Trước phiên tòa phúc thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5 Cục An ninh điều tra, Bộ Công an) bất ngờ xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt. Hưng cũng đã tác động người thân nộp 18,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án và có đơn xin được xét xử vắng mặt tại phiên tòa tới.
Tại phiên sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng bị tuyên án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền lên đến 18,8 tỷ đồng. Trong suốt phiên sơ thẩm và ngay sau khi bị tuyên án, Hoàng Văn Hưng tiếp tục kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân không phạm tội.
|
Bị cáo Hoàng Văn Hưng |
Có được giảm nhẹ một phần hình phạt?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc bị cáo Hoàng Văn Hưng nhận tội trước ngày xét xử phúc thẩm gây bất ngờ. Bởi bị cáo Hưng có đơn kháng cáo kêu oan sau khi tòa sơ thẩm kết tội bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tuyên mức hình phạt tù chung thân.
Việc nhận tội, khắc phục hậu quả vụ án là những tình tiết có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Hưng.
Nguyên tắc phạm vi xét xử phúc thẩm là chỉ xem xét phần nội dung bản án sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị. Trường hợp giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị cáo Hưng vẫn giữ quan điểm kháng cáo kêu oan và không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, nếu tòa phúc thẩm xác định bị cáo không oan, khả năng sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm là rất cao. Nếu tòa chấp nhận nội dung kháng cáo, sẽ hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cơ hội hủy một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội tại giai đoạn phúc thẩm là rất mong manh...Đó là lý do khiến nhiều bị cáo băn khoăn lựa chọn hướng bào chữa giai đoạn phúc thẩm. Một số bị cáo đã thay đổi quan điểm, nhận thức để nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm nếu có thêm tình tiết mới có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả hoặc có thêm những tình tiết có ý nghĩa được quy định tại điều 51 Bộ luật Hình sự, òa án cấp phúc thẩm thường sẽ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt để giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Đối với các vụ án xâm phạm quyền sở hữu, án về kinh tế và chức vụ, nhận thức của người phạm tội và ý thức việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là những yếu tố, tình tiết quan trọng để xem xét giảm nhẹ một hình phần hình phạt ở cấp phúc thẩm.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường |
Trong vụ án trên, bị cáo Hoàng Văn Hưng có đơn kháng cáo kêu oan đã bất ngờ nhận tội và khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án với số tiền 18,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những người thường xuyên tham gia tố tụng thì diễn biến này không phải đặc biệt. Bởi thực tế, có rất nhiều bị cáo giai đoạn sơ thẩm kêu oan nhưng giai đoạn phúc thẩm lại thừa nhận hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả để có tình tiết xin giảm nhẹ một phần hình phạt.
Trong vụ án này, lời khai nhận tội của bị cáo Hoàng Văn Hưng chưa phải là căn cứ để giảm nhẹ một phần hình phạt. Tòa án sẽ làm rõ việc thay đổi nội dung kháng cáo, có phải là tự nguyện không, nhận thức thế nào về hành vi của mình, cùng với việc thay đổi nội dung kháng cáo, bị cáo có thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải hay không thì mới là tình tiết có ý nghĩa trong việc xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cũng cho rằng, việc bị cáo Hoàng Văn Hưng bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo từ việc kêu oan sang nhận tội, xin giảm nhẹ hình phạt, tác động gia đình bồi thường khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt 18,8 tỷ đồng, đây là tình tiết mới được quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS (bị cáo thành khẩn khai báo, Bồi thường khắc phục hậu quả,...).
“Đây là căn cứ để HĐXX xem xét có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo theo quy định của pháp luật. Do đó, HĐXX có thể sửa một phần bản án sơ thẩm về hình phạt, giảm nhẹ xuống mức án tù có thời hạn là có căn cứ, phù hợp với chính sách khoan hồng của pháp luật hình sự”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
Có được xét xử vắng mặt tại phiên tòa?
Nêu ý kiến về việc bị cáo Hoàng Văn Hưng có đơn xin được xét xử vắng mặt tại phiên phúc thẩm, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, giai đoạn xét xử sơ thẩm bị cáo Hưng kêu oan và tranh luận gay gắt với Viện Kiểm sát và một số bị cáo khác tại phiên toà sơ thẩm để chứng minh mình không phạm tội.
Do đó, dù bị cáo đã thay đổi nội dung kháng cáo, thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên, nếu bị cáo có mặt tại phiên tòa phúc thẩm, tòa án sẽ thuận lợi hơn trong việc làm rõ lý do thay đổi nội dung kháng cáo để xác định nhận thức của bị cáo, thái độ của bị cáo đối với hành vi của mình.
Việc bị cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, có thể sẽ không làm rõ được thái độ của bị cáo và lý do bị cáo thay đổi lời khai, một số tình tiết có liên quan đến bị cáo khác cũng sẽ có thể gặp trở ngại. Do đó, rất có thể mặc dù bị cáo xin xét xử vắng mặt nhưng tòa án vẫn triệu tập bị cáo tham gia phiên tòa để làm rõ hành vi của các bị cáo khác cũng như làm rõ thái độ nhận thức của bị cáo tại giai đoạn phúc thẩm để xem xét có chấp nhận hay không chấp nhận kháng cáo.
Theo quy định của pháp luật, bị cáo có thể vắng mặt tại phiên tòa và tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo. Việc bị cáo xin xét xử vắng mặt là quyền của bị cáo, tuy nhiên tòa án cấp phúc thẩm có cho phép bị cáo vắng mặt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của HĐXX về tầm quan trọng của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
|
Nêu quan điểm về tình tiết trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, trừ trường hợp bất khả kháng như bị cáo bệnh, sức khỏe yếu (có xác nhận của y tế trại) thì có thể xét xử vắng mặt.
“Do bị cáo Hưng kháng cáo, nên sự có mặt của bị cáo là cần thiết, đặc biệt là bị cáo không rút kháng cáo mà chỉ thay đổi nội dung kháng cáo. Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa là cần thiết để xác nhận việc không kêu oan là do tự nguyện, đúng ý chí hay không. Bị cáo nhận tội là đúng với hành vi đã thực hiện hay chỉ là buông xuôi mà chưa tâm phục, khẩu phục...Đây cũng là cơ sở để HĐXX đánh giá sự thành khẩn, ăn năn hối cải”, luật sư Thơm cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
Hải Ninh