Vị trưởng phòng cảnh sát hình sự của một tỉnh ở khu vực Tây Nguyên kể, cách đây tầm 6 – 7 năm, nền tảng mạng xã hội xuất hiện 1 MV nhạc phim đã tác động nghiêm trọng đến giới trẻ. Nội dung MV thể hiện những cảnh đâm chém đầy bạo lực. Trong đó, nhân vật chính là nam ca sĩ nổi tiếng thể hiện bản lĩnh đánh đấm với cảnh cởi áo quấn chặt vào hung khí rồi lao vào cuộc hỗn chiến.
Có những thiếu niên tái hiện hình ảnh của MV nhạc phim đó và nghĩ mình đầy khí chất. Có đối tượng khi bị bắt, hồn nhiên khai nhận, học theo MV trên.
|
Phim ảnh do "giang hồ mạng" sản xuất đang tràn ngập trên internet. Ảnh: chụp màn hình
|
Hiện nay, phim ảnh mang tính chất bạo lực, giang hồ tồn tại rất nhiều trên mạng và gây nguy hiểm cho đời sống xã hội.
Lãnh đạo của Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM từng chia sẻ, trên mạng đầy rẫy những nội dung độc hại như các phim xã hội đen, giang hồ đánh chém, xử nhau vì tình ái hay tranh giành địa bàn…. Từ đó, nhiều thanh, thiếu niên dễ bị tiêm nhiễm, học theo để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống.
|
Những thanh thiếu niên hễ mâu thuẫn là kéo băng nhóm đi giải quyết, khi bị bắt giữ có hối hận cũng... muộn màng. Ảnh: CA
|
Một nghiên cứu của Viện KSND tỉnh Hậu Giang chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật.
Đó là: Đặc điểm tâm sinh lý của tuổi thanh, thiếu niên, thích thể hiện “cái tôi”, thích nổi loạn. Môi trường sống thiếu lành mạnh, thanh thiếu niên dễ bị lôi kéo Nhà trường, các tổ chức, đoàn thể chưa chú trọng. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao. Công tác xét xử, thi hành án hình sự và áp dụng các biện pháp hành chính chưa hiệu quả, đặc biệt là cải tạo, giáo dục đối với người phạm tội dưới 18 tuổi….
Công an xử lý thế nào?
Trước vấn nạn phạm tội ở thanh, thiếu niên có diễn biến phức tạp, trong nhiều năm qua Bộ Công an đã xây dựng, đề xuất đưa bổ sung Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên” vào Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm.
Tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ công tác phòng, chống tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra.
|
Lực lượng 141 của Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ trên đường phố. Ảnh: Đình Hiếu
|
Bộ Công an đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để đối phó với tội phạm có tính chất băng nhóm. Các địa phương dần hoàn thiện mô hình tổ công tác phối hợp của 3 lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự. Đó là tổ 363 tại TP.HCM, 141 tại Hà Nội, 161 tại Đồng Nai, 171 tại Bình Dương… như mô hình SBC huyền thoại từng chặn tội phạm đường phố ở TP.HCM trước đây.
Bên cạnh đó, ngành công an yêu cầu phát huy hiệu quả lực lượng tại cơ sở, nắm chắc địa bàn, từng nhà, từng đối tượng để quản lý. Khi mạng xã hội phát triển như hiện nay, lực lượng công an còn tập trung nhiệm vụ trên không gian mạng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM nhận định, có những vụ án xuất phát từ chuyện mâu thuẫn, thách đố trên mạng xã hội.
Vụ băng nhóm giang hồ áo cam 200 người từng gây ầm ĩ tại TP.HCM là điển hình cho điều mà Thượng tá Hà đề cập. Trong vụ việc này, lực lượng trinh sát, công an địa bàn đã kịp thời phát hiện, vây bắt nhóm đối tượng. Nếu để 2 bên đụng độ, hậu quả sẽ khó lường.
|
Nhóm thanh, thiếu niên bị bắt giữ khi dùng hung khí truy sát nhau trên đường phố. Ảnh: CA
|
Để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí tự chế, vũ khí, công cụ hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn, công an các tỉnh thành đã vận động, tuyên truyền, quản lý với các cơ sở hàn tiện… không làm các loại hung khí. Công an cũng làm rõ các đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí tự chế và xử lý nghiêm theo quy định.
theo Đàm Đệ - Tiến Dũng/Vietnamnet