|
Lý Sơn có nhiều lễ hội dân gian truyền thống mang đậm sắc màu của cư dân miền biển. |
Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều di tịch lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh đẹp cùng những bãi biển cát trắng, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang là điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát triển du lịch ở địa phương này chưa có quy hoạch chi tiết, công tác quản lý còn buông lỏng nên phát triển du lịch ở Lý Sơn còn mang tính tự phát “mạnh ai nấy làm”.
Trước thực trạng trên tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề án phát triển du lịch ở Lý Sơn đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đồng thời thống nhất chủ trương mở tuyến phố đi bộ dài 3 km ven bờ biển đảo Lý Sơn. Đây là cơ hội và là “cú hích” để Lý Sơn phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển lĩnh vực du lịch – dịch vụ nơi đảo tiền tiêu.
|
Với nhiều di tích và danh thắng đẹp Lý Sơn đang là điểm đến của khách du lịch. |
Theo đó, đến năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, sẽ hoàn thiện cơ bản việc đầu tư xây dựng Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh - sạch đẹp - văn minh và là điểm đến của du khách, thu hút khoảng trên 180.000 - 200.000 lượt du khách/năm, doanh thu từ lĩnh vực du lịch ước đạt khoảng 30-35% tổng giá trị của nền kinh tế.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn đã và đang có nhiều cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư vào hạ tầng du lịch. Đặc biệt là phương án mở phố đi bộ ven đảo bao gồm nâng cấp tuyến đường ven biển có chiều dài khoảng 3 km từ khách sạn Mường Thanh đến cầu cảng cá Lý Sơn, trồng cây cảnh quan, khu thương mại dịch vụ, xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng, khu ẩm thực, khu trưng bày sản phẩm du lịch...
Ông Võ Muộn (ở Thôn Đông, xã An Vĩnh) vui mừng cho biết nếu phố đi bộ được mở, du lịch ở Lý Sơn sẽ có cơ hội để phát triển, thứ nhất vấn đề môi trường ô nhiễm ven bờ biển do rác thải sinh hoạt sẽ được giải quyết triệt để, thứ hai việc xây dựng sẽ phải tuân thủ theo quy hoạch chung không “nhếch nhác, lộn xộn” như hiện nay, thứ ba là tạo công ăn việc làm.
“Việc mở phố đi bộ là cần thiết, bởi khách du lịch ra đảo, ngoài thăm quan các di tích, danh lam thắng cảnh, ai cũng muốn mua cho mình những sản phẩm du lịch do người dân địa phương làm ra. Điều này, vừa tạo cơ hội cho người dân địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc sản vùng miền đến với du khách, vừa tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn đinh cho lực lượng lao động tại địa phương” - ông Muộn nói.
Đồng quan điểm với ông Muộn, bà Dương Thị Điều, ở thôn Tây xã An Vĩnh chia sẻ: "Xưa nay, chỉ nghe các thành phố lớn mới có tuyến phố đi bộ dành cho khách du lịch chứ ai ngờ Lý Sơn cũng có tuyến phố đi bộ, chúng tôi ủng hộ chủ trương này, bởi ngoài yếu tố để phát triển kinh tế, tuyến phố đi bộ còn là nơi để người dân địa phương, du khách được giao lưu, mua bán và là không gian thoáng đãng để người già chúng tôi rèn luyện sức khỏe...".
|
Bộ mặt của Lý Sơn đang thay đổi từng ngày. |
Còn theo ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư huyện Lý Sơn, khi tuyến phố đi bộ đưa vào hoạt động, du lịch trên đảo sẽ nhộn nhịp hơn, khách đến với Lý Sơn sẽ đông hơn, kinh tế phát triển đời sống của người dân sẽ được nâng lên, đặc biệt là việc quảng bá, giới thiệu về chủ quyền biển đảo, lịch sử đất và người Lý Sơn sẽ đến với du khách khi ra Lý Sơn.
“Trước mắt, trên cơ sở quy hoạch chi tiết, chúng tôi sẽ đầu tư nâng cấp tuyến đường hiện có thành tuyến phố đi bộ, đồng thời kêu gọi người dân và các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng cơ sở như khu thương mại trưng bày và giới thiệu sản phẩm, đặc sản của địa phương, khu ẩm thực đêm, khu trưng bày triển lãm các hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo... để phục vụ khách du lịch” - ông Vy nói.
Là đảo tiền tiêu, Lý Sơn nổi tiếng với cảnh thiên nhiên đẹp, cùng nhiều Lễ hội dân gian truyền thống mang đậm sắc màu của cư dân miền biển, cùng với đó là cái nôi của Đội dân binh Hoàng Sa năm xưa nên Lý Sơn đang là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, bằng chứng là năm 2016 vừa qua đảo Lý Sơn đã đón trên 165 ngàn lượt khách du lịch, tăng 75% so với năm 2015.
Theo An Vĩnh/Dân Việt