Thông tin trên được Ths Điều dưỡng Lữ Mộng Thùy Linh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM cho biết tại cuộc họp tổng kết hoạt động của ngành y tế thành phố trong 9 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, tính đến đầu tháng 10/2022 tỷ lệ nhân viên y tế tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4 đang chiếm số lượng đông nhất là tại các trung tâm y tế (95%), tiếp đến là nhân viên y tế tại bệnh viện tuyến quận huyện (89%), hệ thống bệnh viện tuyến thành phố (75%). Hệ thống cơ sở y tế có tỷ lệ tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 thấp nhất là các đơn vị y tế tư nhân (53%).
|
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của cộng đồng trên địa bàn TPHCM còn ở mức thấp |
Theo bà Thùy Linh, Sở Y tế đã đề nghị các bệnh viện báo cáo công tác tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện. Trên thực tế cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế tham gia tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân đang ở mức thấp. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân không báo cáo số liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19 của nhân viên.
Số liệu Sở Y tế cập nhật cho thấy, nhiều đơn vị y tế tư nhân tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 của nhân viên y tế chỉ ở mức trên dưới 10%. Có những bệnh viện tỷ lệ tiêm rất thấp như: Bệnh viện Mắt Cao Thắng (5%); Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Korean – Star Sao Hàn (5%); Bệnh viện Thẩm mỹ Kỳ Hòa – Medika (8%)…
Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cộng đồng, thống kê của Sở Y tế cho thấy, tỷ lệ tiêm của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 đạt 64,2%; mũi 2 đạt 34,9%. Nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mũi 3 đạt 35,2%. Nhóm tuổi từ 18 trở lên mũi 3 đạt 66,4%, mũi 4 đạt 52,6%.
Từ nhận định, tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của thành phố chưa đạt kỳ vọng và còn thấp hơn so với trung bình chung cả nước, Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng, tăng độ bao phủ của vắc xin để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 quay trở lại.
Theo Vân Sơn/ Tiền phong