Nhà máy nước Sông Đuống bị C03 “sờ gáy”: Những “nghi vấn” dậy sóng dư luận?

Google News

(Kiến Thức) - Bộ Công an có văn bản đề nghị Sở KH&ĐT TP Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống để xác minh, làm rõ dấu hiệu sai phạm (nếu có) trong dự án này.

Mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C03), Bộ Công an đang điều tra một số dấu hiệu sai phạm trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch trên địa bàn TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.
Công văn do Đại tá Phạm Văn Long, Cục trưởng C03 đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2013 đến nay. Trong đó có hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã chỉ đạo các phòng ban liên quan cung cấp thông tin về Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đuống cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C03) Bộ Công an.
Đáng chú ý, liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch sông Đuống, trước đó Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt Công ty này về hành vi phạm với mức 25 triệu đồng và 45 triệu đồng.
Nha may nuoc Song Duong bi C03 “so gay”: Nhung “nghi van” day song du luan?
Nhà máy nước Sông Đuống. 
Liên quan đến dự án trên, báo chí từng đưa nhiều “nghi vấn” khiến dư luận dậy sóng.
Thiếu hồ sơ đảm bảo an toàn đường ống
Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt có tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng. Dự án thuộc Cty CP Nước mặt sông Đuống do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch. (Đầu tháng 11/2019, bà Liên rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống).
Từ tháng 9/2019, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã được đưa vào vận hành và được thành phố Hà Nội giao hỗ trợ việc cấp nước sạch cho một số khu vực trong thành phố do nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà bị ô nhiễm. Lấy nước trực tiếp từ sông Đuống để sản xuất nước sạch sinh hoạt, công suất hiện tại của nhà máy này là 150.000 m3/ngày đêm, hiện đảm bảo cung cấp bổ sung nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân thuộc khu vực huyện Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, khu vực phía Nam thành phố gồm: các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.
Mức đầu tư trong giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ có công suất 300.000 m3/ngày đêm, dự kiến cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người (khoảng 1/3 dân số Hà Nội) và một số địa phương phụ cận như: các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ bị ô nhiễm cao.
Tuy nhiên, trước khi buổi lễ khánh thành nhà máy trên diễn ra, ngày 30/8/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) – Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống – giai đoạn 1, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Cục Giám định nhà nước chỉ ra một số tồn tại như Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006); chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống;
Đáng chú ý, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và các pháp luật có liên quan thì Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình. Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyên ống,... Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. 
Ngoài Nhà máy nước mặt sông Đuống, Tập đoàn Aqua One còn thi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước Xuân Mai (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) khi chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng… Tháng 3/2020, UBND xã Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn tiến hành kiểm tra; ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 3,5 triệu đồng liên quan đến việc thi công khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng…
Nghi vấn giá nước sông Đuống "cõng" lãi vay
Tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào ngày 12/11/2019, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, cho biết nhà đầu tư dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện vay 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng số cụ thể là khoảng 3.995 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành, đi vào sử dụng tính giá nước thì chi phí lãi vay sẽ phải được tính vào trong giá nước.
Theo ông Hà, chi phí lãi vay có hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là chi phí lãi vay trong quá trình thực hiện dự án, được tính vào trong giá thành đầu tư dự án và được vốn hóa vào tổng chi phí dự án. Còn sau khi nhà máy đi vào hoạt động, phần vốn vay Cty phải trả hằng năm, lãi vay ấy được tính vào trong giá thành.
“Theo báo cáo của công ty thì riêng phần chi phí lãi vay ở đây khoảng 20%, tức rơi vào khoảng hơn 2.003 đồng trong mức giá tạm tính 10.246 đồng/m3”, ông Hà khi đó nói.
Nha may nuoc Song Duong bi C03 “so gay”: Nhung “nghi van” day song du luan?-Hinh-2
Bà Đỗ Thị Kim Liên rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống làm Chủ tịch tháng 11/2019.
Sau đó, ông Nguyễn Đức Chung (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhận định phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính là “rất sai lầm”, khiến dư luận hiểu lầm giá nước người dân phải chịu có tính cả lãi vay của nhà máy nước.
Lên tiếng về thông tin trên, đại diện Bộ Tài chính sau đó cho biết, Bộ đã có công văn trả lời UBND TP Hà Nội về giá nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống ở mức tạm tính 10.246 đồng/m3.
Về việc định giá nước, văn bản của Bộ Tài chính cho biết, do dự án chưa quyết toán, không có đủ cơ sở để xác định mức chi phí cụ thể. Vì vậy, nguyên tắc xác định mức giá là tạm tính. Nhưng riêng đối với chi phí lãi vay, Bộ Tài chính yêu cầu cần loại trừ các khoản vốn hóa, tránh tính trùng chi phí.
Về viện dẫn cụ thể điều khoản chi tiết tại Luật ngân sách Nhà nước để thực hiện và chi phí lãi vay, Bộ Tài chính cho biết: Thẩm quyền quyết định chi ngân sách cho cấp bù giá nước sạch đề nghị thành phố Hà Nội căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương.
Trước đó, ngày 18/4/2019, Bộ Tài chính đã có văn bản số 4581/BTC-QLG về vướng mắc trong xây dựng phương án giá đối với nhà máy nước mặt sông Đuống. Trong đó, Bộ Tài chính nhất trí với nguyên tắc xác định mức giá tạm tính UBND Thành phố Hà Nội đề xuất. Riêng với chi phí lãi vay, cần loại trừ các khoản vốn hóa vào giá trị tài sản theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo phân kỳ 2 của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu nước sạch và cân đối tài chính của các đơn vị cấp nước trên địa bàn thành phố.
Tháng 3/2020, UBND xã Mông Hoá, huyện Kỳ Sơn tiến hành kiểm tra; ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 3,5 triệu đồng liên quan đến việc thi công khi chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng…
Lùm xùm DN Thái nắm quyền kiểm soát Nước sạch sông Đuống
Năm 2019, dư luận cũng từng lùm xùm trước thông tin doanh nghiệp Thái Lan nắm quyền kiểm soát nước sạch sông Đuống.
Cụ thể, Công ty CP Nước mặt sông Đuống, một doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước. Theo danh sách cổ đông thành lập, Tập đoàn Aqua One nắm giữ 58% vốn của công ty. Bên cạnh đó, Công ty CP Nước mặt Sông Đuống còn có các cổ đông sáng lập khác: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sở hữu 10%; Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) 5%; Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (nhà đầu tư uỷ thác góp vốn) 27%.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có sự thay đổi về cổ đông khi Nhà máy nước sông Đuống được xây dựng và đi vào hoạt động. Cổ đông sáng lập là CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman đã không còn xuất hiện trong danh sách, thay vào đó là công ty WHAUP (SG) 2DR PTE.Limited với tỉ lệ sở hữu 34%. Đây là doanh nghiệp được giới thiệu là thành viên Tập đoàn WHA - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan.
Sau đó, thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đến ngày 19/11/2019 cho thấy, bà Đỗ Thị Kim Liên (vị Shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam) đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống. Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Đáng chú ý, cùng với việc thay đổi vị trí Tổng giám đốc, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cũng thay đổi thông tin về vốn điều lệ và bổ sung thêm một loạt các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông này chủ yếu đến từ Thái Lan.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 20/11/2019 về dự thảo Luật Đầu tư, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập việc chuyển nhượng vốn tại Công ty Nước mặt Sông Đuống và đề nghị cần có thủ tục để kiểm soát việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, tránh tình trạng “tay không bắt giặc” hay các “dự án lòng vòng”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi đó nói rằng, bản thân ông nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư Thái Lan nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia ban kiểm soát của nhà máy nước sông Đuống và đề nghị, cần xem nhà đầu tư có thực sự làm dự án kinh doanh để phục vụ nhân dân hay họ chỉ thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt là rủi ro cho nhân dân.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khi đó nhắc đến việc chuyển nhượng 34% vốn tại dự án nước sạch sông Đuống cho tỷ phú Thái Lan và đặt câu hỏi: Một nhà máy nước cung cấp nước cho mấy triệu dân, nhưng chúng ta có biết ai đứng sau những công ty ấy không?
Đồng thời bày tỏ lo ngại, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu vốn, sau đó lại bán cho một nhà đầu tư khác, rồi nhà đầu tư này lại bán cho người khác nữa, trong khi chúng ta không biết rõ chủ của họ là ai.
“Có những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 30%, có thể 50-60% rồi chuyển nhượng, khi tìm hiểu ra họ lại là những công ty đăng ký tại các thiên đường thuế ở Cayman (Islands), vốn chỉ 5-10 nghìn USD” - ông Nghĩa cảnh báo.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Công ty Nước mặt Sông Đuống có được ưu đãi?

Nguồn: VTV 24

Tâm Đức