Chiều ngày 23/5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Quốc hội thông qua lần này đã rút gọn chỉ còn 4 chương, 36 điều. Theo dự thảo này, các Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường mà các doanh nghiệp phải nộp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đại biểu đề nghị tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức quy định chung cho doanh nghiệp như hiện nay nhưng cần quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ thuế; bổ sung quy định hỗ trợ về thủ tục thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ hiện chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật, theo đó DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp; bổ sung quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện chế độ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản tại khoản 2 Điều 10.
|
Ảnh minh họa. Nguồn Tạp chí Tài Chính. |
Tuy nhiên dự thảo Luật không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, thủ tục thuế và chế độ kế toán (giãn tần xuất kê khai thuế, mẫu kê khai đơn giản, liên thông tư vấn thuế và đại lý thuế…), mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, dự án Luật hỗ trợ cho một số đối tượng trọng tâm có tính chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế, chỉ giới hạn đối tượng là DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng trình bày nhiều nội dung khác trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chiều ngày 23/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đa số ý kiến các đại biểu phát biểu tại hội trường đều cơ bản đồng ý với dự thảo luật. Tuy nhiên, một số đại biểu đã đưa ra những góp ý như quy định luật còn chung chung, chiểu theo quy định của Luật, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay tín dụng từ quỹ hỗ trợ còn khó hơn gõ cửa ngân hàng.
Đại biểu Cao Thị Giang đã đưa ra những góp ý như không nên đưa ra tiêu chí nguồn vốn, chưa đề cập trách nhiệm UBND cấp tỉnh, 4 hội, hiệp hội đều có thể quản lý doanh nghiệp gây nhiều đầu mối gây khó khăn cho UBND tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà chỉ cần 1 tổ chức...
Đai biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại điều 9 không có gì ưu đãi hơn quy định hiện hành và đề xuất nên xem xét bỏ bớt điều kiện như tài sản đảm bảo.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng) chỉ rõ, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động cầm chừng do phải có tài sản bảo đảm nên nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được.Hơn nữa, thủ tục hành chính khó khăn, phức tạp, rườm rà.
Một số ý kiến khác cho rằng, quy định hỗ trợ về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong dự thảo còn mang tính hình thức, chưa dẫn chiếu đến các quy định liên quan nên thiếu khả thi trong thực tế, dự thảo quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn giảm phí tư vấn khi sử dụng dịch vụ tư vấn từ tư vấn viên trong lĩnh vực sản xuất chế biến. Như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác sẽ không nhận được hỗ trợ. Có đại biểu còn cho rằng, cần bổ sung thêm hành vi lợi dụng việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trục lợi. Thậm chí có đại biểu còn thẳng thắn, hiện vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, doanh nghiệp phải mất chi phí “bôi trơn” để được hưởng các chính sách hỗ trợ...
Giải trình các ý kiến thảo luận của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng hứa sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát lại Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉnh sửa, bổ sung các quy định cần thiết, đồng thời khẳng định, chúng ta sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thể hiện quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí theo quy định và có khả năng phát triển tốt. Chúng tôi xác định đây là văn bản pháp lý quan trọng, đặc biệt sau khi Nghị quyết Trung ương 5 xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực trong nền kinh tế”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Hải Ninh