Không biết từ khi nào, văng tục chửi bậy đã trở thành “trào lưu”, “xu hướng” thịnh hành trong đời sống, trong cách phát ngôn của người Việt.
Văng tục chửi bậy bỗng trở thành một loại năng lực tự thân, không phân biệt giới tính, giàu nghèo, trình độ hay vị thế xã hội. Ai cũng có thể văng ra đủ những ngôn ngữ chửi thề, trong mỗi câu chữ nói ra đều mang dáng dấp, hình hài đủ các loại bộ phận kín hở.
Không chỉ đàn ông văng tục, phụ nữ cũng thể hiện “chất” riêng trong cách chửi thề. Không chỉ người nghèo văng tục, người giàu cũng văng đủ các bộ phận để thể hiện sự “sang chảnh”.
Không chỉ giới lao động, tiểu thương buôn bán, dân văn phòng, các ngành nghề đều có “cuộc đua riêng” trong cách dùng ngôn ngữ được đánh giá đậm đặc chất đời sống. Không chỉ người trưởng thành, đến cả học sinh, sinh viên, thậm chí trẻ em các bậc tiểu học, cũng đã tập tành chửi thề, sử dụng tiếng lóng.
|
Văng tục chửi bậy đang là một vấn nạn của người Việt. Ảnh: LĐ
|
Ngôn ngữ chửi bậy được phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, sức lan tỏa tràn lan, với cả một hệ thống ký tự viết tắt phong phú, đa dạng.
Rất nhiều tiếng lóng, chửi thề, từ tục được sử dụng như một “trending” (xu hướng thịnh hành) trong các cuộc trò chuyện, gặp gỡ, trong các cuộc chat, trao đổi, ở cả ngoài đời thực lẫn trên mạng xã hội.
Hệ thống ngôn ngữ của các loại tiếng lóng được cập nhật liên tục, từ ngữ mới được phát triển thường xuyên, hệ thống ký tự, viết tắt cũng cho thấy sự lớn mạnh từng ngày. Chỉ vài ba ngày bạn lỡ “quên” không sử dụng ngôn ngữ này, bạn có thể sẽ bỡ ngỡ, choáng ngợp trong một cuộc chat tập thể, khi những từ mới đã xuất hiện, được sử dụng rộng rãi, và bạn chưa cập nhật được “ý nghĩa” của mấy từ viết tắt đó là gì. Cảm giác của bạn lúc ấy? Thấy mình thật quê mùa?.
Một chuyên gia tâm lý (xin được giấu tên) thú nhận, đôi lúc “tôi cũng văng ra những ngôn ngữ miêu tả vài bộ phận cơ thể một cách vô thức”.
Theo phân tích của chuyên gia, sở dĩ ngôn ngữ tiếng lóng phát triển nhanh, mạnh như vậy vì tốc độ hội nhập chóng mặt của xã hội, theo đó, sự du nhập của các nền văn hóa, sự du nhập của nhiều lối sống phương Tây vào Việt Nam, đã tạo nên sự hỗn loạn trong tư duy sống và tư duy ngôn ngữ của người Việt.
Bên cạnh đó, cuộc sống ngày càng áp lực, căng thẳng, sự cạnh tranh khốc liệt, tạo cho mỗi người cảm giác stress, "đôi lúc, xả ra vài câu tiếng lóng, chửi thề khiến họ có cảm giác được giải tỏa, được giảm stress về mặt tâm lý".
Không những thế, sống và làm việc giữa đám đông, khi “ai nấy đều thản nhiên văng ra những câu chửi thề”, thậm chí có người còn nói ra những câu đó một cách vui vẻ, thích thú, thì việc “nói không với chửi thề” lại trở nên... quê mùa, không bắt “trend”.
Giới nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng, hiện trạng hỗn loạn trong sử dụng ngôn ngữ tiếng lóng, chửi thề đang làm vẩn đục và méo mó sự trong sáng của tiếng Việt. Khi không thể kiểm soát sự vẩn đục, méo mó, hệ lụy để lại cho tiếng Việt sẽ rất lâu dài. Sự chuẩn mực trong văn phong, ngữ pháp tiếng Việt trên các văn bản viết sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ cách sử dụng ngôn ngữ vô tội vạ hiện nay.
Mỗi chúng ta khi nói ra một tiếng lóng không đẹp – chính là lúc chúng ta không có ý thức bảo vệ tiếng Việt, không bảo vệ được vẻ đẹp ngôn ngữ dân tộc. Và, không bảo vệ được cả vẻ đẹp ngôn ngữ của chính mình.
Theo Mi Lan/Lao Động