|
Nhà báo Nguyễn Minh Quang. Ảnh: NVCC |
Tôi được biết, ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc thành lập Quỹ Tấm lòng Vàng. Ông có thể kể lại thời điểm được giao thành lập Quỹ Tấm lòng Vàng không?
- Giữa năm 1996, ông Phạm Huy Hoàn lúc đó là TBT Báo Lao Động gọi tôi lên phòng và nói: Này em, em có nhiều sáng kiến, Báo Lao Động là tờ báo lớn, đại diện cho tiếng nói của người lao động cũng nên có các hoạt động xã hội chứ nhỉ.
Trước câu hỏi này, tôi bắt đầu suy nghĩ. Trong đầu tôi hiện ra hàng loạt hoạt động xã hội gắn với Báo Lao Động nhưng sau đó Báo chọn 2 việc: Một là thành lập một quỹ xã hội từ thiện, hai là giới thiệu việc làm. Hai chương trình này sau này đều rất thành công và để lại dấu ấn trong lòng độc giả của báo, đặc biệt là Quỹ Tấm lòng Vàng đã đi qua chặng đường 25 năm.
Giữa nhiều cái tên được đặt cho các Quỹ xã hội từ thiện ở Việt Nam lúc đó, vì sao Báo lại lấy tên là “Tấm lòng Vàng”?
- Đúng là qua nhiều ngày vắt tay lên trán suy nghĩ, tôi vẫn chưa tìm ra được cái tên nào ưng ý bởi nó phải gắn với công nhân lao động và phải có cái gì khác biệt. Thế rồi một suy nghĩ lóe lên trong đầu rằng, những người lao động có thể chẳng có tài sản gì quý giá ngoài tấm lòng vậy tại sao ta không lấy cái cốt tên gọi là “Tấm lòng” nhưng nếu lấy tên quỹ là “Tấm lòng” thì lại hơi cụt.
Những năm 1980 - 1990, hầu hết tài sản quý giá lúc đó đều được quy ra vàng. Ví dụ, bán nhà trị giá 30 cây vàng hoặc 1 cái xe máy đổi 1 cây vàng. Vàng lúc đó là giá trị định lượng của tài sản và vẫn được nói “quý như vàng” hoặc“quý hơn vàng”. Vậy ta có tấm lòng rồi thì sao không gắn nó với 1 thứ vô cùng có giá trị lúc đó là “vàng”.
Người ta có thứ tài sản là vàng 4 số 9999 thì chúng tôi có thứ tài sản là tấm lòng mà cũng quý như vàng. Hôm sau, tôi báo cáo với BBT và được duyệt ngay lập tức. Tên Quỹ “Tấm lòng Vàng” có tên từ đó.
Thời điểm Quỹ Tấm lòng Vàng mới ra đời thì hoạt động ra sao, thưa ông?
- Nói ra thì hơi buồn tí. Khi có quyết định thành lập quỹ thì ngoài việc phân công tôi phụ trách hoạt động (Giám đốc Quỹ là TBT báo LĐ) và một số anh chị em xắn tay vào cùng giúp, thì quỹ chẳng có đồng nào. Tôi bắt đầu nghĩ ra cách gây quỹ. Đầu tiên là huy động đóng góp của anh chị em phóng viên, biên tập viên của Ban Bạn đọc.
Tôi vẫn nhớ những cái tên Thu Hà, Nguyễn Hằng, Đức Hạnh, Thùy Phương... lúc đó mỗi người huy động từng trăm một lấy tên người thân trong gia đình để gọi là hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp vào quỹ Tấm lòng Vàng. Lúc đó toen hoẻn lắm. Có một tí tiền huy động rồi thì phải có đầu ra cho nó có ý nghĩa chứ. Vậy là trên Báo Lao Động lúc đó mở hẳn chuyên mục quỹ Tấm lòng Vàng.
Thời điểm ông làm ở quỹ Tấm lòng Vàng, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn được Báo Lao Động hỗ trợ. Ông nhớ nhất trường hợp nào mà Quỹ khi vừa thành lập đã giúp đỡ được?
- 25 năm đã trôi qua rồi, có rất nhiều hoàn cảnh cũng như số phận lớn nhỏ được quỹ TLV hỗ trợ nhưng tôi vẫn nhớ một trường hợp anh Kha là công nhân ở Nam Định. Khi quỹ đăng lên chương trình trợ giúp thì Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định gửi hoàn cảnh của anh này cần sự hỗ trợ.
Tôi nhớ mãi anh có con bị tật nguyền, bản thân lại bị tai nạn lao động, vợ mất. Lúc đó, tôi gom tiền của quỹ được khoảng 1 triệu đồng (thời điểm năm 1996) giá trị hình như cũng khoảng 5 chỉ vàng và nhờ LĐLĐ tỉnh Nam Định chuyển đến cho anh. Sau đó khoảng 1 tuần, tại Báo Lao Động ở 51 Hàng Bồ (Hà Nội), chị Liên lúc đó trực tổng đài gọi tôi và nói có người muốn gặp em. Tôi xuống phòng lễ tân và tiếp người khách không quen này chính là anh Kha. Anh cứ cầm tay tôi và khóc rồi nói: Cảm ơn các em, cảm ơn Báo Lao Động, số tiền với anh quá lớn, quá quý, quý hơn vàng em ạ!
Thời điểm năm 1999, có đợt lũ lụt cực kỳ khủng khiếp ở miền Trung mà Quỹ Tấm lòng Vàng đã tham gia cứu trợ rất hiệu quả. Chắc hẳn ông còn nhớ sự kiện này chứ?
- Tôi vẫn nhớ khá rõ. Lúc đó, Ban Bạn đọc mà tôi là trưởng ban, đã huy động tổng lực nhân sự tham gia cuộc cứu trợ miền Trung. Một nhóm được thành lập là nhóm tiếp nhận hàng và tiền cứu trợ, một nhóm vận chuyển hàng vào miền Trung. Lần đầu tiên Quỹ Tấm lòng Vàng Báo Lao Động thiết lập được cầu hàng không khẩn cấp từ sân bay Gia Lâm mang hàng thẳng vào miền Trung, đồng thời cũng lập đường cứu trợ khẩn cấp bằng tàu hỏa.
Hơn 1 trăm tỉ đồng được rất nhiều tổ chức cá nhân hỗ trợ vào quỹ lúc đó. Tôi hiểu rằng, quỹ đã có được sức mạnh thực sự.
Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng đã phát triển suốt 25 năm qua và trở thành một quỹ hoạt động uy tín. Theo ông đánh giá điều gì quan trọng nhất để Quỹ đến nay vẫn tồn tại và phát triển?
- Sau 25 năm, Quỹ đã lớn mạnh rất nhiều, làm được rất nhiều chương trình có ý nghĩa, để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Tôi và anh chị em của Báo Lao Động chỉ đóng góp một chặng rất nhỏ bé ở giai đoạn đầu, còn những chặng đường sau này còn có rất nhiều anh chị em đồng nghiệp Báo Lao Động chung tay.
Theo Hồng Phúc/Lao Động