Sáng ngày 9/6, lực lượng chức năng phường Trần Phú phát hiện ông Nguyễn Huy Cảnh, sinh năm 1973 (xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) bày bán hoa sen tại phố Hoàng Văn Thụ (phường Trần Phú hiện đang cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng). Ông Cảnh sau đó đã bị xử phạt 3 triệu đồng, phải tự trả tiền xe cứu thương về xã Thạch Lỗi để thực hiện cách ly y tế 21 ngày theo đúng quy định.
Thông tin vụ việc khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận với nhiều ý kiến trái chiều, đa số đều cho rằng, mức phạt với người bán hoa là quá cao và bày tỏ sự cảm thông với người bán hoa sen dạo. Nhiều ý kiến khác cho rằng, mức phạt trên là phù hợp để răn đe những trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh, trong bối cảnh thành phố Hải Dương mới chỉ 7 ngày không ghi nhận ca mới và vẫn đang là địa phương tiềm ẩn nguy cơ cao.
|
Người nông dân vào phố đang giãn cách xã hội bán hoa bị phạt nặng. |
Từ trong khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Hải Dương, một người đang cách ly đã viết bức tâm thư xung quanh câu chuyện này.
Người này cho biết, câu chuyện xử phạt người nông dân bán hoa sen giữa lúc một nửa thành phố giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 khiến mạng xã hội xôn xao và đã dành thời gian đọc hết hàng trăm bình luận, đa số bênh người nông dân tội nghiệp.
Bức thư cũng kể về câu chuyện về hoàn cảnh của người này khi bị cách ly tập trung: “12 ngày qua, tôi và gia đình đã phải dừng hết toàn bộ công việc, chấp hành việc cách ly tập trung do vô tình tiếp xúc với F0. Công việc đình trệ, công ty đang trên đà phá sản nhưng điều mà tôi áy náy là hàng chục gia đình, bạn bè, người thân đều trong diện F2 phải cách ly tại nhà khiến cho công việc cuộc sống của họ lâm vào bế tắc”. Đồng thời cho biết, câu chuyện của bản thân chưa là gì so với câu chuyện đau lòng của một người bạn trong khu phong tỏa không thể về dự đám tang mẹ mình và rất nhiều câu chuyện đau lòng, đáng thương khác tại khu cách ly tập trung mà người này đã chứng kiến, nếu kể ra khiến nhiều người rơi nước mắt.
Đáng chú ý, trong bức thư, người này cho biết, có rất nhiều người muốn dùng từ “giá như” vào lúc này. Giá như quay ngược thời gian, Bắc Giang sẽ không có hơn 3.000 ca bệnh, Bắc Ninh không có hơn 1.000 ca, TP Hồ Chí Minh không có hơn 400 ca và hàng chục tỉnh thành khác cũng không phải oằn mình chống dịch... Đồng thời cho biết, hai chữ “giá như” nếu có thể đánh đổi lại tổn thất nặng nề của nền kinh tế; sự phá sản, đình trệ của hàng ngàn doanh nghiệp, công ty; sự thất nghiệp của triệu lao động thì tốt biết mấy.
“Tôi ước “giá như” để gia đình tôi không lâm vào cảnh phân tán, người bạn tôi có thể về thắp nén hương trong đám tang của mẹ, những em bé có bố mẹ đi chống dịch có thể ôm hôn người thân mình bằng xương, bằng thịt chứ không phải qua màn hình điện thoại. Thế nhưng, COVID-19 không cho chúng ta được “nhấn lùi”, không có chuyện “giá như”, càng không có sự cảm thông, chia sẻ. Con virus tàn nhẫn và lạnh lùng này chưa từng vì ai mà dừng lại” – bức thư nêu.
Đề cập đến câu chuyện của người đàn ông huyện Cẩm Giàng lên bán hoa sen giữa khu phố đang thực hiện tinh thần Chỉ thị 16, người này cho rằng, nhiều người đã cảm thương, đã thấy lòng nặng trĩu khi nhìn thấy tấm biên lai xử phạt. Nhiều người xót xa cho sạp hoa sen, vì có lẽ nếu bán hết cũng chỉ được vài trăm ngàn, không bõ bèn gì so với mấy triệu tiền phạt.
Chủ nhân bức tâm thư đặt giả thiết, nếu ngày mai, kết quả xét nghiệm của người đàn ông này dương tính, sẽ có bao nhiêu người lặng lẽ xóa comment, bao nhiêu người lên đây trách móc, chửi rủa người đàn ông “thiếu hiểu biết” này? Và nếu thực sự như vậy, chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu, truy vết bao nhiêu người đối với một trường hợp “bán hàng rong” không thể kiểm soát được số người tiếp xúc như thế này?
Chúng ta sẽ quay trở lại vạch xuất phát sau nhiều ngày không có ca dương tính? Chúng ta sẽ lại phải cách ly hàng trăm gia đình, phong tỏa nhiều khu phố, đóng cửa hàng loạt cửa hàng, chịu tổn thất hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng nữa? Sẽ có bao nhiêu khu cách ly tập trung nữa phải kích hoạt? Bao nhiêu người thân của chúng ta sẽ phải lên đường chống dịch không hẹn ngày về? Và nếu ngày hôm nay, lực lượng chức năng cảm thông mà bỏ qua trường hợp vi phạm này, thì ngày mai, ngày mốt, sẽ có thêm bao nhiêu người bán hàng rong nữa xuất hiện trên các con phố?
“Vài triệu đồng có đánh đối được cả thành quả chống dịch?”, người này đặt câu hỏi và tự trả lời “Tôi nghĩ là không”.
Đồng thời dẫn ví dụ, bài học xương máu của Ấn Độ, của Bắc Giang vẫn còn ngay trước mắt. “Sai một ly” giờ đây không phải là “đi một dặm”, mà có thể là “hàng ngàn dặm” rồi.
Từ đó cho rằng, động thái của cơ quan chức năng dù nghiêm khắc, nhưng hết sức cần thiết, không chỉ là để xử lý vi phạm cá nhân mà còn để làm gương cho tất cả mọi người.
Bởi lẽ, trong cuộc chiến với COVID-19, sự thiếu trách nhiệm dù chỉ của một người cũng rất có thể sẽ gây hậu quả “domino” nghiêm trọng cho cả xã hội và quốc gia.: “Một người lơi là - Cả nhà cách ly; Một người coi thường - Cả phường vất vả; Một người dương tính - Cả tỉnh theo dõi”...
Theo người đang cách ly tập trung này, bản thân đã thấy thành phố Hải Dương có những chiến dịch giải cứu nông sản, đã thấy hoa sen vẫn nở trên các con phố và chưa bao giờ nghĩ rằng thành phố không tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là nông dân.
Thế nhưng dù là bất cứ ai, cũng đều cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để sẵn sàng đối phó và sống sót qua mùa dịch. Dù biết không thể có hai tiếng “giá như”, nhưng vẫn ước giá như người đàn ông này không cố tình vượt qua các rào chặn để vào các khu phố nội thành. Giá như người đàn ông này có thể chịu khó đạp xe thêm một chút để vào các khu chợ, nơi có đầy đủ các biện pháp kiểm soát và phòng chống dịch để bán hàng theo đúng quy định, thì ngày hôm nay, có lẽ nhiều gia đình đã có thêm những bông hoa sen đẹp để cắm trong nhà...
Cuối bức tâm thư, người này cho biết, cô gái 25 tuổi cách ly cùng phòng đã vừa tìm ra địa chỉ của người đàn ông này, cô ấy vừa điện cho bạn ở Cẩm Giàng để nhờ “giải cứu” vườn hoa sen và gửi tặng người nông dân ấy một ít quà. Hóa ra, cuộc sống không cho chúng ta hai chữ “Giá như” nhưng lại luôn cho chúng ta cơ hội để biến thực tại trở nên tốt đẹp hơn.
Cho biết, đây là ngày thứ 6 liên tiếp, Hải Dương không có ca COVID-19, thành quả và nỗ lực rất lớn giữa lúc các địa phương khác vẫn phát sinh hàng chục ca bệnh mỗi ngày, chủ nhân bức tâm thư bày tỏ hi vọng thành phố Hải Dương sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường và nhân dân hãy cùng ủng hộ, chung tay cùng các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng chức năng trong cuộc chiến với COVID-19.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam ủng hộ quỹ vắc xin phòng COVID-19 300 triệu đồng
Hải Ninh