Theo đó, đề án được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt với tổng mức đầu tư dự kiến là 42,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh là 26,7 tỷ đồng; vốn khác (nguồn vốn ngân sách huyện, xã kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa) là 16,2 tỷ đồng. Dự án được giao cho sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chủ trì. Phạm vi thực hiện dự án là tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã được xác định trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngay sau đó, đề án trên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu vấn đề xây nhà vệ sinh gây tranh cãi vì chi phí quá đắt đỏ lại nhanh chóng rơi vào tình trạng lãng phí sau 1 thời gian sử dụng.
Gần đây, câu chuyện, nhà vệ sinh 5 sao tại công viên hoa thuộc TP.Hạ Long, Quảng Ninh được xây dựng tiền tỷ nhưng lại bị khóa chặt cửa, người dân mặc sức xả rác, phóng uế bừa bãi đã khiến người dân đều lắc đầu ngao ngán. Hay tại TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng để lắp đặt các nhà vệ sinh tự động, thường gọi là “nhà vệ sinh thông minh”. Thế nhưng, các nhà vệ sinh này lại khiến cả du khách lẫn các nhà quản lý TP khó xử vì tính tiện dụng của nó. Nhiều du khách, trong đó có người nước ngoài cũng đến nhà vệ sinh này, tuy nhiên đều bỏ đi sau khi đọc hướng dẫn.
|
Xây nhà vệ sinh tiền tỷ gây ra nhiều ý kiến trái chiều. |
Và cả câu chuyện những nhà vệ sinh tiền tỷ tại TP.Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị hay bị bỏ hoang khiến nhiều người không khỏi xót xa và hoài nghi về sự lãng phí “ngoạn mục” của các nhà vệ sinh tiền tỷ.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện với ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký quyết định phê duyệt Đề án xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn với tổng mức đầu tư gần 43 tỷ đồng để phục vụ khách du lịch. Đề án này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Trước hết, có thể khẳng định việc xây dựng những nhà vệ sinh công cộng tại các thành phố lớn, hoặc các thành phố du lịch là một việc nên làm. Làm tốt các dịch vụ công cộng không chỉ thúc đẩy sự phát triển du lịch mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ tại những nơi đó. Câu chuyện xây dựng những nhà vệ sinh đạt chuẩn, 5 sao với mức đầu tư bạc tỷ... tại các thành phố lớn, các khu du lịch không còn là mới mẻ.
Tuy nhiên, có thể nói thời gian qua những nhà vệ sinh công cộng tiền tỷ đang dần mất thiện cảm trong lòng người dân. Những nhà vệ sinh tại các thành phố du lịch mà tôi đã ghé qua thường không đảm bảo được chất lượng vệ sinh hoặc không tiện sử dụng. Và một tâm lý chung của khách du lịch là ngại sử dụng nhà vệ sinh công cộng đó dù cho được đầu tư với số tiền rất lớn.
Ông có thể lý giải vì sao dù đã được đầu tư với mức tiền "khủng" nhưng người dân vẫn luôn lắc đầu ngao ngán trước những nhà vệ sinh bạc tỷ không?
Trên thực tế, đã rất nhiều tỉnh thành, các khu du lịch nổi tiếng như TP.Hà Nội, Quảng Ninh, Nha Trang... rơi vào tình trạng này. Không ít các trường hợp, nhà vệ sinh tiền tỷ vừa đưa vào sử dụng đã phải khóa cửa vì sự xuống cấp nghiêm trọng. Chưa kể chất lượng vệ sinh không được đảm bảo, gây mất mỹ quan, hình ảnh của đô thị, khu du lịch. Tôi đã đến nhiều điểm, trò chuyện với nhiều khách du lịch và nhận thấy rằng số lượng người sử dụng các nhà vệ sinh đắt đỏ là rất thấp. Đa phần người dân đều khẳng định, rất hiếm khi mới sử dụng nhà vệ sinh công cộng tại điểm đó. Nếu có thể, họ thường di chuyển về khách sạn hoặc những điểm khác để giải quyết. Ngay bản thân tôi cũng vậy.
Đồng thời, việc đặt các nhà vệ sinh công cộng không hợp lý còn gây mất mỹ quan dù cho nó được trang hoàng bằng tiền tỷ. Rõ ràng, việc chi tiền khủng để xây dựng các nhà vệ sinh công cộng sau đó rơi vào tình trạng như vậy là sự lãng phí. Chúng ta nên đặt câu hỏi cho vấn đề này, tại sao lại dẫn đến tình trạng như vậy, nguyên nhân do đâu,…? Tiền là tiền của người dân, chúng ta phải cân nhắc thận trọng để hạn chế đi sự lãng phí xót xa đó”.
Theo ông, phương pháp nào có thể hạn chế được sự lãng phí từ những nhà vệ sinh bạc tỷ?
Việc xây dựng mới các nhà vệ sinh cần phải thận trọng, nghiên cứu kĩ tránh lãng phí như các địa phương khác đã và đang vấp phải. Phải có sự rút kinh nghiệm từ các công trình nhà vệ sinh tiền tỷ nhưng bị bỏ hoang, không có người sử dụng, sau 1 thời gian lại xuống cấp trầm trọng.
|
Rác ngập khuôn viên nhà vệ sinh tiền tỷ tại Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Công) |
Nên chăng, việc xây dựng nhà vệ sinh nên kêu gọi những nhà đầu tư, những doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch thực hiện để giảm ngân sách nhà nước. Việc xã hội hóa trong vấn đề này không chỉ làm cho chất lượng của các nhà vệ sinh tốt hơn, tránh tình trạng “con chung không ai khóc” gây lãng phí tiền của. Trên thực tế, đa phần những công trình công cộng mà Nhà nước đầu tư xây dựng xuống cấp rất nhanh mặc dù số tiền bỏ ra không hề nhỏ. Điều này đã lý giải cho việc vì sao chi tiền tỷ để thực hiện các công trình phục vụ người dân nhưng vẫn tạo nên sự hoài nghi, băn khoăn từ dư luận….
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Khánh Ngân/ Người đưa tin