Ngày 1/3 tới, Ban Quản lý dự án Đầu tư hạ tầng giao thông TP Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức trưng bày, triển lãm và tham vấn ý kiến cộng đồng về các phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo trong thời gian 1 tháng.
Sau thời gian triển lãm, trưng bày kết quả thi tuyển, các bên liên quan sẽ tổng hợp ý kiến cộng đồng, xem xét kết quả phê duyệt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo báo cáo UBND thành phố Hà Nội.
|
Bản đồ dùng mô hình số mô tả các điểm tắc nghẽn giao thông Hà Nội 2019. Dự báo cải thiện vào năm 2025-2030 nếu hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm TP do chuyên gia Đại học GTVT thực hiện 2020. City Solution mô phỏng hiệu ứng rối loạn, ùn tắc giao thông khi xây dựng cầu nổi Trần Hưng Đạo 6 làn ô tô, tốc độ 80Km/h đi thẳng vào trung tâm TP. (Nguồn: Hanoidata-City Solution)
|
Trước đó, sau hơn 2 tháng tổ chức thi tuyển, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã nhận được 20 phương án thi tuyển của 12 đơn vị tư vấn, thiết kế trong và ngoài nước tham gia thi tuyển kiến trúc thiết kế cầu Trần Hưng Đạo.
Hội đồng tuyển chọn đã nghe thuyết trình 20 phương án, từ đó tìm ra được 3 phương án có thiết kế nổi bật nhất để đề xuất UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, trao giải. Tiếp đó sẽ chọn ra phương án tối ưu để làm phương án thiết kế xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
|
Cầu ngầm Trần Hưng Đạo cần tiếp cận Quy hoạch tích hợp đa ngành: Giao thông thủy bộ, đường sắt đô thị, giao thông tĩnh, thương mại dịch vụ và thoát nước: tài nguyên nước được khai thác tuần hoàn, lưu giữ đủ nước sạch cho nhiều mục tiêu sản xuất, sinh hoạt, giao thông, cảnh quan đô thị du lịch thương mại và nông nghiệp sinh thái bền vững. (Nguồn: Hanoidata & City Solution )
|
Phương án 1, cầu Extrados bê tông cốt thép (dầm - cáp hỗn hợp) có kết cấu chính là 5 trụ tháp kết hợp với dây văng. Trong đó, trụ chính giữa thiết kế tạo điểm nhấn, 4 trụ hai bên đối xứng trụ chính.
|
Phương án 1: Người chủ soái lấy ý tưởng chính từ hình tượng vị tổng tư lệnh Trần Hưng Đạo, vị tướng kiệt xuất của triều Trần. Bố cục tháp chính giữa tượng trưng cho Trần Hưng Đạo, các tháp biên tượng trưng cho toàn quân đoàn kết, hướng về người chỉ huy.
|
Phương án 2, cầu vòm thép kết hợp dây văng gồm 3 vòm chính mềm mại tương phản với 4 tháp nghiêng hai bên tạo thành sự thống nhất giữa các mặt đối lập, như tinh thần hài hòa âm dương.
|
Phương án 2: Cánh hạc bay lấy ý tưởng từ câu nói nổi tiếng "Chim hồng hạc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh" của Trần Hưng Đạo, nói lên ý nghĩa về sức mạnh đoàn kết.
|
Phương án 3 là cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp. Kiến trúc mang phong cách cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và khu vực phát triển mới bắc sông Hồng.
|
Phương án 3: Xứ Đông Dương với ý tưởng kết nối hiện đại và tương lai từ cảnh quan đường Trần Hưng Đạo, xuất phát điểm của cây cầu từ bờ Nam sông Hồng.
|
|
Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo phương án 3 được lựa chọn. Ảnh: TEDI
|
Việc đề xuất 3 phương án Trần Hưng Đạo đã gây ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng các thiết kế còn "rời rạc, chắp vá, sao chép".
Từng chia sẻ với báo chí, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Chủ tịch Hội đồng kiến trúc (Hội kiến trúc sư Việt Nam, một trong 15 thành viên Hội đồng tuyển chọn) cho hay "cả ba phương án tôi đều thấy chưa đạt yêu cầu và đã viết nhận xét đề nghị sửa lại".
Ông cho rằng, phương án 3 dù nhận được nhiều lựa chọn song "có những chi tiết gây rối, là sự tập hợp, ghép nhặt của nhiều chi tiết cổ điển, phương Đông".
"Việc lặp lại đúng phong cách kiến trúc Đông Dương là chưa hợp lý. Cần có sự cách điệu theo hướng hiện đại. Cụ thể, nên giảm các chi tiết gò, chi tiết ở hai cổng chào, các mố cầu, lan can...; khai thác kiến trúc Art - Deco để tăng tính hiện đại, khỏe khắn mà trang nhã của kiến trúc cầu. Ngoài ra, nên mở rộng sàn cầu tại vị trí mố cầu, phần cho người đi bộ dừng nghỉ, ngắm cảnh", KTS Nguyễn Quốc Thông phân tích.
Theo ông, nếu muốn khai thác kiến trúc Pháp thì phải áp dụng "tinh thần Pháp", đó là kiến trúc đĩnh đạc, sang trọng, thông qua các đường nét có ngôn ngữ, chứ không phải lộn xộn, chắp vá, dập khuôn nhiều phong cách. Vận vào thời nay, phong cách kiến trúc cần trên tinh thần đơn giản, hiện đại.
"Cầu của ngày hôm nay phục vụ các phương tiện có tốc độ cao, cần nét kiến trúc khỏe khoắn. Mỹ quan thời nay cũng khác thời xưa", ông Thông nói.
Là một trong hai thành viên Hội đồng không chọn phương án 3, ông Nguyễn Ngọc Long (Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam) cho rằng, kiến trúc tháp Đông Dương không ăn nhập với kết cấu cầu hiện đại, gắn với tên tuổi danh nhân Trần Hưng Đạo. Phương án này chọn dầm bê tông dự ứng lực đúc hẫng cân bằng nhịp 156 m là không hợp lý; vì nhịp lớn nên chiều cao dầm rất lớn, nặng nề.
Ông Long cho rằng phương án một là chấp nhận được. Cầu cần đáp ứng yêu cầu giao thông, gắn với ý nghĩa lịch sử, kết cấu hiện đại thanh mảnh, chiều cao giảm, vật liệu không chỉ giới hạn là bê tông mà nên đa dạng.
Bà Lã Thị Kim Ngân - nguyên Viện trưởng Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng bỏ phiếu phương án ba. Song bà cho rằng chỉ có 3 phương án nên rất khó chọn phương án tối ưu. Hai phương án một và hai theo hướng hiện đại, có tính biểu tượng nhưng thiếu cá tính, lặp lại kiểu kiến trúc đã có của một số cây cầu trên thế giới.
Phương án ba theo hướng kết nối, hài hòa với phong cách kiến trúc phố cũ, không bị lẫn với những cây cầu đã có. Tuy nhiên, phương án này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về tỷ lệ giữa các khối, các chi tiết, đường cong của vòm giữa, chi tiết kết nối của trụ cầu, lan can...
Bình luận về phương án cây cầu Trần Hưng Đạo với phong cách Đông Dương, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng, có khá nhiều "hạt sạn", thậm chí lỗi rất sơ đẳng cần được xem xét lại.
Thứ nhất về chiều cao của cây cầu, ông Ánh đặt vấn đề: Vì sao lại thấp thế, trong khi các cây cầu bắc qua sông Hồng xây mới đều khoảng cách 11 m so với mặt nước thì cầu Trần Hưng Đạo chỉ 4,75 m.
"Cầu thấp thế thì sao đảm bảo lưu không để tàu lớn và các phương vận tải thủy đi lại? Cây cầu có giá trị nhiều mặt, trong đó yếu tố lưu thông giao thông thủy cũng rất quan trọng. Nếu được cầu đường bộ mà không ổn về đường thủy thì dễ lợi bất cập hại", ông Ánh bày tỏ sự băn khoăn với Dân trí.
Cũng theo ông Ánh, một số cây cũ xây dựng từ lâu đời thì chúng ta chấp nhận khoảng cách so với mặt nước thấp, nhưng một cây cầu ở thế kỷ hiện đại với tổng mức đầu tư lớn thì vì sao không tính toán kỹ điều đó.
"Phương án xây cầu này hướng tới hiện đại, tương lai hay quay về quá khứ? Nếu hướng tới tương lai thì lại thấp thế. Có thể coi đây là do tư vấn thiết kế chưa tính hết chăng?", ông Ánh nhấn mạnh.
Câu hỏi thứ hai ông Ánh đặt ra, đó là về yếu tố thẩm mỹ của kiến trúc cây cầu. Cách thiết kế theo ông Ánh nhận xét, tạo cảm giác "chắp vá", giả cổ. Trong khi đó, cầu Trần Hưng Đạo lại là một dự án có quy mô lớn, có tác động tới kiến trúc cảnh quan trung tâm…
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Toàn cảnh cầu Trần Hưng Đạo sắp triển khai
Thiên Tuấn