Ông Đèo sinh trưởng trong một gia đình với 8 anh chị em. Dù mẹ làm nghề bán xôi, ba là ngư dân, hai người vẫn cố gắng nuôi các con, ai muốn học nghề gì, ba mẹ ông đều xoay xở, vay mượn tiền lo cho con đi học.
Năm lên 17 tuổi, ông Đèo xin gia đình cho đi học may. Vì khéo tay từ nhỏ nên chỉ mới 8 tháng theo chân "sư phụ", ông đã sớm trở thành người thợ lành nghề.
Tay nghề của ông từng nức tiếng khắp xứ Hòa Hảo lúc bấy giờ. Người ở bên kia sông, ở thành phố lớn về đều ghé tiệm ông Đèo may quần tây.
"Khi tôi gặp nạn phải bỏ nghề, người đến thăm tôi thường xuyên nhất chắc có lẽ là khách đặt may đồ lúc trước. Người ta tỏ vẻ nuối tiếc, vì từ nay không biết phải tìm người may giỏi ở đâu", ông Đèo kể.
Một năm sau biến cố kinh hoàng ấy, ông Đèo lấy tiền tích cóp mua một chiếc xe đạp, bắt đầu hành trình rong ruổi đi bán vé số.
Cứ 5h30 sáng mỗi ngày, ông đạp xe ra quán cà phê để hàn huyên bạn bè trước khi mang tập vé số len lỏi khắp các góc chợ. Nhiều lần bị kẻ gian giật mất vé số, người đàn ông gần như mù lòa cũng chỉ biết nuốt nước mắt chấp nhận.
Ấy vậy, nhờ bản tính hiền lành, ông vẫn luôn được mọi người thương yêu, ủng hộ.
"Bán vé số 33 năm rồi nhưng chưa ngày nào tôi bị ế. Mỗi ngày tôi bán được 180 vé, đủ tiền chi trả các khoản phí sinh hoạt trong nhà. Ngày xưa bữa đói bữa no, nay các con cũng lớn, cùng kiếm tiền phụ giúp gia đình", ông Đèo nói.
Thời ấy, ba cha con nằm chui rúc trong căn nhà mục nát, hễ mưa xuống là dột. Ông Đèo phải thức trắng đêm lấy thau hứng nước mưa, che cho các con ngủ. Đến năm 2019, ông tích cóp được một khoản tiền, tự kỳ cạch sửa chữa lại căn nhà cho khang trang.
Dù gia cảnh khó khăn, ông Đèo vẫn một thân nuôi những đứa con trưởng thành. Hiện nay, người con út của ông đã là giáo viên, có công việc ổn định tại trường cấp hai ở huyện. Người con thứ chọn nối nghề may của ba. Mừng nhất với ông là người con đầu bỏ nhà đi từ thời đó nay cũng đã quay về đoàn tụ khi nhận ra tình thương gia đình.
Với bản tính hiền lành, nỗ lực vươn lên, ông được nhiều người đi đường thương tình, mua ủng hộ (Ảnh: Nguyễn Vy).
"Nhiều người từng cho là tôi viển vông nhưng bản thân tôi đã làm được. Gặp nạn như vậy rồi, chẳng lẽ nằm một chỗ chịu trận? Nhờ đọc sách, kinh Phật, tôi biết bản thân muốn gì và cần gì. Nhờ bôn ba bên ngoài, tôi mới hòa nhập lại được với cộng đồng", người đàn ông bộc bạch.
Ông Đèo xem sách là người bạn tinh thần trong suốt quá trình chữa trị. Người đàn ông chia sẻ, nhờ vào đọc sách, ông mới có thể gắng gượng vượt qua được khó khăn, sống lạc quan hơn.
Kiến thức, sự am hiểu văn chương, khả năng đọc thơ như hát của ông Đèo giờ khiến nhiều người bất ngờ, nể phục. Bởi, nhìn những vết sẹo chằng chịt, co kéo khắp cơ thể kia, tưởng như là phép đánh dấu khủng khiếp của thần chết nhưng đối với ông, đó là "huy chương" chứng nhận cho việc chiến thắng số phận.
Giờ đã bước sang tuổi 70, ông Đèo hi vọng các con có cuộc sống vững vàng, lành mạnh. Bản thân ông chỉ mong tích cóp được khoản tiền cho con, rồi tới khi mỏi mệt thì dừng lại.
"Trời sinh voi sinh cỏ, tôi cũng cố hưởng ba thứ "cỏ chỉ", "cỏ lác" mà sống qua ngày. Tôi cũng thất bại ở nhiều việc, như với nghề may nhưng với việc đấu tranh với số phận thì tôi tự tin mình đã chiến thắng", ông Đèo cười nói.