Mới đây, ông Đặng Công Huẩn, Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã ký thông báo số 21/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011-2015” tại Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua đó, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện đề án tại Bộ GĐ&ĐT và 12 tỉnh thành gồm Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Ngày 15/12, Văn Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đồng ý với nội dung, báo cáo và các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận Thanh tra; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương thực hiện nội dung kết luận của TTCP.
|
Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Báo Lạng Sơn. |
Hoạt động Ban chỉ đạo đề án mang tính hình thức
Kết luận thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của Bộ GĐ&ĐT và Ban chỉ đạo đề án, trong đó nhấn mạnh: “Ban chỉ đạo đề án còn hoạt động mang tính hình thức, những tồn tại, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện đề án chưa kịp thời phát hiện, chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý và tháo gỡ: Việc quy hoạch mạng lưới các trường phổ thông dân tộc nội trú, kế hoạch sử dụng học sinh dân tộc, việc chậm cấp kinh phí, định mức biên chế giáo viên và cán bộ quản lý học sinh, chế độ ăn, thưởng cho học sinh dân tộc nội trú”.
“Đề án không có nội dung cung cấp trang thiết bị dạy học cho các trường được xây mới, dẫn đến cơ sở vật chất các trường không đồng bộ, không quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc tổ chức và huy động các nguồn lực tại địa phương để lồng ghép thực hiện đầy đủ các hoạt động của đề án. Chưa xây dựng được hệ thống chỉ số đánh giá riêng, vì vậy chưa tổng hợp được số liệu để theo dõi đánh giá tác động của đề án”, kết luận thanh tra nêu.
Kết luận Thanh tra cũng khẳng định: “Việc bố trí nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt còn chậm, thiếu, dẫn đến nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện so với kế hoạch đề ra; có dự án không thể triển khai được sau khi phê duyệt, gây lãng phí trong đầu tư. Việc tổ chức, bồi dưỡng về tiếng dân tộc thiểu số, tập huấn về công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề, dạy nghề truyền thống đạt tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu của đề án. Việc cấp phát tài liệu đã được phát hành cho các trường phổ thông dân tộc nội trú còn chậm; chưa xây dựng website và hệ thống thông tin quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú phục vụ công tác quản lý, trao đổi thông tin ở cấp vĩ mô và trong hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú”.
“Việc kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện đề án trong phạm vi cả nước còn hình thức, chủ yếu là hướng dẫn, ghi nhận những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án tại địa phương. Những thiếu sót, khuyết điểm trên cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban điều hành đề án thực hiện chưa đầy đủ nhiệm vụ theo quy định tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg”- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
|
Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. |
12 tỉnh thực hiện đề án cũng có nhiều vi phạm
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót của 12 địa phương triển khai đề án như: “Nhiều địa phương không thành lập ban điều hành đề án cấp tỉnh và không xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng học sinh dân tộc theo quy định. Việc thực hiện đầu tư xây dựng bổ sung cho các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt tỷ lệ thấp 67%. Các trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư xây dựng mới nhưng chưa hoàn thiện các hạng mục để đưa vào sử dụng chiếm tỷ lệ cao 38%. Các thiếu sót khuyết điểm trên cần kiểm điểm, chấn chỉnh và rút kinh nghiệm kịp thời”.
“Vi phạm trong việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản còn khá phổ biến ở các dự án đầu tư xây dựng. Tổng số tiền vi phạm được phát hiện qua thanh tra 56 dự án là hơn 8.176,986 triệu đồng. Trong đó các đoàn thanh tra, kiểm toán ở Trung ương, địa phương phát hiện 6.649,531 triệu đồng, đoàn của Thanh tra Chính phủ phát hiện 1.780,61 triệu đồng. Các tập thể và cá nhân liên quan phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm và có biện pháp xử lý phù hợp”, TTCP chỉ rõ.
Một số vi phạm khác cũng được phát hiện như: phân bổ vốn, mua sắm trang thiêt bị dạy học, quy định định mức xây dựng cơ bản không đúng quy định dẫn đến làm chậm tiến độ thực hiện đề án, gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước.
Kiến nghị xử lý hành chính, xử lý kinh tế
Thanh tra Chính phủ đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý về hành chính đối với các đơn vị liên quan.
Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo để xảy ra các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện các hoạt động của đề án tại các địa phương. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động của đề án, chưa xây dựng website và chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu chung cho hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú.
Đối với 12 tỉnh, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Bình Định, Bình Phước, Nghệ An, Đắk Lắk, An Giang, Sóc Trăng rút kinh nghiệm trong việc không thành lập ban điều hành đề án cấp tỉnh và không xây dựng kế hoạch đào tạo, sử dụng học sinh dân tộc theo quy định.
UBND các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến các vi phạm trong việc đầu tư, xây dựng các trường phổ thông dân tộc nội trú.
UBND tỉnh Bình Phước rút kinh nghiệm và kiểm điểm trách nhiệm Sở Xây dựng trong việc trình ban hành định mức công tác bốc xếp vận chuyển vật liệu lên cao chưa đúng với định mức do nhà nước quy định.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý về kinh tế với UBND các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Bình Phước, Bình Định, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Hải Ninh