Cơ sở kinh doanh karaoke: “Bà hỏa” chờ trực ghé thăm

Google News

Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đang tồn tại nhiều bất ổn trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

So với những năm trước đây, số lượng các cơ sở kinh doanh karaoke gia tăng đáng kể trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ cần rảo bước qua các tuyến phố như: Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Quốc Việt, Kim Liên – Xã Đàn, Nguyễn Hoàng, Trần Thái Tông… sẽ dễ thấy các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hoạt động. Số lượng khách ra vào các cơ sở này luôn đông vào các buổi tối, nhất là các ngày cuối tuần, dịp lễ, Tết.
Co so kinh doanh karaoke: “Ba hoa” cho truc ghe tham
Hiện trường vụ hỏa hoạn tại quán karaoke trên phố Nguyễn Khang (Hà Nội). Ảnh: Phương Thảo. 
Thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội (Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội) cho thấy, trên địa bàn thành phố có 1.007 cơ sở dịch vụ vui chơi, giải trí (karaoke, bar – vũ trường, câu lạc bộ…). Trong đó có 941 cơ sở karaoke, 9 quán bar, 1 vũ trường và 38 câu lạc bộ đang hoạt động. Đi kèm với các cơ sở karaoke hiện nay là nhiều mối lo về công tác phòng chống cháy nổ.
Tối 20/9, khi khảo sát trên một số tuyến phố Trần Thái Tông, Nguyễn Hoàng, Xuân La, chúng tôi nhận thấy, các cơ sở kinh doanh karaoke tọa lạc trên số tuyến phố này như: O.L., C.P., E.V.… chủ các cơ sở đã cho căng biển quảng cáo “trùm” kín mặt tiền của tòa nhà, kèm với đó là hệ thống đèn led chiếu sáng rực cả một vùng.
Nhiều cơ sở karaoke đang thuê lại các căn hộ vốn là nhà ở liền kề rồi cải tạo, nâng cấp, cho lắp đặt hệ thống cách âm bằng chất liệu dễ cháy, đèn led, biển quảng cáo… Diện tích của các quán karaoke trên địa bàn thành phố hiện nay, đa phần là chật hẹp, được chủ các cơ sở tận dụng triệt để làm phòng hát.
Trong khi đó, vào ngày cao điểm, tập trung đông người, nếu không may xảy ra hỏa hoạn, do diện tích chật hẹp, lối thoát nạn – cầu thang kín không có, khách hàng và nhân viên sẽ hoảng loạn xô đẩy nhau để tìm cách thoát nạn là điều khó tránh khỏi.
Nhìn vào thực tế này, ta không khỏi lo lắng trước những nguy cơ đi kèm, nhất là khi mới đây, vào tối 17/9, trên phố Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy (Hà Nội), “bà hỏa” đã xuất hiện và “cuốn” đi nhiều tài sản của một quán karaoke nằm trên con phố này.
Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, nhiều quán karaoke hiện nay vi phạm khá phổ biến về lối thoát nạn. Số cơ sở này chỉ thiết kế một lối thoát nạn tại các gian phòng và các tầng.
Chủ một số cơ sở không trang bị hệ thống báo cháy tự động theo Khoản 2, Điều 8 – Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an ngày 6-10-2015; không thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC; sử dụng các bảng quảng cáo cỡ lớn có đèn chiếu sáng che phủ toàn bộ mặt tiền của căn nhà (các quán karaoke thường là nhà ống). Hệ thống điện cung cấp cho biển quảng cáo lắp đặt phức tạp, chồng chéo lên nhau, để ngoài trời lại không được bảo dưỡng thường xuyên khiến nguy cơ phát sinh gây chập cháy điện dẫn tới cháy lan toàn bộ căn nhà.
Thêm vào đó, việc bố trí biển quảng cáo cỡ lớn như vậy còn bịt các lối thoát nạn khẩn cấp tại căn nhà như: lối ra ban công, lô gia, tầng thượng…và ngăn cản sự tiếp cận của lực lượng Cảnh sát PCCC khi có cháy xảy ra. Như vụ cháy tại quán karaoke trên phố Nguyễn Khang tối 17-9 là một ví dụ.
Nguyên nhân hỏa hoạn ban đầu được xác định là do chập điện tại biển quảng cáo cỡ lớn phía mặt tiền của quán tại khu vực tầng 3. Ngay sau đó, ngọn lửa đã lan lên các tầng phía trên. Khi có mặt tại hiện trường, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phải rất vất vả phá dỡ tấm biển quảng cáo này để tiếp cận, xử lý đám cháy.
Trung tá Phạm Trung Hiếu cho biết thêm, để hạn chế đến mức thấp nhất cháy, nổ xảy ra tại các quán karaoke, trong quá trình hoạt động, chủ các cơ sở không được tự ý thay đổi thiết kế ban đầu đã được cấp phép.
Nếu thay đổi, thì phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra an toàn PCCC cho các chủ cơ sở và nhân viên làm việc tại cơ sở; thường xuyên tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC.
Chủ các cơ sở phải lắp đặt thiết bị tự ngắt (aptomat, cầu trì, rơ le…) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn…
Đặc biệt, hệ thống điện chiếu sáng của bảng quảng cáo phải có nguồn điện cấp riêng, có cầu dao, aptomat bảo vệ; không lắp đặt bảng quảng cáo kín mặt tiền công trình hay che lấp các lối thoát nạn, ban công; bố trí bảng quảng cáo tại mặt tiền phải đúng theo quy định Quy chuẩn Việt Nam 17:2013/BXD của Bộ Xây dựng.
Cũng theo đại diện Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, tới đây, đoàn công tác của đơn vị này sẽ mở đợt kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh karaoke vi phạm về công tác PCCC.
Mời quý độc giả xem video Vụ cháy nhà ở Cà Mau (nguồn VTV):
Theo CAND