Nhớ Anh Sáu Khải, một Thủ tướng tận tụy, hết lòng vì việc nước, việc dân

Google News

Tôi có vinh dự nhiều năm được sống và làm việc với anh Phan Văn Khải từ những ngày ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến những năm tháng công tác ở Văn phòng Chính phủ.

Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm có vài lời chia sẻ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:
 
Anh được Nhà nước cử đi đào tạo về kinh tế kế hoạch tại Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va (Liên Xô trước đây). Có thể nói, cả cuộc đời công tác của Anh luôn gắn bó với ngành kế hoạch. Sau khi tốt nghiệp về nước, Anh công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước những năm 60 của thế kỷ 20. Sau giải phóng miền nam (năm 1975), Anh trở về TP Hồ Chí Minh đảm nhận trách nhiệm, Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, sau đó trở thành Chủ tịch UBND thành phố. Năm 1989, Anh được Trung ương điều ra Hà Nội, trở lại với ngành kế hoạch, với trọng trách Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, trước khi Anh giữ chức vụ cao hơn: Thủ tướng Chính phủ, năm 1997.
Là người được đào tạo rất cơ bản về mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung và nhiều năm lăn lộn với mô hình này, song Anh cũng rất nhanh chóng tiếp thu, thích nghi ngay sự chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sau Đại hội VI của Đảng (năm 1986).
Với cương vị Phó Thủ tướng Thường trực phụ trách kinh tế, tiếp theo là Thủ tướng Chính phủ thời kỳ đổi mới, Anh là người có đóng góp lớn, cùng với tập thể Chính phủ, chèo lái vững vàng con thuyền kinh tế Việt Nam, vượt qua mọi sóng gió, không tạo ra “cú sốc lớn” trong quá trình chuyển đổi đầy khó khăn. Làm được điều này, Anh không chỉ phải vượt qua chính mình trong đấu tranh với tính bảo thủ, trì trệ, thói quen đường mòn, mà hơn thế nữa, đòi hỏi ở Anh sự vươn lên, để tiếp thu kiến thức mới về kinh tế thị trường. Nói đến điều này mới thấy hết nghị lực, tư duy đổi mới, cũng như tinh thần ham học hỏi trong con người Anh.
Trưởng thành từ Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp của Đảng và Nhà nước, phong cách làm việc của Anh rất khoa học, cụ thể với một tầm nhìn chiến lược.
Trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, Anh luôn chỉ đạo hình thành những chương trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa then chốt ở một số lĩnh vực, mà sự thành công của nó có tác động rất lớn đến nền kinh tế của đất nước. Trong đó, “Chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo” được Anh đặc biệt quan tâm. Anh thường tâm sự với cán bộ của mình: Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhân dân ta hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng, nay đã hòa bình, song dân mình còn rất nghèo và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong xây dựng kế hoạch, các đồng chí hết sức chú ý đề xuất những cơ chế, chính sách, để từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, đặc biệt đối với người có công, gia đình chính sách, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Khi triển khai, Anh cùng tập thể Chính phủ chỉ đạo quyết liệt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Đây cũng là mục tiêu thiên niên kỷ quan trọng do Liên hợp quốc đề ra. Với nỗ lực đó, Chương trình xóa đói, giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đó là một tấm gương cho nhiều nước học tập. Qua sự trăn trở và hành động cụ thể đó, càng cảm nhận sâu sắc sự “nặng lòng” với dân của Anh.
Trong đời sống hằng ngày, tôi nghĩ rằng, với bất kỳ ai, dù chưa quen biết hay đã từng một lần gặp Anh, đều cảm thấy ở Anh sự bình dị và chân thành. Tôi rất nhớ một cử chỉ nhỏ, khi gặp bạn bè, đặc biệt những đồng nghiệp ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ngoài cái bắt tay, nụ cười thân thiện, thay vì câu “Chào đồng chí” hoặc “Chào anh”, “Chào chị”,… Anh thường dùng từ thân tình: “Chào chiến hữu”. Điều đó nói lên cái tâm, cái tình của Anh đối với đồng chí, đồng đội.
Dù ở cương vị cao, Anh luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới đặc biệt là các nhà khoa học. Trong chỉ đạo, điều hành Chính phủ, trước những vấn đề lớn của đất nước, Anh đều tham khảo ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, bao gồm các chuyên gia của nhiều lĩnh vực.
Văn phòng Chính phủ thời Anh Võ Văn Kiệt là Thủ tướng, Anh Phan Văn Khải là Phó Thủ tướng Thường trực, cả hai Anh đều có tên thân thương theo cách gọi Nam Bộ là “Anh Sáu”. Để dễ phân biệt giữa hai Anh, chúng tôi thường gọi Anh Kiệt là “Anh Sáu lớn”, Anh Khải là ”Anh Sáu nhỏ”. Cách xưng hô này cũng thể hiện tình cảm ấm áp của anh em trong cơ quan dành cho Anh. Với những cống hiến, cũng như những đức tính quý báu Anh có, Anh thật sự là một lãnh đạo có sức lan tỏa và luôn nhận được tình cảm, niềm tin của tập thể và bạn bè.
Trong giờ phút này, viết lại những kỷ niệm về Anh, như một nén hương tưởng nhớ về một người Anh, một Thủ tướng tận tụy, hết lòng vì việc nước, việc dân.
Theo nguyên Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Kham/Nhân Dân