"Đứng lên đầu nhau" để xem bắt tội phạm cố thủ với súng, lựu đạn
15h ngày 15/2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an Hà Tĩnh tổ chức vây bắt vụ vận chuyển ma túy cực kỳ nguy hiểm.
|
Đối tượng cầm súng và lựu đạn cố thủ nhiều giờ trước khi buông súng đầu hàng. |
Cuộc vây bắt kéo dài từ chiều đến tối. Các đối tượng vận chuyển ma túy cực kỳ manh động. Biết không thể thoát được, các đối tượng đã liều mình cầm súng, lựu đạn chống đối, cố thủ trong xe.
|
Đám đông "đứng lên đầu nhau" tụ tập xem bắt cướp. |
Hàng trăm người dân địa phương kéo đến hiện trường xem phá án. Họ tập trung gần khu vực nghi phạm lẩn trốn khiến cảnh sát phải phát loa thông báo, di tản đến nơi an toàn và cắt cử lực lượng bảo vệ dân.
Trong lúc cố thủ, nhiều lần đối tượng chĩa súng, hướng lựu đạn về phía công an và người dân tụ tập đứng xem sự việc.
|
Lính bắn tỉa vây bắt đối tượng. |
Trưa ngày 1/10/2018, hàng trăm cảnh sát cùng các xạ thủ đặc nhiệm bắn tỉa đã phong tỏa đường Hồng Bàng (TP Vinh, Nghệ An) để vây bắt 2 đối tượng hình sự đang ôm súng cố thủ trong một căn nhà thuộc khu phố này.
Đối tượng tỏ ra ngoan cố, sử dụng vũ khí thách thức, đe dọa lực lượng công an. Hàng trăm chiến sĩ vây kín nhà đối tượng, sự việc hết sức căng thẳng.
|
Đám đông hiếu kỳ xem công an vây bắt đối tượng cố thủ với súng. |
Tuy nhiên, rất đông người dân lại tỏ ra bình thản, hiếu kỳ đứng kín quanh khu vực nhà đối tượng ôm súng cố thủ để xem công an vây bắt đối tượng. Cơ quan chức năng buộc phải cắt cử lực lượng lập hàng rào, bảo vệ hiện trường an sự an toàn của đám đông hiếu kỳ.
Túm tụm xem gỡ bom
|
Đám đông hiếu kỳ tụ tập trên cầu Long Biên xem vớt bom dưới sông Hồng. |
Chiều ngày 28/11/2017, Bộ Tư lệnh công binh trục vớt và di dời quả bom dưới Sông Hồng. Hàng trăm người hiếu kỳ kéo nhau lên cầu Long Biên để theo dõi vụ việc. Họ chăm chú dõi theo như xem phim kinh dị, thậm chí có người thích thú còn lấy điện thoại chụp ảnh, quay phim và đăng tải lên facebook như tường thuật trực tiếp bộ phim kinh dị.
Đơn vị công binh phá bom cho biết, quả bom dài 2,25 m; đường kính 50-60 cm, sức công phá khi nổ cực kỳ nguy hiểm, bán kính ảnh hưởng từ vụ nổ rất lớn.
Vây kín xem gỡ mìn
Ngày 9/12/2014, tại phố Đặng Tất (TP Nha Trang, Khánh Hòa), một chiếc xe 7 chỗ thả một chiếc hộp lớn ở cửa nhà số 12 Đặng Tất rồi bỏ chạy, nghi ngờ có vật liệu nổ, bom mìn khủng bố, người dân đã gọi điện báo cho cơ quan chức năng.
Khi lực lượng công binh được điều tới để xử lý, thay vì đám đông tránh ra xa thì họ lại vây quanh để theo dõi. Đám đông gây ùn tắc cả một con phố dài.
|
Cảnh báo chiếc hộp nghi có mìn mà đám đông vẫn vây kín. |
Dù cho lực lượng công binh cảnh báo chiếc hộp nghi vấn có bom mìn, vật liệu nổ bên trong thì hàng trăm người dân trên vẫn tiếp tục xúm lại xem, bất chấp những hiểm nguy có thể xảy ra.
Tâm lý hiếu kỳ "bầy đàn mông muội" của đám đông
Theo Thạc sỹ Tâm lý Lê Văn Thịnh, tâm lý người Việt là tâm lý hiếu kỳ và tâm lý đám đông. Do đó, khi có sự việc gì giật gân, họ xúm lại để xem và bàn tán. Thậm chí họ bất chấp tính mạng, không màng nguy hiểm để thỏa trí tò mò.
Đặc biệt, người Việt còn có tâm lý đám đông điển hình. Khi có sự việc xảy ra, họ sẽ lôi kéo thêm nhiều người đến để theo dõi. Đó là những hành vi bị chi phối bởi cảm xúc, cực kỳ nguy hiểm.
Ở nước ngoài, khi có nguy hiểm, người ta sẽ báo cho nhau tránh đến nơi an toàn. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì họ lại hành động ngược lại. Vì sự hiếu kỳ, họ quên mất việc bảo vệ sự an toàn của bản thân và những người xung quanh.
Hơn nữa, việc tụ tập quá đông có thể gây ảnh hưởng đến những người thi hành công vụ. Cụ thể, đám đông sẽ khiến cho công an vừa phải phá án lại thêm trách nhiệm bảo vệ người dân.
Một số chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học cảnh báo, sẽ rất nguy hiểm nếu những hành động nào đó được quyết định bởi đám đông. Đó là biểu hiện của tâm lý bầy đàn trong thời kỳ mông muội. Người ta không suy xét đúng sai, lợi hại mà hành động theo cảm xúc đám đông.
|
Thạc sỹ Tâm lý Lê Văn Thịnh. |
Họ sẵn sàng “ném đá” ai đó trên mạng xã hội những lời cay nghiệt nhất. Thậm chí, khi pháp luật còn chưa tuyên án, cộng đồng mạng đã tự cho mình quyền mạt sát và trừng phạt người khác. Chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh tượng cả làng xúm vào đánh chết người trộm chó, sau đó cả làng cùng nhau nhận mình là hung thủ…
Xét theo khía cạnh tác động tiêu cực, có thể nói, tâm lý đám đông theo kiểu bầy đàn sẽ rất nguy hiểm cho chính bản thân và xã hội.
Thế Hoàng