Tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy.
Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng là 3 trọng điểm về phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Những năm qua, với tinh thần kết nối, thúc đẩy phát triển liên kết vùng theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”, 3 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực và thu được những kết quả tích cực. Bước đầu tạo động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
|
Quang cảnh hội nghị. |
Nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng sản xuất kinh doanh
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương báo cáo cho thấy những khó khăn, vướng mắc chung chủ yếu làm ảnh hưởng tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường và vấn đề lao động.
Trong đó, vướng mắc liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản ảnh hưởng tương đối lớn. Mặc dù, chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, nhưng chưa đáp ứng theo nhu cầu thực tế của các địa phương để triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội;
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
|
Nguyên, nhiên vật liệu tăng giá đột biến làm tăng chi phí đầu tư dự án; khan hiếm nguyên vật liệu (đất, cát làm vật liệu san lấp); chi phí vận tải tăng dẫn đến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng hoặc đã nhận mặt bằng nhưng chưa thi công hoặc không nhận mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB còn chậm do gặp khó khăn trong việc xác định khu tái định cư và khung giá đất có sự thay đổi nên phải điều chỉnh phương án giải phóng mặt bằng làm phát sinh chi phí, tăng chi phí giải phòng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, trong đó có các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các dự án lớn trọng điểm có tính chất liên vùng trên địa bàn dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng; về công tác quy hoạch....còn nhiều bất cập.
Đặc biệt, về chính sách tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu, ...); lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng nên khó khăn trong việc bán được sản phẩm và giảm khả năng thanh khoản đối với thị trường bất động sản, dẫn tới nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, dừng thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Nhiều vướng mắc bởi thể chế cần tháo gỡ
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, triển khai dự án cụ thể, ảnh hưởng tới phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và đề xuất kiến nghị về thể chế.
Cụ thể, đề nghị ủy quyền cho các địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên, từ 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Ban hành các hướng dẫn cụ thể quy định về diện tích đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên phải đánh giá tác động môi trường; Ban hành quy định về quy chế hoạt động của Quỹ phát triển đất để địa phương tập trung nguồn lực cho giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo hiệu quả việc sử dụng đất và tăng thu cho Ngân sách nhà nước.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng. |
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư về một số nội dung liên quan đến: hộ kinh doanh, dự án không triển khai hoặc triển khai chậm, dự án được chấp thuận trước thời điểm Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực; hướng dẫn vấn đề liên quan đến lập đề xuất chủ trương đầu tư; Phân cấp cho HĐND các cấp quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định việc bố trí vốn đối với dự án quá hạn. Ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên đối với một số dự án trong trường hợp cần thiết;
Mặt khác, cần sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Đất đai, trong đó: thống nhất về chỉ tiêu các loại đất; cho phép điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung xây dựng xã; đơn giản hóa các quy định về quy hoạch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Sớm có hướng dẫn cụ thể về công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán liên quan đến công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn giúp việc trong quá trình lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công;
Chính phủ cần xem xét tháo gỡ đề xuất của một số doanh nghiệp về thuế, lệ phí; đẩy mạnh các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng dư nợ cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh; Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép hoạt động lao động nước ngoài, như: sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định bổ nhiệm; giấy phép lao động cho các thủ tục cấp phép lần tiếp theo; quy định tiêu chí xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài;
Trình Quốc hội bố trí nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa mức bổ sung có mục tiêu cho địa phương trong trường hợp khắc phục thiên tai, thảm họa dịch bệnh hoặc chế độ chính sách mới phát sinh do Trung ương ban hành, không phân biệt tỉnh tự cân đối; Rà soát các quy chuẩn về PCCC để đảm bảo tính khả thi, phù hợp hơn với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng cũng thống nhất quan điểm với tỉnh Hải Dương về những vấn đề liên quan tới thể chế, chính sách. Nhiều chính sách khi đưa vào thực tế bộc lộ những hạn chế, bất cập gây cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Nhiều kiến nghị cụ thể của Hải Dương
Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng: Cải tạo, nâng cấp QL.37, đoạn nối QL.18, qua Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc; Đầu tư xây dựng mở rộng cầu Bình (Km77+900/QL.37); mở rộng QL.5 và đầu tư các cầu vượt dân sinh trên QL.5, đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương.
Đồng thời, đề nghị đoàn công tác quan tâm tới các đề xuất, kiến nghị của Công ty TNHH Ford Việt Nam về mức nộp thuế cho linh kiện nhập khẩu lắp ráp xe ô tô. Đồng thời sớm tháo gỡ vướng mắc liên quan tới quy hoạch đê điều tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện điện BOT Hải Dương và những tồn tại tại dự án đầu tư xây dựng ký túc xá sinh viên cụm trường ở TP Chí Linh.
Về phân bổ chỉ tiêu đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết, việc phân bổ đất công nghiệp, xây dựng cơ sở thể dục, thể thao không đáp ứng được nhu cầu phát triển nên cần phải điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp. Đối với vướng mắc đất cổ phần hoá trong các khu dân cư, đô thị, Hải Dương đề nghị Trung ương chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị đã hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên các khu đất của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Đối với vướng mắc đất cổ phần hoá trong các khu dân cư, đô thị, Hải Dương đề nghị Trung ương chấp thuận chủ trương giao UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục thực hiện thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu dân cư, khu đô thị đã hoàn thành việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên các khu đất của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa làm cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
|
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng |
Về những vướng mắc quy hoạch chung đô thị Bình Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đề nghị Bộ Xây dựng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ sớm có văn bản chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bình Giang. Trong thời gian lập quy hoạch điều chỉnh trên, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh được thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Bình Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2020 để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương – Triệu Thế Hùng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sớm kết nối, tích hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù tốc độ tăng trưởng của tỉnh Hải Dương ở mức khá; song trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, bộc lộ những điểm chưa nhất quán, do vậy chưa giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc khi một số các chỉ tiêu quan trong như thu ngân sách, thu hút đầu tư… đang giảm dần. Hải Dương cũng đã quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tuy nhiên gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách. Việc triển khai một nội dung, dự án liên quan đến nhiều luật, quy định chồng chéo, dẫn đến xử lý công việc kéo dài.
Phát biểu kết luật buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nên phải nỗ lực bằng mọi giá để hoàn thành mục tiêu đề ra. Tình hình thế giới có nhiều biến động trong khi kinh tế nước ta đang có độ mở nên khi áp dụng các cơ chế, chính sách sẽ bộ lộ những điểm chưa tương đồng, nhất quán. Nếu hành lang pháp lý không đồng bộ sẽ không giải quyết được các vấn đề căn cơ, cốt lõi, tạo đòn bầy cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Ngay sau buổi làm việc hôm nay, những thông tin, kiến nghị mà các địa phương cung cấp, Đoàn công tác ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo, sớm đưa ra các giải pháp cụ thể. Những vấn đề không liên quan đến sửa đổi thể chế, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải quyết liệt, để giải quyết triệt để những vướng mắc.
Đối với những nội dung bị vướng mắc bởi thể chế cần tháo gỡ theo nguyên tắc xử lý từng bước, phân cấp mạnh mẽ và phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các địa phương, ban hành Thông báo kết luận, đề xuất Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trên tinh thần phân rõ trách nhiệm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hải Dương: Cận cảnh chợ tiền tỷ Phú Lộc để không, bất ngờ lý do
Hải Ninh