Những ngày cuối năm có lẽ là những ngày đau đớn và hụt hẫng nhất đối với bà Nguyễn Thị Dưỡng, 65 tuổi, (trú tại xóm 4, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, Nam Định).
Bởi đã hơn 14 năm qua, cứ vào dịp gần Tết, việc của bà Dưỡng là ngày ngày ra đầu ngõ ngóng những chuyến xe từ nơi xa về với hy vọng trong những chuyến xe ấy, đứa con trai mất tích của bà sẽ trở về. Rồi bà sẽ được cùng con trai đón cái Tết đầm ấm, sum vầy. Thế nhưng năm nào cũng vậy, hy vọng để rồi thất vọng. Thời khắc giao thừa vẫn chỉ có mình bà lủi thủi ra vào.
Con trai mất tích bí ẩn
Hình ảnh người mẹ già khốn khổ ngày ngày ra đường ngóng tin con đã trở nên quá đỗi quen thuộc với những người dân xóm 4, xã Thành Lợi. Nhiều người xót xa đã khuyên bà thôi đừng hy vọng nữa để rồi lại phải hụt hẫng, thất vọng. Nhưng người mẹ ấy luôn quả quyết với mọi người rằng: "Trước sau gì con trai tôi cũng về, chỉ là sớm hay muộn mà thôi".
Có lẽ tình yêu con vô bờ bến đã khiến bà Dưỡng có một niềm tin sắt đá về sự trở về của đứa con trai mất tích đã 13 năm. Trong căn nhà xập xệ, ước chừng diện tích chỉ khoảng 10 mét vuông không có gì đáng giá. Gọi là nhà cho oai chứ thực ra nhìn nó chẳng bằng gian bếp tử tế của một gia đình bình thường.
Bên trong gian nhà là vài bộ quần áo vắt ngang, đồ đạc ngổn ngang, mùi ẩm thấp bốc lên, lũ chuột đuổi nhau kêu chít chít. Có lẽ, thứ đáng giá nhất trong ngôi nhà ấy là chiếc nồi cơm điện.
Hỏi bà Dưỡng lý do vì sao mà không tu sửa lại nhà mình thì bà bảo, ở một mình sao chẳng được. "Tôi đợi khi nào thằng Thu về thì hai mẹ con sẽ cùng sửa sang lại cho tươm tất" - bà Dưỡng nhắc về con với đôi mắt rơm rớm.
Bà bảo, bà nhớ như in cái ngày anh Thu mất tích: "Hôm đó tôi nhận được điện thoại của cô em chồng nói tổ chức đám cưới cho con cô ấy nên mời mẹ con tôi từ Nam Định lên Vĩnh Phúc dự.
Đợt đó đúng vào vụ cấy nên tôi không đi được mà để cho thằng Thu nó đi. Lúc nó đi, tôi đưa nó tiền vừa để mừng đám cưới vừa để đi tàu xe. Nó cầm tiền thì bảo với tôi con chỉ đi hai hôm thôi rồi sẽ về cấy cùng mẹ, nhà mình không nhiều ruộng nên mẹ không phải cố quá đâu. Vậy mà nó đi miết hơn 14 năm rồi chưa về. Ai mà tin được đó lại là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy mặt con".
|
Bà Dưỡng trong ngôi nhà tuềnh toàng của mình. |
Đám cưới đã xong được 2 ngày mà vẫn chưa thấy con trai trở về, bà Dưỡng đã đánh điện lên nhà cô em chồng để hỏi thì nhận được câu trả lời Thu đã về từ hôm trước rồi.
Nghe vậy, lòng bà Dưỡng như lửa đốt nhưng vẫn tự trấn an mình rằng: "Biết đâu nó tạt ngang tạt dọc vào nhà ai đó chơi, bởi vì có mấy khi nó được đi xa đâu nên chắc tranh thủ". Nhưng đợi thêm tới 2 ngày nữa mà vẫn không thấy con về, bà Dưỡng đứng ngồi không yên.
Bà vay mượn tiền bạc rồi nhờ mấy người họ hàng cùng mình lên quê cô em chồng để tìm con. Đến nơi bà được mọi người kể lại rằng dù đã mời Thu ở lại rất nhiều nhưng anh một mực từ chối với lý do phải về nhà để kịp cấy cùng mẹ. Sau đó, một người nhà của cô anh Thu đã chở anh ra bến đò đi sang phía bên kia sông để bắt tàu về quê. Từ thời điểm đó mọi người hoàn toàn không biết tin gì về anh Thu nữa.
Con trai đột nhiên mất tích khiến bà Dưỡng gần như phát điên. Nhiều ngày sau đó bà Dưỡng cứ đi tha thẩn ra đường quốc lộ, miệng liên tục gọi tên con. Nhiều lúc bà lại tỏ ra cứng rắn, trấn an những người họ hàng, làng xóm đến chia sẻ cùng mình rằng: "Cháu nó cũng đã 26-27 tuổi rồi chắc không sao đâu, nó sẽ về với tôi bởi cũng năm hết Tết đến rồi".
Thế nhưng Tết năm đó anh Thu không trở về. Và nhiều cái Tết sau nữa người con trai cả của bà Dưỡng vẫn bặt vô âm tín. Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Dưỡng tâm sự rằng bà thường xuyên gặp con trai mình trong mơ: "Lúc thì tôi thấy nó trong bộ dạng tả tơi, đói lả, lúc lại thấy nó lấm lem bùn đất. Có lúc tôi lại mơ thấy nó bị người ta lừa bán sang Trung Quốc. Ở đó, lạ nước lạ cái lại không biết tiếng nên nó bị người ta đánh đập nhiều lắm. Nhưng cũng nhiều lần tôi nhìn thấy cả vợ và con nó nữa. Gia đình nó đang rất hạnh phúc. Tôi hỏi nó sao không về với mẹ thì nó trả lời là con cũng muốn về lắm nhưng chưa thu xếp được".
Lần nào mơ thấy con, dù con đau khổ hay hạnh phúc thì người mẹ già ấy cũng nước mắt đầm đìa. Bà bảo, đời bà cũng chỉ có anh Thu là niềm hy vọng mà giờ niềm hy vọng ấy cứ hun hút, vời xa.
|
Người con trai Bùi Văn Thu mất tích từ năm 2003. |
Cả đời bất hạnh
Khi còn là thanh niên cô thôn nữ Nguyễn Thị Dưỡng đi thoát ly, xin làm công nhân thuộc Công ty Đường sắt số 6 tuyến đường Hà Nội - Yên Bái. Tính tình chịu thương chịu khó cộng với khuôn mặt ưa nhìn khiến cô được nhiều chàng trai cùng công ty để ý. Trong số ấy, cô có cảm tình đặc biệt với một người đàn ông làm cùng đội, quê ở Vĩnh Phúc rồi sau đó hai người tiến tới hôn nhân.
Một năm sau khi kết hôn, cặp vợ chồng trẻ đã sinh được con trai đầu lòng rồi không lâu sau đó lại sinh thêm được một cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa phải ghen tị. Cuộc sống tuy không sung túc nhưng đầm ấm, chứa chan tiếng cười con trẻ.
Nhưng rồi vài năm sau đó, công ty nơi hai vợ chồng bà Dưỡng đang làm việc gặp khó khăn nên phải tinh giản biên chế. Nhiều người trong đó có vợ chồng bà phải xin về mất sức sớm.
Cuộc sống vì thế mà khó khăn hơn gấp bội, thu nhập không có khiến chồng bà chán nản, bỏ bê con cái sa đà vào rượu chè, chơi bời trai gái. Người đàn ông ấy còn ngang ngược đến mức dẫn luôn người phụ nữ ngoài luồng về sống ngay trong ngôi nhà hai vợ chồng bà đang ở.
Không những thế ông ta còn đánh đuổi mẹ con bà Dưỡng thường xuyên, bắt bà phải ký vào đơn ly dị. Không chịu nổi cảnh "chồng chung" và những trận đòn roi nên bà đã đưa hai con về quê ngoại ở Nam Định sinh sống.
|
Hàng ngày, bà Dưỡng vẫn mong ngóng con trai trở về. |
Ban đầu không có nhà cửa, ba mẹ con bà phải ở nhờ nhà nhiều người thân, mỗi nhà ở một thời gian ngắn. Thấy gia cảnh 3 mẹ con quá bi đát nên chính quyền địa phương đã quyết định cấp cho bà Dưỡng mấy chục mét vuông ruộng phần trăm để dựng nhà và 3 sào ruộng khoán để sinh sống.
Để nuôi 2 con thơ, bà Dưỡng đã phải làm đủ thứ nghề, từ cấy thuê, gánh nước thuê đến mò cua bắt ốc và làm phu hồ. Bà bảo: "Chỉ cần có các con ở bên thì dù vất vả đến thế nào tôi cũng chịu được".
Về phần 2 người con của bà Dưỡng, vì hiểu được mẹ đã hết lòng hy sinh cho mình đến thế nào nên các con của bà rất hiếu thuận. Con trai cả của bà lúc nào cũng động viên mẹ rằng: "Sau này con lấy vợ, vợ chồng con sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để mẹ đỡ vất vả. Rồi bọn con sẽ sinh cho mẹ thật nhiều cháu để mẹ tha hồ bế bồng, chăm sóc".
Bà Dưỡng cầm tấm ảnh con trai phía đầu giường đưa cho chúng tôi xem rồi nghẹn ngào nói: "Nó lúc nào cũng muốn bù đắp cho tôi. Nó lo cho tôi thế thì đời nào bỏ tôi mà đi. Chắc phải có lý do gì đấy nên nó chưa về nhà được thôi. Ai hỏi tôi cũng bảo chắc nay mai nó sẽ về thôi mà".
Nhìn người mẹ già lầm lũi trong ngôi nhà tuềnh toàng, gian bếp cháy nham nhở cũng không buồn nhờ người làm lại khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Năm nào bà Dưỡng cũng gói thật nhiều bánh chưng, bà bảo: "Nhỡ đâu thằng Thu nó về rồi nó đưa cả vợ con nó về mà nhà lại chả có gì ăn thì tội chết". Bà nói tới sự trở về của con với ánh mắt lấp lánh hy vọng.
Người thân duy nhất của bà Dưỡng bây giờ là cô con gái. Nhưng cô con gái ấy của bà số phận cũng bất hạnh chẳng kém gì mẹ mình. Chồng cô cũng là một kẻ nghiện ngập rượu chè, hễ say là gây gổ, đánh đập vợ con. Cuộc sống vợ chồng chẳng những không hạnh phúc mà kinh tế cũng rất khó khăn.
Trong hoàn cảnh ấy, con gái bà đã buộc phải gửi lại 2 con nhỏ để đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nhưng chưa đi được bao lâu thì người chồng cô ở nhà mắc bệnh rồi qua đời.
Nói về người con gái, bà Dưỡng không giấu được nỗi xót xa: "Đời tôi đã quá khổ rồi, giờ lại đến đời con gái cũng chả sáng sủa gì hơn". Sắp bước vào cái tuổi "xưa nay hiếm", đáng lẽ bà Dưỡng phải được hưởng cái hạnh phúc sum vầy bên con cháu thì nay bà vẫn lủi thủi một mình. Bà bảo, bà sống được tới ngày hôm nay cũng là vì bà tin con trai bà còn sống và sẽ trở về.
Ông Bùi Văn Tư - Trưởng xóm 4 cho biết: "Bà Nguyễn Thị Dưỡng là một người phụ nữ có hoàn cảnh rất đáng thương. Cậu con trai mất tích đã hơn 14 năm. Là mẹ, ai chẳng nghĩ tới những điều tốt nhất cho con mình. Thế nên dù đã từng đó năm mà bà ấy vẫn luôn giữ hy vọng sẽ có một ngày con trai trở về. Đối với địa phương, chúng tôi cũng chỉ có thể động viên, giúp đỡ bằng cách đưa bà vào diện đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc".
Theo Phong Anh/CAND