“Hố tử thần” liên tiếp xuất hiện “nuốt” ao cá, ruộng nương
Những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12/2018, người dân thôn Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) phải sống trong cảnh lo âu bởi “
hố tử thần khổng lồ” liên tiếp xuất hiện, nuốt cả ao cá, ruộng nương, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn trong sự thấp thỏm lo lắng, bất an.
|
Những ngày qua hố tử thần liên tiếp xuất hiện khiến người dân lo lắng. Ảnh Báo Bắc Kạn |
Hơn hai năm chăm sóc ao cá rộng khoảng gần 3.000 m2, sản lượng khoảng 1,5 tấn cá thịt chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Cam Văn Khải (thôn Bản Tàn, thị trấn Bằng Lũng) đổ sông đổ biển do bị hố tử thần “nuốt chửng”. Đến thời điểm này, ông Cam Văn Khải vẫn chưa hết bàng hoàng về những gì đã xảy ra.
Chiều ngày 26/11, với ông Cam Văn Khải và người dân thôn Bản Tàn là một buổi chiều báo hiệu nhiều dấu hiệu bất thường khi khu vực Khuổi Ngoài xảy ra hiện tượng sụt lún đất với miệng hố sụt rộng đến 12m và không thể xác định được độ sâu.
Chứng kiến lượng nước lớn từ khe Khuổi Ngoài chảy liên tục xuống hố nhưng không đầy, ông Khải và người dân Bản Tàn đã hiểu phần nào chuyện gì đang diễn ra. Bởi, đây không phải lần đầu tiên “hố tử thần” xuất hiện tại nơi đây.
Tuy nhiên, điều kinh khủng đã xảy ra vượt quá sự tưởng tượng của ông Khải khi tối cùng ngày, dưới ao cá gần 3.000 m2 của ông phát ra những tiếng nổ rồi xuất hiện vùng xoáy nước và số cá ông nuôi trong ao cứ thế trôi vào trong miệng hố được hình thành giữa ao cá.
Cả gia đình ông phải thức đêm để vớt vát lại một số lượng cá trong ao. Nhưng mọi nỗ lực tiêu tan khi đến rạng sáng 27/11, hố sụt tiếp tục rộng hơn cuốn đi mọi công sức và số tiền đầu tư vào ao cá của gia đình ông trong suốt 2 năm qua.
Không chỉ “nuốt chửng” ao cá nhà ông Khải, thống kê của cơ quan chức năng địa phương, từ ngày 26/11, đến nay tại khu vực Khuổi Ngoài có 4 hố sụt lún trên diện tích đất của các gia đình Cam Văn Khải, Mông Văn Phủ, Mông Văn Long và một vết nứt cũng xuất hiện tại ao cá của ông Phùng Văn Tý. Đáng chú ý, sáng ngày 2/12, một hố tử thần tiếp tục xuất hiện trên cùng diện tích ruộng nhà ông Mông Văn Phủ.
Những hố tử thần liên tiếp xuất hiện khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng, bởi họ không biết, ngoài 5 hố tử thần đã xuất hiện trên, thời gian tới còn tiếp tục xuất hiện hố tử thần nào nữa, ruộng nương ao cá của người dân liệu có tiếp tục bị chôn vùi theo miệng hố.
Vì đâu “hố tử thần” liên tiếp xuất hiện?
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng của huyện Chợ Đồn đã cảnh báo người dân khu vực không đến gần các hố sụt lún. Đồng thời, tiếp tục theo dõi diễn biến sụt lún và kịp thời thông tin, báo cáo đến các cơ quan chuyên môn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn – Hà Sỹ Huân xác nhận hiện tượng xuất hiện nhiều hố sụt lún tại thôn Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn). Thậm chí, sáng 2/12, khi các cơ quan chức năng đến hiện trường để điều tra nguyên nhân thì vẫn xảy ra hiện tượng sụt lún.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, trước tình trạng trên, huyện đã báo cáo lên cấp có thẩm quyền để thống kê thiệt hại, có phương án hỗ trợ người dân, trấn an dư luận, đồng thời ổn định tình hình tư tưởng, sản xuất cho người dân.
|
Những hố sụt mới liên tiếp xuất hiện khiến người dân bất an. Ảnh Báo Bắc Kạn |
Những ngôi nhà gần các hố sụt, lún chính quyền sẽ giúp sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, mong muốn các ngành chức năng sớm có kết luận nguyên nhân chính thức để có phương hướng khắc phục, ổn định đời sống nhân dân.
Theo thông tin từ UBND huyện Chợ Đồn, có 3 hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sụt lún. Điểm sụt lún lớn nhất lên đến gần 300m2, tuy nhiên chưa thể xác định được độ sâu của hố.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Khánh- nghiên cứu viên của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - người chủ trì Đề án đánh giá, nghiên cứu hiện tượng sụt lún tại thị trấn Bằng Lũng cho biết: "Hố sụt lún đang có hiện tượng sụt tiếp, cụ thể chiều 27/11, chúng tôi đo được diện tích miệng hố là 280m2, đến chiều 28/11, là 315m2, và chiều 29/11, trong khi kiểm tra thì vẫn tiếp tục có hiện tượng đất tiếp tục lở về phía khu ruộng và bãi ngô.
Đến sáng 2/12, khi đang kiểm tra tại hố sụt lún ngày 26/11, thì nghe tiếng đất đá lở xuống, quan sát phát hiện cách hố sụt cũ khoảng 20 mét bắt đầu xuất hiện thêm hố sụt mới, sau 1 giờ đồng hồ miệng hố sụt đã rộng khoảng 6 mét, độ sâu không xác định được."
Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, để miệng hố sụt lún không tiếp tục mở rộng thì cần phải ngăn dòng chảy của suối Khuổi Ngoài vào miệng hố. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn có ảnh hưởng đến mức nước ngầm tại khu vực này, nhưng để xác định được có tác động đến việc sụt lún hay không thì hiện nay chưa đủ cơ sở dữ liệu để kết luận.
Cũng theo lời ông Khánh, khu vực xảy ra sạt lở cũng là địa bàn có phân bố hệ thống hang ngầm caster phức tạp. Khi có sự tác động của các yếu tố như bơm hút nước ngầm, mạch nước ngầm cạn dễ dẫn đến sụt lún.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Tiến sĩ Lê Huy Y, Nguyên giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết, nhìn vị trí ao có hiện tượng sụt lún thì rất có thể có chiếc hang dưới miệng ao. Bởi, nếu đất dưới ao có màu đỏ, rất có thể có hang bởi đó là dấu hiệu của núi lửa cũ.
“Nguyên nhân giống hệt như những hố sụt ở nhiều địa phương khác. Bởi ở khu vực đó có hệ thống hang ngầm caster phức tạp. Nguồn gốc của hang ngầm caster là do núi lửa từng trào lên phun vào các đứt gãy, làm cho đá vôi bị chảy ra thành vôi hóa. Sau đó, bị nước rũa tạo thành hang ngầm caster rồi rỗng ra và bị phủ một lớp dung nhan núi lửa gần như đá ong ở trên mặt. Khi có sự tác động của các yếu tố dễ dẫn đến sập sụt”, Tiến sĩ Lê Huy Y cho biết.
Thiên Nga