Nhiều tỉnh đang gồng mình chuẩn bị chống bão số 3

Google News

(Kiến Thức) - Bão số 3 có sức gió mạnh đang tiến vào nước ta. Các vùng chịu ảnh hưởng của bão như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đang căng mình chuẩn bị đối phó.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào hồi 14h ngày 18/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 10-12. 
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và còn tiếp tục mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ),giật cấp 12-14.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối nay (18/8), ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
 Bão số 3 dự kiến đổ bộ vào đất liền vào ngày mai 19/8.
Từ sáng mai (19/8), khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 12-14. Các nơi khác thuộc phía Đông Bắc Bộ, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-11. Vùng ven biển từ nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng bão kết hợp thủy triều cao 3-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, đi vào đất liền với sức gió mạnh nhất cấp 9-10, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22 giờ ngày 19/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,6 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 20/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 102,2 độ Kinh Đông, trên khu vực thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Để chủ động đối phó với cơn bão số 3, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... đang khẩn trương thực hiện những biện pháp ứng phó với cơn bão mạnh.
Tại Quảng Ninh: UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền đến tận người dân, thôn, xóm, khu phố, tổ dân cư nắm được diễn biến của cơn bão để chủ động các biện pháp phòng, chống và trú tránh an toàn. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục khấn trương thông tin, kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi về các nơi neo đậu trú tránh an toàn; riêng tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long lệnh cấm xuất bến từ 13h ngày 18/8/2016, các phương tiện ngủ qua đêm phải về nơi trú tránh trước 15h ngày 18/8/2016. Tuyên truyền người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản có các biện pháp chằng chống đầm, lồng bè nuôi thủy sản và chủ động di chuyển vào nơi trú tránh an toàn; sẵn sàng có các phương án sơ tán dân ở chân các bãi thải, khu vực có nguy cơ sạt lở, vùng trũng ngập lụt, nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng, các lán trại tại các công trường xây dựng... để đảm bảo an toàn; khẩn trương khơi thông cống rãnh tiêu thoát nước các vùng trũng, khu vực ngập lụt. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN và Tổng Công ty Đông Bắc và các địa phương có các phương án an toàn đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ sạt lở, bến tàu, cầu cảng, chủ động sơ tán, di chuyển người và thiết bị vào nơi trú tránh an toàn để tránh thiệt hại.
 Tàu vào neo đậu ở Quảng Ninh.
Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các địa phương và các đơn vị kiếm tra và xử lý ngay các vị trí giao thông, khu dân cư thường hay xảy ra ngập lụt để tiêu thoát nước kịp thời, các điểm ta luy sạt lở để hạn chế thấp nhất đất đá sạt xuống đường gây tai nạn và ách tắc giao thông (đường tránh Hạ Long - Cẩm Phả, tránh Cửa Ông), các khu vực đường tràn, ngầm tràn phải có người canh gác và cảnh báo không cho người qua lại khi có mưa lũ, các khu vực bến cảng, bến tàu phải thực hiện chằng chống nhà cửa, tàu thuyền; lưu ý đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khi di chuyến qua cầu Bãi Cháy và cầu Vân Đồn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các địa phương kiểm tra các công trình đê, kè, cổng để có biện pháp gia cố, chằng chống các vị trí, khu vực xung yếu, chỉ đạo các Công ty thủy lợi thực hiện tháo nước giảm áp lực của các hồ chứa xuống đến 70% sức chứa để đảm bảo an toàn cho các hồ, đập; hướng dẫn các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có phương án gia cố nhà lưới, hệ thống giàn cây... để giảm thiểu thiệt hại. Sở Xây dựng chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng đang thi công, các khu vực nhà cửa xuống cấp, riêng đôi với chung cư cấp độ D tại TP Hạ Long và TP Câm Phả phải thực hiện di dời các hộ dân sơ tán xong trước 11h ngày 19/8/2016 để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
UBND các địa phương chỉ đạo nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng phương án sơ tán dân ở nhừng khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; chỉ đạo tháo nước đệm cho các vùng sản xuất nông nghiệp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cây trồng do ngập lụt. Kiểm tra, thống kê và có phương án bố sung ngay các phương tiện, thiết bị, vật tư, hậu cần và lực lượng theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; phân công lãnh đạo phụ trách kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc từng địa bàn dân cư, đến tận tổ dân, khu phố, thôn, xóm, từng khu vực để triển khai thực hiện và trực 24/24 giờ tại địa bàn được phân công.
Kêu gọi các tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, BCH Biên phòng và Công an tỉnh duy trì lực lượng trực ban, kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, thiết bị, vật tư để sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Phòng và xử lý sự cố tràn dầu (nếu xảy ra) của các kho chứa, khu vực có xăng, dầu và các tàu trên sông, nước.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra để kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp phòng chống com bão số 3 tại các khu vực trọng điếm của TP Hạ Long, TP cẩm Phả, TP Uông Bí, TX Quảng Yên, huyện Vân Đồn, các khu vực hầm lò, bãi thải của ngành than. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của Tỉnh được phân công theo dõi các địa bàn chủ động xuống địa bàn kiểm tra, chỉ đạo các địa phương tô chức kiêm tra, chỉ đạo phòng chống cơn bão số 3 ngay trong sáng ngày 18/8/2016.
Báo cáo mới nhất của Chi cục Thủy sản Quảng ninh, hiện nay toàn bộ số tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh (7.653 chiếc công suất dưới 90 CV; 410 tàu xa bờ) đã về nơi tránh trú. Các địa phương, các Công ty TNHH Thủy lợi đã chủ động hạ mực nước các hồ từ ngày 15/8 (các hồ lớn của tỉnh như: Yên Lập, Tràng Vinh, Đầm Hà Động đều ở mức 55 – 85 % dung tích thiết kế); đã chủ động tiêu nước ở các vùng trũng đề phòng mưa
Tại Thái Bình: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo bằng mọi biện pháp tiêu nước triệt để trên mặt ruộng và các trục sông tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương khơi thông dòng chảy, tạo rãnh tiêu nước trong đồng, vơ bèo bồng, giải phóng đăng đó, vó bè trên các trục sông, các đầu cống tiêu. Kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu; khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 1 theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là các hư hỏng của công trình đê, kè cống và công trình thuỷ lợi theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tại các Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 28/7/2016; số 09/CĐ-UBND ngày 30/7/2016 để kịp thời đối phó với bão số 3. Kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền còn đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn. Bố trí, sắp xếp tàu, thuyền tại khu neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu. Chủ động di dời toàn bộ số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào trong đê chính, không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính trước khi bão đổ bộ vào. Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp... đảm bảo an toàn trong bão. Kiểm tra các nhà dân, nhà tập thể, bệnh xá, trường học xung yếu, chủ động di chuyển dân đến nơi an toàn.
 
Hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và cán bộ kỹ thuật làm công tác phòng chống thiên tai năm 2016, đến ngay vị trí được phân công để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phòng, chống bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Tại Hải Phòng: Chủ tịch UBND thành phố vừa có Công điện yêu cầu các huyện, quận, các ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão số 3. Theo đó, bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu tàu thuyền trong các khu tránh trú bão; di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải, không để người trên các phương tiện đã về nơi neo đậu. Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão và ngập úng, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ yếu, các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, các khu du lịch biển và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu. Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập. công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vỹ, cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng...
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ vào diễn biến của bão để chủ động xác định thời điểm đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông phòng tránh bão số 3. Yêu cầu ngành chức năng và đơn vị liên quan chủ động điều tiết nước trong hệ thống thủy lợi để bảo vệ hoa màu, mạ, lúa mới cấy, khơi thông cống, kênh tiêu thoát nước, hạ thấp nước trong các hồ điều hòa để chủ động phòng, chống ngập úng đô thị…Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản. Duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Tại Nam Định: Hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão.Kêu gọi các loại tàu thuyền vào nơi neo đậu trước 14h ngày 18/8. Cấm các phương tiện ra khơi từ 14h ngày 18/8. Cấm người canh coi vây vạng, sản xuất trên biển, cấm các hoạt động tham quan biển, tắm biển trước 8h ngày 19/8. Tuyên truyền người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức sơ tán người dân ở những ngôi nhà yếu,nhà tạm trước 10h ngày 19/8.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin về diễn biến bão số 3.
Hải Ninh