Ngày 15/8, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đang củng cố hồ sơ, xử lý cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (số 368 đường Hùng Vương) về nhiều lỗi vi phạm. Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an phát hiện nhân viên Cơ sở này là T.T.T đang thực hiện phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho 1 khách hàng. Qua làm việc, bà T. không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào, và cho biết, bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở.
|
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện nhân viên cơ sở Thẩm mỹ Kangzin đang phẫu thuật làm đẹp cho khách hàng.
|
Qua sự việc này, nhiều độc giả đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ sở Thẩm mỹ Kangzin thế nào? Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày càng tăng. Nắm bắt được xu thế đó, hàng loạt các cơ sở làm đẹp được ra đời. Đây là bước đột phá lớn trong ngành thẩm mỹ khiến chị em được chăm sóc sắc đẹp một cách toàn diện, được tiếp cận với những máy móc thiết bị tiên tiến, các nguyên liệu cũng được chọn lọc kỹ lưỡng, hạn chế tối đa các sự cố... Tuy nhiên, có không ít những cơ sở, thẩm mỹ viện ngang nhiên hoạt động khi không được cấp phép, không đủ điều kiện kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề, …
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Đối với những trường hợp này, pháp luật đã có những chế tài nghiêm khắc, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng trường hợp cụ thể. Do đó, căn cứ theo quy định tại Nghị định 109/2016/NĐ-CP và 155/2018/NĐ-CP cơ sở hoạt động thẩm mỹ là cơ sở dịch vụ y tế cung cấp dịch vụ thẩm mỹ và hoạt động theo quy định hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Căn cứ quy định tại Khoản 5 điều 4, điều 39, điều 71 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, nếu cơ sở thẩm mỹ vi phạm quy định về hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, kinh doanh mỹ phẩm cụ thể: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có thể bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.
Luật sư Hùng phân tích thêm, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 2 tháng đến 4 tháng; Nếu Kinh doanh mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng, buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm.
Ngoài ra, nếu chủ cơ sở hoạt động thẩm mỹ hoạt động trái phép mà xảy ra hậu quả gây thiệt hại về tài sản, tổn hại sức khỏe của người khác hoặc làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù lên đến 15 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.
Đây là ngành nghề có điều kiện do đó cơ sở kinh doanh cần phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, nếu có hành vi vi phạm cần phải được xử lý nghiêm minh và triệt để. Ngoài ra, đối với mỗi cá nhân cũng cần phải cảnh giác trong việc lựa chọn phương pháp và nơi làm đẹp, chọn cơ sở có uy tín cao trên thị trường, có đầy đủ giấy tờ pháp lý được phép hoạt động, người trực tiếp hành nghề phải được cấp chứng chỉ theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, để loại trừ tối đa các trường hợp xấu phát sinh", luật sư Hùng nói.
>>> Xem thêm video: Hà Nội: Người đàn ông tử vong khi hút mỡ bụng tại thẩm mỹ viện
Gia Đạt