Người xa xứ ở Sài Gòn: "Tước dây nát tay, kiếm bạc lẻ qua ngày"

Google News

Chị ngồi dưới tán cây dù trên bãi đất trống. Chị cặm cụi mưu sinh bất chấp bên ngoài trời đang chuyển cơn mưa.

Đổ mồ hôi đổi lấy bát cơm
Cuối con hẻm 730 đường Lê Đức Thọ (phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM) dọc theo bờ sông Vàm Thuật, có khoảng 4 hộ gia đình đang sinh sống bằng nghề tước vỏ dây điện, cáp viễn thông phế liệu. Họ là những người quê ở Vĩnh Phúc, vì khó khăn trong mưu sinh nên đã vào đây từ nhiều năm nay.
Nguoi xa xu o Sai Gon: "Tuoc day nat tay, kiem bac le qua ngay"
 Chị Nguyễn Thị Thừa đang gọt đầu dây.
Trải qua nhiều nghề, cuối cùng họ mới chọn được nghề tước vỏ dây điện, dây cáp từ hơn 3 năm nay. Số dây này là phế liệu được mua từ các vựa ve chai hoặc chính bà con xin trực tiếp từ các công nhân đang thay đường cáp ngầm trong thành phố.
Chúng tôi ghé vào một bãi đất trống nơi có một phụ nữ đang ngồi dưới tán cây dù. Chung quanh chị la liệt dây điện, dây cáp. Tay phải chị cầm con dao nhỏ thật bén, tay trái là đầu dây.
Chị gọt đầu dây, xong sợi nào chị xếp gọn dưới đất. Khi bó dây đã gọt đầu xong, chị bó lại thành từng bó để chờ đến công đoạn tiếp theo.
Nguoi xa xu o Sai Gon: "Tuoc day nat tay, kiem bac le qua ngay"-Hinh-2
Những người phụ nữ xa xứ mưu sinh ở Sài Gòn. 
Chị tên Nguyễn Thị Thừa, 40 tuổi. Chồng chị làm thợ hồ và 2 đứa con trai đều là công nhân xí nghiệp.
Chị kể lại: "Trước kia tôi đi thu mua ve chai nhưng từ khi có dây cáp, tôi chuyển sang nghề này. Tôi làm từ sáng đến tối, trưa nghỉ một chút ăn cơm rồi lại làm tiếp".
Chị Thừa chia sẻ thêm: "Chúng tôi làm nghề này đúng là một nắng hai sương, những tai nạn luôn rình rập. Ròng rã một ngày như thế nhưng thu nhập của người làm chẳng là bao.
Những hộ gia đình khác có con em tham gia nên sản lượng làm ra còn nhiều. Còn tôi một mình làm tất cả các công đoạn mà thu nhập một ngày không đến 100 ngàn".
'Làm cả đời chẳng thừa một xu'
Trong sợi cáp có dây đồng, dây thép, dây dùng trong các thiết bị điện tử và vỏ nhựa.
Sau khi dự án cáp ngầm thực hiện xong, số cáp được cắt bỏ trở thành phế liệu. Bà con mua về và bắt đầu tách ra từng loại dây.
Chị Thừa cho chúng tôi biết, giá mua từng loại như dây như sau: đồng 70.000, thép 30.000, dây dùng trong các thiết bị điện tử 50.000 và vỏ nhựa 3.000 đồng cho mỗi kg.
"Muốn có những loại dây này, chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn. Bó cáp đưa về việc đầu tiên là phải cắt ra thành từng sợi bằng nhau.
Từ những sợi cáp này chúng tôi sẽ cho qua máy để làm thẳng sợi dây. Hai người ở đầu máy sẽ làm công việc gọt đầu dây bằng tay và tước một đoạn vỏ.
Sau đó chúng tôi sẽ bó thành từng bó cột vào vị trí. Một người sẽ nắm bó vỏ tước ngắn đó kéo đi. Kéo tới đâu bên trong lòi ra những loại dây và chúng sẽ được phân loại sau khi kéo xong".
Không cần có kỹ thuật cao nhưng người làm nghề này phải có sức khỏe dẻo dai để chịu đựng được nắng mưa.
"Dù thu nhập của chúng tôi chẳng là bao nhưng còn hơn không có việc để làm", chị Thừa trăn trở.
Cơn mưa bắt đầu nặng hạt. Một số người đã ngưng việc tìm nơi trú mưa. Chị Thừa cũng vậy. Chị nói với tôi bằng một giọng buồn rầu và chua chát: "Tên là Thừa mà làm cả đời chẳng thừa được một xu".
Lời nói của chị cứ văng vẳng bên tại tôi suốt đoạn đường về...
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet