Người Việt uống bia: Đến nhà sản xuất cũng phải “ngán“

Google News

Theo báo cáo Tổng quan Y tế 2015 của Bộ Y tế, số tiền người Việt mua bia rượu là hơn 3 tỷ USD/năm.

Theo báo cáo Tổng quan Y tế 2015 của Bộ Y tế, số tiền người Việt mua bia rượu là hơn 3 tỷ USD/năm, tương đương 1,8% GDP, bằng gần 3% thu ngân sách cả nước và cao gấp 4 lần mức đóng góp ngân sách của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát hàng năm.
Còn theo Canadean, một tổ chức nghiên cứu ngành bia, năm 2015 lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam là 3,8 tỷ lít, mức tiêu thụ bình quân 41 lít/người, đứng thứ 3 tại châu Á sau Hàn Quốc và Nhật Bản.
Điều tra của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong số nam giới sử dụng rượu bia năm 2015, có đến 44,2% sử dụng rượu bia ở mức nguy hại và 47,9% điều khiển phương tiện cơ giới sau khi sử dụng rượu bia.
Trước tình trạng lạm dụng rượu bia ngày một nghiêm trọng, một số nhà sản xuất thậm chí đã phải đưa ra chương trình “Uống có trách nhiệm” nhằm thay đổi văn hóa uống bia của người Việt.
Trong Báo cáo bền vững năm 2015 của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (Heineken Vietnam Brewery), đơn vị này khẳng định muốn hướng đến một mô hình kinh doanh bền vững bằng việc xây dựng được thói quen thưởng thức bia có trách nhiệm.
Trao đổi với PV Infonet, bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc Phát triển bền vững Heineken Vietnam Brewery – khẳng định chương trình “Uống có trách nhiệm” không hề mâu thuẫn với mục tiêu phát triển doanh thu của công ty. Thậm chí, Heineken và các doanh nghiệp cùng ngành sẽ thu lợi nhiều hơn nếu người Việt thay đổi văn hóa ăn nhậu.
“Doanh nghiệp chỉ phát triển khi có được một cộng đồng bền vững,” bà Lê Thị Ngọc Mỹ nói. “Với lượng bia trung bình người Việt Nam uống mỗi năm, nếu quy ra số chai chỉ là 115 chai, như vậy tính ra cứ sau 3 ngày họ mới uống 1 chai bia. Nhưng vấn đề là văn hóa uống bia của người Việt Nam, họ không uống theo kiểu thưởng thức mà là uống theo kiểu ăn nhậu, uống “tới bến”. Đó mới là điều bản thân chúng tôi rất lo lắng.”
Biển người tham gia Lễ hội Countdown chào đón năm mới 2016 tại hồ Hoàn Kiếm do Heineken tổ chức. 
Với người Việt Nam, việc các hàng quán luôn tấp nập, ồn ào sau giờ làm việc đã trở nên quá quen thuộc. Cứ mỗi một khách hàng ngồi “một-hai-ba-dzô” như vậy, là có một gia đình thiếu vắng đi một người trong bữa cơm chiều, chính họ là tác nhân làm tăng thêm số vụ tai nạn giao thông, trở thành gánh nặng cho gia đình và gánh nặng cho chi phí y tế.
“Thay vì ăn nhậu theo phong cách hiện nay, chúng tôi muốn thay đổi cách uống bia của người Việt, đó là văn hóa uống bia, là mỗi buổi chiều ngồi tán gẫu với bạn bè và uống 1-2 chai bia mà thôi. Chỉ khi nào xây dựng được cộng đồng bền vững như thế chúng tôi mới yên tâm, thậm chí chúng tôi sẽ còn bán được nhiều bia hơn nếu xây dựng được cộng đồng bền vững,” bà Lê Thị Mỹ Ngọc nói.
Tuy vậy, dự báo của Canadean cho thấy, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4%-5%/năm, và giá trị sẽ tăng cao hơn vì các sản phẩm giá thành cao đang dần được ưa chuộng hơn.
Trước một thị trường béo bở như vậy, không một nhà sản xuất nào có thể “cầm lòng”. Hàng loạt các chiến dịch truyền thông, marketing được các nhà sản xuất tung ra ngày một sáng tạo, có sức hút đặc biệt đối với giới trẻ.
Nếu như chương trình “Uống có trách nhiệm” được Heineken tổ chức năm 2015 chỉ thu hút được hơn 1.000 sinh viên tham gia, chương trình Lễ hội Countdown vào mỗi dịp năm mới do Sabeco và Heineken tổ chức tại 3 thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, và Đà Nẵng đã thu hút hàng vạn người tham gia chủ yếu là thanh niên, đó là chưa kể chương trình được phát sóng trực tiếp đến các kênh truyền hình và được tiếp sức bởi các loại hình phương tiện truyền thông khác.
Là người tham gia cả hai Lễ hội Countdown tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong 2 năm gần đây, nhưng không phải để tham gia “đếm ngược” mà là để tặng sách miễn phí cho thanh niên và học sinh, ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, tỏ ra ngao ngán khi chứng kiến hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy nhau dẫn đến mất cả giày dép, và dẫm nát vườn cỏ xung quanh Bờ Hồ.
Sự háo hức đó, theo ông Nguyễn Quang Thạch, nó trái ngược hoàn toàn với sự hờ hững của những người được ông tặng sách ngay trong đêm Giao thừa. Nhiều người tỏ ra dè dặt, cảnh giác và thẳng thừng từ chối khi “bỗng dưng” có người lạ tặng sách cho họ hay con cái họ.
“Với một đất nước dùng bia rượu làm thông điệp đầu năm, một đất nước quanh năm ăn nhậu, thanh niên chen lấn, xô đẩy nhau trong một sự kiện do bia rượu tài trợ, chắc chắn chúng tôi sẽ còn phải kiên trì hơn nữa để thay đổi nhận thức của mọi người. Điều may mắn là chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra do dẫm đạp lên nhau,” ông Nguyễn Quang Thạch nói.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho biết, đó cũng là những vấn đề Heineken cần quan tâm và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định để giải quyết thực trạng trên cần phải có sự chung tay từ nhiều phía chứ không chỉ riêng ngành bia.
“Ngay cả văn hóa uống bia cũng cần phải có sự chung tay từ nhiều phía, nhà sản xuất bia không bao giờ muốn có những tác động xấu cho người dùng,” bà Lê Thị Ngọc Mỹ nói.
Theo Nguyễn Tuân/Infonet