Hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ khác ở TPHCM đang “trải thảm” tuyển dụng kỹ sư AI với mức lương hấp dẫn từ 20 - 25 triệu đồng/tháng. Đơn cử như các công ty: Công ty Cổ phần Công nghệ Oryza Systems; Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ và Trí tuệ nhân tạo VietIS; Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam…
Viettel Cyberspace thuộc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội đang chiêu mộ kỹ sư AI với mức lương 20 triệu đồng, kèm các khoản phúc lợi bằng tiền mặt khoảng hơn 2.000 USD/năm và nhiều đãi ngộ hấp dẫn khác. Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) đang tìm kiếm ứng viên kỹ sư AI với mức lương 25 - 50 triệu đồng/tháng, kèm theo nhiều đãi ngộ hấp dẫn với yêu cầu đã có 1 - 2 năm kinh nghiệm.
Không chỉ những tập đoàn lớn đang ra sức “săn đón” nhân sự ngành trí tuệ nhân tạo (AI) mà nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng ráo riết tuyển dụng.
Báo cáo “Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị” của Google vừa công bố đã đưa ra nhận định, AI đang đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển mình của Việt Nam hướng tới nền kinh tế đa dạng và cạnh tranh hơn trong khu vực và toàn cầu.
Chuyên gia của Google nhấn mạnh, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI sẽ là yếu tố chủ chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP vào năm 2030. Với cộng đồng khởi nghiệp năng động, tỷ lệ người trẻ am hiểu công nghệ chiếm 20% tổng dân số, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua chiến lược quốc gia về AI… Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng cơ hội AI.
Các trường đại học tại Việt Nam đầu tư cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo. Nguồn NLĐ
Google cũng nhận định, Việt Nam đang đối mặt với một thách thức quan trọng cần sớm được giải quyết, đó là sự thiếu hụt nhân sự và chuyên gia AI. Bên cạnh đó, các start-up (khởi nghiệp) về công nghệ AI tại Việt Nam đối mặt những thách thức khác như: Thiếu cơ hội tiếp cận các chuyên gia và cố vấn hàng đầu về AI để đánh giá, thẩm định sản phẩm AI phù hợp với nhu cầu của thị trường; thiếu cơ hội tiếp cận các cơ sở hạ tầng, nền tảng và công cụ sẵn sàng cho doanh nghiệp…
Theo chuyên gia này, nguồn nhân lực số phải là những nhân sự được đào tạo bài bản, chắc về chuyên môn, vững về đạo đức, có năng lực làm chủ công nghệ, có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số.
Theo chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu đưa AI trở thành công nghệ mũi nhọn, từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực AI của Việt Nam mới đáp ứng được phần nhu cầu của thị trường, dẫn đến những thách thức không nhỏ trong quá trình đưa AI vận hành vào nền kinh tế.
>>>
Mời độc giả xem thêm video ChatGPT, trí tuệ nhân tạo, nhiều ngành nghề sẽ trở nên lỗi thời:
Bình Nguyên