi hương bất chấp các hiểm nguy có thể xảy ra trên đường cũng như nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tàu hỏa để không, người dân phải vượt hàng nghìn km bằng xe máy, vì sao?
- Người dân phải đi xe máy vượt hàng nghìn km để về quê, trong khi chúng ta hoàn toàn có đủ phương tiện để đưa đón họ như tận dụng tàu hỏa Bắc Nam, vì sao giải pháp này không được đưa ra?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Không thể trách những người này về quê, thậm chí phải chia sẻ đối với những người nằm trong hoàn cảnh này. Tuy nhiên, để người dân tự phát và đi rất nhiều phương tiện khác nhau để về quê, hàng nghìn cây số mà đi xe máy, thậm chí nhiều người đi bộ hàng trăm cây số là không thể hình dung được. Đi trên cả một tuyến đường dài với nhiều người đã vượt quá sức của bản thân, không ít người đã ngã giữa đường, thậm chí có những vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra.
Có lẽ cần sự vào cuộc của Nhà nước, chính quyền các địa phương. Nhưng lạ nhất trong câu chuyện này, không thấy các tổ chức quần chúng vào cuộc. Chúng ta hoàn toàn có đủ phương tiện để hỗ trợ đưa, đón người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, tàu hỏa là một ví dụ.
Có thể tàu hỏa thời điểm này không chở được những hành khách bình thường nhưng đây là những hành khách đặc biệt, cần phải được cứu trợ. Hoàn toàn có thể tổ chức các đoàn tàu để đưa đón họ, hỗ trợ người dân.
Nguoi dan khon kho vuot nghin km tu Nam ra Bac:
Người dân đi qua hầm Hải Vân. Ảnh: VOV 
- Trên hành trình hồi hương, chúng ta thấy những hình ảnh cảm động về tinh thần tương thân tương ái xuất hiện khi người dân hai ven đường hỗ trợ hết mình cho những người hồi hương nhưng một số địa phương quê quán họ lại không dang rộng vòng tay đối với họ, ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Trên hành nghìn hàng nghìn cây số của những đoàn người hồi hương đã có những hình ảnh xúc động. Tại các địa phương đoàn người đi qua, lực lượng CSGT và các lực lượng chức năng đã tạo điều kiện, hỗ trợ giúp đỡ, dẫn đoàn, chở người già, trẻ em, phương tiện hư hỏng. Một số địa phương như Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp hỗ trợ như mở cửa hầm đường bộ Hải Vân để người dân di chuyển an toàn. Người dân ven đường hỗ trợ đồ ăn thức uống, xăng xe 0 đồng dành cho người dân. Lòng nhân ái của người Việt Nam trong hoàn cảnh đó trỗi dậy, người ta đùm bọc lẫn nhau.
Tuy nhiên như thế không có nghĩa Nhà nước không có các biện pháp cụ thể và cần phải có các biện pháp cụ thể.
Chính quyền các địa phương cần mở rộng vòng tay đón con em về quê, tìm mọi biện pháp, điều kiện cho phép hỗ trợ tối đa đối với họ. Bởi ít nhất quê hương là chỗ dựa cuối cùng để người ta hi vọng. Các chính quyền địa phương, thậm chí Chính phủ cần có giải pháp cứu giúp những người này.
Chính sách trong trường hợp này phải cụ thể, cần hành động ngay. Bây giờ, không chỉ kêu gọi mà cần phải có biện pháp cụ thể, có hiệu quả để giải quyết việc hàng triệu người có nhu cầu trở về quê và sẽ gây ra những hệ lụy không thể hình dung được.
Nguoi dan khon kho vuot nghin km tu Nam ra Bac:
Cần có chính sách an sinh cho những người lao động từ vùng dịch về. Ảnh: Vietnamnet. 
Cần có chính sách an sinh xã hội cho người hồi hương
- Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách an sinh xã hội không chỉ áp dụng ở các địa phương phải giãn cách do dịch bệnh mà các địa phương nơi người lao động về nhà từ vùng dịch cũng cần phải có những chính sách này, ông nghĩ sao về vấn đề này?
PGS.TS. Lâm Bá Nam: Giống như chúng ta đã từng chống dịch, các giải pháp hỗ trợ an sinh cho người dân hồi hương là giải quyết hệ quả của nó. Những hệ quả kéo theo là không thể lường hết được như lây lan dịch bệnh, nguy cơ mất an ninh trật tự, cần phải kết hợp cả các yếu tố này nếu không nỗi đau còn lớn hơn nhiều.
Bây giờ chính quyền địa phương nơi người lao động về phải có những chính sách tiếp nhận, đảm bảo phòng dịch, lo cho người dân nơi ăn, chốn ở, hỗ trợ họ chi phí xét nghiệm, cách ly và trong tương lai gần cần tính cả kế sinh nhai cho họ.
Người dân về quê không chỉ là việc đưa đón, mà còn phải ổn định đời sống, chăm lo về mặt sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh này, có thể triển khai tiêm vắc xin, đưa người dân vào khu cách ly, sau đó phải tính đến chính sách an sinh xã hội để tạo việc làm, tính kế sinh nhai cho những người này, đáp ứng được nhu cầu cần thiết, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, an ninh trật tự. Đó cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay.
Xin cảm ơn PGS.TS. Lâm Bá Nam về cuộc trao đổi trên!
 >>> Mời độc giả xem thêm video Miền Bắc, Miền Trung Sẽ Ra Sao Trước “Biển Người” Hồi Hương?:

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống.


Hải Ninh