Người lao động ngóng tiền hỗ trợ

Google News

Do tình hình dịch bệnh nên các thủ tục gặp ách tắc về xác nhận, ủy quyền..., người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại TP HCM chưa nhận được hỗ trợ.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, từ ngày 15/7, Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh (TP Thủ Đức, TP HCM) đã bố trí cho 150 lao động tại TP HCM thực hiện phương án "3 tại chỗ" và làm thủ tục tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 130 người. Để người lao động (NLĐ) bớt khó khăn, công ty đã làm thủ tục đề nghị để họ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, với mức 3.710.000 đồng/người. Tuy nhiên, đến nay NLĐ vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Doanh nghiệp gặp khó
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết thời điểm đó việc thực hiện thủ tục đề nghị hỗ trợ rất khó khăn, phức tạp, công ty phải tới lui các cơ quan chức năng rất nhiều lần để bổ sung hồ sơ. Trong đó, khó nhất là việc phải cung cấp danh sách có ký tên từng NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, bởi hơn 50% số lao động này đã về quê tránh dịch.
Nguoi lao dong ngong tien ho tro
 Người lao động khó khăn nhận quà hỗ trợ từ LĐLĐ TP HCM. Ảnh: MAI CHI
Để "chữa cháy", Chủ tịch Công đoàn và chủ doanh nghiệp (DN) đã ký tên xác nhận vào danh sách và cam kết sẽ bổ sung chữ ký NLĐ đầy đủ khi họ trở lại làm việc. "Phần thủ tục DN hoàn tất đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có NLĐ nào nhận được tiền hỗ trợ này. Chúng tôi mong cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện để NLĐ sớm tiếp cận gói hỗ trợ vì cuộc sống của họ hiện rất khó khăn" - ông Hùng đề nghị.
Để gỡ vướng vấn đề thủ tục như trường hợp Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh gặp phải, mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã có Hướng dẫn số 2558/LĐTBXH-VP. Theo đó, đối với trường hợp DN và NLĐ có văn bản thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó. Nếu vì dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận. Văn bản này đã phần nào tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và NSDLĐ nhanh chóng tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Thế nhưng, theo bà Lê Hà Mỹ Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyung Rhim Vina (quận Bình Tân, TP HCM), văn bản nói trên vẫn chưa giải quyết triệt để vướng mắc DN gặp phải. Bà Hồng cho hay do công ty có 5 ca F0 nên phải ngừng hoạt động, cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 10-7.
Đến nay công ty đã ký văn bản thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương với 352/480 lao động. Số còn lại về quê hoặc đang cách ly, ở khu vực phong tỏa nên chưa thể ký.
"Theo Văn bản 2558/LĐTBXH-VP thì chúng tôi phải nộp các văn bản thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương đã ký với NLĐ cho cơ quan chức năng, song thời gian này TP đang giãn cách nên không thể thực hiện. Chưa hết, đối với lao động có thai, nuôi con dưới 6 tuổi, để nhận thêm khoản hỗ trợ 1 triệu đồng/trẻ phải gửi bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ như: giấy tờ chứng minh NLĐ đang mang thai; giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của trẻ em... cũng khó thực hiện vì NLĐ không thể đi photocopy, chứng thực bản sao hay cung cấp bản chính để đối chiếu (do để ở quê hay về quê) trong thời gian này" - bà Hồng nêu ví dụ.
Chờ làm cho đúng quy trình
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết đến nay BHXH TP đã xác nhận danh sách tạm hoãn HĐLĐ, không hưởng lương cho 14.492 đơn vị với 196.500 NLĐ để làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho NLĐ theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Thời gian xác nhận thực hiện trong vòng 1 ngày thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Sau khi xác nhận, BHXH TP sẽ chuyển thẳng kết quả xác nhận cho Sở LĐ-TB-XH TP để nhanh chóng xét duyệt hỗ trợ cho NLĐ.
Một nghịch lý là tuy số DN xác nhận danh sách tại BHXH TP khá nhiều, song đến nay tại một số quận, huyện như Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Hóc Môn, quận 12... vẫn chưa chi hỗ trợ cho NLĐ mặc dù có đủ điều kiện và DN đã hoàn tất thủ tục.
Một cán bộ Phòng LĐ-TB-XH quận 12 giải thích lý do chưa thể giải ngân tiền hỗ trợ cho NLĐ là do chưa có ủy quyền của UBND TP về việc ra quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, thực hiện chi trả hỗ trợ cho NLĐ đối với UBND quận, huyện. Tại Công văn 2512/UBND-VX của UBND TP về việc triển khai một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg có nêu UBND TP ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức, quận, huyện căn cứ kết quả thẩm định, quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, thực hiện chi trả theo quy định.
Tuy nhiên, tại Nghị quyết 68/NQ-CP thì Chính phủ giao UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương chủ trì xác định và phê duyệt danh sách các đối tượng được hưởng chế độ theo quy định. "Như vậy, để bảo đảm UBND quận, huyện thực hiện đúng quy trình, thủ tục thì cần có văn bản ủy quyền của UBND TP như trong lần thực hiện chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg năm 2020. Do đó, hiện chúng tôi đang chờ văn bản ủy quyền của UBND TP để chi trả hỗ trợ cho NLĐ đúng quy định" - vị này nói.
Theo MAI CHI - HỒNG ĐÀO/ NLĐ