Như tin đã đưa, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chính thức truy tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999 do liên quan đến quá trình tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Tại thời điểm năm 2012, Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank, sau này là NH Xây Dựng – VNCB) có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng do nhóm cổ đông Tập đoàn Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện sở hữu 84,92% cổ phần. Từ ngày 09/02/2012 đến ngày 10/07/2012, NHNN tiến hành thanh tra NH Đại Tín và đưa ra kết luận thực trạng tài chính tại ngân hàng này là rất xấu. Trong đó, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết luận thanh tra, NHNN có phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo hướng cho phép nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh, đại diện là Phạm Công Danh.
Ông Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc NHNN từ năm 2005. Từ tháng 2/2012 được phân công phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém, tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu NH Đại Tín.
|
Bị can Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc NHNN. |
Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT xác định, ngày 15/8/2012 Đặng Thanh Bình ký Tờ trình số 597/TTr-NHNN.m trình Thủ tướng Chính phủ về phương án tái cơ cấu NH Đại Tín. Trên cơ sở đề nghị của NHNN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo số 1350/VPCP-KTTH ngày 31/8/2012:
“Thống đốc NHNN chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới vào NHTMCP Đại Tín và sau khi tái cơ cấu ngân hàng có tình trạng tài chính lành mạnh, đáp ứng các quy định về bảo đảm tỷ lệ an toàn ngân hàng”.
Yêu cầu trong phương án của NHNN, chỉ đạo của Thủ tướng và kiến nghị của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN là để bảo đảm được năng lực tài chính thực sự của nhóm cổ đông tham gia tái cơ cấu TrustBank. Nhưng ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng yêu cầu trên mà có bút phê vào Tờ trình của Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN gửi Đặng Thanh Bình về việc tái cơ cấu TrustBank:
“Việc kiểm tra vốn góp sẽ thực hiện sau này, cần nghiên cứu đề xuất cách làm để thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và của chính NHNN”.
Sau khi có bút phê trên, Đặng Thanh Bình ký Công văn số 652/NHNN-TTGSNH.m về việc chấp thuận phương án tái cơ cấu TrustBank. Sau đó, dù biết rõ lộ trình triển khai chậm, chủ yếu do năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh còn hạn chế, nhưng Đặng Thanh Bình vẫn ký Công văn 440/NHNN-TTGSNH.m chấp thuận chính thức phương án tái cơ cấu.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho rằng, Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu NH Đại Tín do chính NHNN trình Thủ tướng Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, kiến nghị của Cơ quan Thanh gia giám sát NHNN, không kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, tạo điều kiện để Phạm Công Danh vào quản lý, nắm giữ, điều hành NH Đại Tín (lúc này đã được đổi tên thành NH Xây Dựng – VNCB), sử dụng như một phương tiện phạm tội, dẫn đến hậu quả kể từ khi Phạm Công Danh nắm giữ NH Đại Tín, hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngày càng thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu có khả năng mất vốn rất cao.
Theo Báo cáo tài chính VNCB năm 2012 đã kiểm toán, kết quả kinh doanh lỗ lũy kế 8.755 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng. Năm 2013, lỗ lũy kế 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ đồng. Vào thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với khi chưa tái cơ cấu; tổng nợ phải trả là 38.255 tỷ đồng; tổng tài sản là 16.745 tỷ đồng. Kết quả là NHNN đã mua bắt buộc VNCB với giá 0 đồng.
Tại Cơ quan điều tra, Đặng Thanh Bình không nhận trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình nhưng thừa nhận Văn bản số 652/NHNN-TTGSNH.m ngày 6/9/2012 về việc chấp thuận chủ trương cho nhóm cổ đông Phạm Công Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín là trên cơ sở Thông báo số 1350/VPCP-KTTH ngày 31/8/2012 của Văn phòng Chính phủ và nội dung Tờ trình số 1024 của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN. Cho đến khi ký văn bản số 440/NHNN – TTGSNH.m ngày 2/7/2013 về việc chấp thuận tái cơ cấu NH Đại Tín thì năng lực tài chính của nhóm nhà đầu tư mới (Phạm Công Danh) vẫn chưa chắc chắn.
Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi năm 2017 thì tội phạm và hình phạt áp dụng xử lý đối với các bị can được quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999 như sau:
“1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 144, 235, và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 -12 năm”.
Theo Ngân Giang/ Infonet