Nhiều tranh cãi về việc có nên xem xét tố cáo nặc danh hay không

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi chưa xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong bảo vệ người tố cáo thì có nên xem xét đơn tố cáo nặc danh hay không?

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều 16/6 mới đây, vẫn còn nhiều kiến khác nhau về việc có nên thừa nhận tố cáo qua fax, email, điện thoại… trong đó vấn đề có nên xem xét tố cáo nặc danh thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của các ĐBQH.
Chưa xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong bảo vệ người tố cáo
Nêu ý kiến thảo luận về việc bảo vệ người tố cáo, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: “Quy định tại điều từ Điều 40, 50, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để bổ sung cụ thể cơ quan nhà nước nào bảo vệ người tố cáo, quy trình bảo vệ người tố cáo để bảo vệ có hiệu quả. Có như vậy thì người dân mới mạnh dạn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật”.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đưa ra ý kiến cần phải tập trung, làm rõ việc bảo vệ người tố cáo trong dự thảo luật lần này.
“Trong thực tế, việc tố cáo của công dân là cơ sở quan trọng đối với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho bản thân người tố cáo và gia đình họ. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải bảo vệ người tố cáo và điều này thể hiện bản chất của một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, trong thực tế, việc bảo vệ người tố cáo đang rất khó và ngay cả khi nghiên cứu dự thảo luật lần này thì tôi cảm thấy vẫn chưa yên tâm như rất nhiều đại biểu trước tôi đã phân tích”, ĐB Mai Hoa nói.
Nhieu tranh cai ve viec co nen xem xet to cao nac danh hay khong
 Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nhìn nhận các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong bảo vệ người tố cáo. Mặt khác, việc quy định các biện pháp để bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vấn đề này tại Điều 40 của dự thảo chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người tố cáo
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, cơ chế hiện nay của chúng ta bảo vệ người tố cáo chưa đầy đủ dẫn đến bị đe dọa, bị gây khủng bố và nhiều hình thức khác nhau.
“Chúng ta biết rằng ngay cả Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh còn bị đe dọa. Các cá nhân tố cáo nặc danh, uy hiếp nặc danh, vì cơ chế bảo vệ của chúng ta chưa đầy đủ. Tâm lý của người Việt thực ra ngại va chạm, ngay cả trong đấu tranh phòng chống tham nhũng có những vấn đề liên quan đến đồng chí đồng đội, liên quan đến người thân. Đây là chuyện rất khó vượt qua trong tâm lý của người tố cáo. Tất nhiên, có chuyện lạm dụng nhưng với mục tiêu cao nhất là trách nhiệm của nhà nước trong việc đấu tranh chống các vi phạm pháp luật, vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân, tôi nghĩ trong thời điểm hiện nay của chúng ta nên chấp nhận hình thức này. Tuy nhiên có một trình tự, thủ tục và cơ chế kiểm soát để đảm bảo việc chống nặc danh, vu khống”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng nêu ý kiến.
Trả thù, trù dập người tố cáo thực sự tinh vi đến tầm văn minh
ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khi tranh luận thêm về nội dung có xem xét tố cáo nặc danh hay không đã cho rằng, "có thể khẳng định việc tố cáo, trù dập người tố cáo là chuyện có thật. Cơ chế bảo vệ người tố cáo của chúng ta hiện nay chưa đi vào cuộc sống. Người tố cáo có lẽ bản thân họ cũng không sợ gì nhưng còn cả người thân thích, cha mẹ, anh em liên lụy, vì mình mà liên lụy đến nhiều người cho nên người ta không dám đứng tên ra tố cáo".
“Trả thù, trù dập người tố cáo thực sự tinh vi đến tầm văn minh”, ĐB Bùi Văn Phương nói.
Để chứng minh, ĐB Phương kể một câu chuyện mà theo ĐB là có thật mà chỉ có người thật sự trong cuộc mới biết là bị trả thù nhưng người bị trả thù vẫn phải tươi cười nhưng trong lòng đầy đắng chát.
Nhieu tranh cai ve viec co nen xem xet to cao nac danh hay khong-Hinh-2
 ĐB Bùi Văn Phương. Ảnh quochoi.vn
Theo lời ĐB Phương, "sau khi người đó không bằng lòng với lãnh đạo thì được lãnh đạo gọi lên nhận xét cậu là người có tính chiến đấu rất tốt, còn trẻ, có năng lực cho nên tới đây cậu phải đi đào tạo, học hành một cách chính quy, bài bản chứ không học tại chức, chúng tớ cũng nhiều tuổi rồi, sau chúng tớ đến cậu chứ còn ai.
Người đó khăn gói lên đường đi học nhưng rõ ràng trong bụng đã có sự nghi ngờ. Sau khi người đó đi học về, lãnh đạo cho rằng cậu cán bộ này được đào tạo lý luận đầy đủ, chuyên môn đầy đủ, giờ cần phải trở về thực tiễn để tiếp tục rèn luyện. Và anh này được đưa xuống một đơn vị khó khăn, sau đó bị bỏ mặc cho tự "bơi", thậm chí người lãnh đạo còn tạo "sóng" để "dìm" cho anh cán bộ trẻ "uống nhiều nước". Sau khi uống nhiều nước rồi thì túm gáy xách lên đưa về coi như cứu giúp và bố trí về mặt công việc. Từ đó trở đi, người cán bộ trẻ này coi như thui chột, mặc dù trong lòng đắng ngắt nhưng miệng vẫn phải mỉm cười nói cảm ơn anh đã cứu giúp".
“Đây là một câu chuyện rất thực tế, câu chuyện trả thù tinh vi đến mức văn minh như thế. Vì những lý lẽ đó người ta không dám đứng tên tố cáo. Chúng ta cần phải tính toán một cách hợp lý để tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền của mình. Tố cáo những hành vi vi phạm cũng chính là để góp phần xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Nếu chúng ta vin vào những lý do nặc danh, chúng ta không xem thì rất khó. Nhưng tố cáo có căn cứ để thẩm tra xác minh thì cũng cần phải xem xét”, ĐB Bùi Văn Phương nói.
Cần quy định cơ chế đặc thù đối với trường hợp tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh
ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) nhất trí với việc, về nguyên tắc không xem xét giải quyết đối với tố cáo nặc danh.
“Tuy nhiên qua báo cáo của Chính phủ, các phương tiện thông tin đại chúng và vừa qua tôi có theo dõi chương trình phóng sự Quốc hội với cử tri về dự án Luật tố cáo (sửa đổi) cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo rất phức tạp, thậm chí có những trường hợp dùng cả xã hội đen, giang hồ để đe dọa người tố cáo. Trong khi đó, quy định của pháp luật về việc thực thi bảo vệ người tố cáo còn hạn chế như hiện nay thì chúng ta cũng cần phải có quy định cơ chế đặc thù đối với trường hợp tiếp nhận đơn tố cáo nặc danh, nhưng nội dung tố cáo đã cung cấp tài liệu, chứng cứ một cách rõ ràng và có căn cứ”, Đại biểu nói.
Đại biểu K’ Choi (Đắk Nông) cho rằng trong bối cảnh các biện pháp bảo vệ người tố cáo chưa thực sự hiệu quả thì cần có quy định quy trình riêng ngay trong dự luật này để xác minh xử lý đối với đơn tố cáo nặc danh có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng.
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ các trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng nếu có gửi kèm theo các chứng cứ có nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình thì cơ quan và người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.
ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu quan điểm không nên thụ lý giải quyết đối với đơn thư tố cáo nặc danh. Bởi nếu luật quy định giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét giải quyết. Mặt khác, xuất phát từ thực tiễn đó là tố cáo nặc danh thường được sử dụng để uy hiếp cá nhân, cơ quan, tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ cơ quan.
Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu ý kiến: “Tố cáo nặc danh thì có 2 trường hợp: Trường hợp thứ nhất là có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu khống thì trường hợp này sẽ không được xem xét. Có nội dung rõ ràng, cụ thể gửi kèm những bằng chứng thì trường hợp này sẽ xem xét xử lý để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu cho công tác quản lý và không xử lý theo quy trình của giải quyết tố cáo”.
Hải Ninh