|
Một điểm thu mua vải sớm Thanh Hà. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN |
Thậm chí một số tài khoản Facebook còn kêu gọi người dân Thanh Hà không bẻ vải để bán cho thương lái. Sau khi những tài khoản Facebook này đăng tải thông tin đã có hàng nghìn người like, bình luận. Nhiều tài khoản đã chia sẻ thông tin sai lệch này và kèm theo bình luận với nội dung là chính quyền không quan tâm, trợ giúp người nông dân.
Trước những thông tin sai lệch như vậy, lãnh đạo huyện Thanh Hà khẳng định không có việc vải thiều Thanh Hà ế, hay nông dân phải vứt bỏ vải vì giá quá thấp. Đồng thời, khi xuất hiện thông tin sai lệch, Công an huyện Thanh Hà cũng đã khẩn trương tổ chức lực lượng tiến hành xác minh làm rõ.
Theo thông tin ban đầu, tài khoản Facebook phát tán thông tin trên là của một cô gái hiện đang sinh sống tại Hà Nội, thường xuyên bán hàng online và có hộ khẩu thường trú tại huyện Thanh Hà. Sau khi người nhà cô gái về quê và thông tin với cô gái là giá vải đang xuống thấp, cô gái đã ngay lập tức đăng những thông tin về “giải cứu vải Thanh Hà” lên mạng xã hội. Lực lượng chức năng đã trao đổi với gia đình và bản thân cô gái, ngay sau đó tài khoản Facebook này đã xóa bài viết. Cùng với đó, một số tài khoản Facebook chia sẻ thông tin này với những lời bình luận “ác ý” cũng xóa bài viết trên.
Lãnh đạo Công an huyện Thanh Hà cho biết: Ngoài tài khoản Facebook có bài viết sai lệch trên thì còn nhiều tài khoản Facebook có xuất xứ từ nước ngoài cũng đăng các hình ảnh vứt bỏ vải nên lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn khi xử lý. Công an huyện Thanh Hà khuyến cáo người dân, khi sử dụng mạng xã hội nên có sự lựa chọn thông tin; nên cẩn trọng trước các thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng; tự trang bị cho mình các kiến thức về pháp luật; trước khi chia sẻ (share), bình luận (comment) về các bài viết cần kiểm chứng hoặc suy nghĩ thấu đáo về các sự vật, hiện tượng được đưa lên mạng để tránh bị các thông tin ảo chi phối, tác động.
Trên thực tế, hiện nhiều người dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Nhiều người nghĩ tài khoản của họ trên Facebook là trang cá nhân và tự do đăng tải thông tin mà không nghĩ đến hậu quả thông tin đăng tải khi tốc độ lan truyền nhanh chóng trên mạng. Thậm chí còn có tình trạng đăng thông tin ảo, không đúng sự thật, chủ yếu để câu like (lượt người thích, đồng ý) mà không lường đến hậu quả. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm này.
Theo lãnh đạo huyện Thanh Hà, việc tiêu thụ vải thiều ở huyện đang rất sôi động. Trên địa bàn huyện có khoảng 25 - 30 điểm thu gom vải vừa để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vừa thu mua đi tiêu thụ các thị trường trong cả nước. Việc thu mua của các thương lái thuận lợi, chính quyền địa phương cũng vào cuộc giám sát việc mua bán để giảm thiểu việc người nông dân bị gian lận khi đi bán vải.
Vụ vải thiều 2018, nhờ Hải Dương sớm chủ động xúc tiến thương mại cho quả vải, đến nay, có nhiều tín hiệu tích cực trong việc kết nối tiêu thụ. Theo thống kê chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH Một thành viên Hưng Việt, Công ty cổ phần xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), Công ty xuất nhập khẩu nông sản Thanh Hà… và các chuỗi siêu thị như Sài Gòn Coop Mart, BigC, Hapro … đã cam kết thu mua, tiêu thụ vải cho bà con nông dân với số lượng lớn…
Hiện nay, vải sớm ở Hải Dương đã xuất khẩu đi Trung Quốc, Malaysia, Australia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc. Có nhiều thương lái Trung Quốc trực tiếp đi thu mua vải tại Thanh Hà cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng quả vải Việt Nam
Theo Mạnh Tú /TTXVN)