Người nghi nhiễm COVID-19 chặn số Bộ Y tế bị xử lý thế nào?

Google News

Có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác với cơ quan chức năng. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp.

Việt Nam rơi vào đợt bùng dịch thứ 3, biết bao tổn thất không thể kể được bằng con số. Trong hoàn cảnh đó, có tới 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19), khi được phát hiện và liên hệ đã không hợp tác với cơ quang chức năng. Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do “tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu".
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đánh giá đội ngũ truy vết các F0 đã gặp rất nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch lần này rất phức tạp, số lượng bệnh nhân dương tính cao kỷ lục. "Chúng tôi đã làm việc hết công suất, để truy vết thành công hơn 100 ca bệnh dương tính trong suốt 3 ngày qua"- Thứ trưởng nói.
Ông đánh giá tình huống dịch bệnh lần này rất nguy hiểm vì tại Công ty Poyun- nơi được xác định là tâm dịch, các sự kiện tập thể khá nhiều nhưng hầu hết công nhân không đeo khẩu trang. Hơn nữa, tháng 1 cũng là khoảng thời gian mọi người thường xuyên tổ chức tiệc tất niên, đám cưới khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Nguoi nghi nhiem COVID-19 chan so Bo Y te bi xu ly the nao?
Đông đảo tình nguyện viên tham gia vào công tác truy vết F0. Ảnh: Thùy Linh 
Theo luật hiện hành, bệnh nhân mắc COVID-19 không hợp tác sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, trách nhiệm của người dân là phải khai báo y tế trung thực và tự giác. Hành vi chậm, trốn tránh khai báo y tế, tùy vào tính chất mức độ và hậu quả xảy ra có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dẫn Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, luật sư phân tích COVID-19 đã được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao) từ ngày 29/1/2020.
Hơn một năm qua, cơ quan chức năng đã tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Do đó, mọi người phải biết và có nghĩa vụ, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Theo luật sư Cường, Điều 11 Nghị định số 117/2020 của Chính phủ quy định người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan chức năng thì bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Còn hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì bị phạt hành chính 15-20 triệu.
Bên cạnh đó, công văn số 45 ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn xét xử một số tội phạm về phòng chống COVID-19, quy định bệnh nhân hoặc người nghi mắc bệnh đã được thông báo cách ly nhưng không thực hiện, gây lây truyền dịch bệnh cho người khác thì bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.
Luật sư cho rằng người không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối làm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng sẽ bị phạt tiền với các mức như trên hoặc bị xử lý hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự, khung hình phạt có thể đến 12 năm tù.
>>>Mời quý độc giả xem thêm video: Vân Đồn trắng đêm duy trì chốt chặn phòng dịch Covid-19

Nguồn: QTV


Hiểu Lam