Nhờ nâng điểm cho con, vợ bị kiểm điểm, ông Triệu Tài Vinh vô can?

Google News

(Kiến Thức) - Con được nâng điểm thi, em gái bị kỷ luật khiển trách, vợ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm vì để em chồng tác động cho con được nâng điểm thi", vậy, ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương liệu có vô can?

Mới đây được Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành kết luận công bố về danh sách cán bộ, đảng viên địa phương này chịu kỷ luật vì có liên quan đến gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Theo đó, bà Triệu Thị Giang, em gái của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, bị khiển trách vì nhờ người khác tác động cho cháu ruột của mình được nâng điểm, bà Phạm Thị Hà vợ ông Triệu Tài Vinh bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm do đã để "em chồng tác động cho con được nâng điểm thi".
Dư luận đặt câu hỏi, vậy, ông Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương liệu có vô can?
Nho nang diem cho con, vo bi kiem diem, ong Trieu Tai Vinh vo can?
 Ông Triệu Tài Vinh.
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng, ông Triệu Tài Vinh không thể vô can trong việc con ông được can thiệp, nâng điểm thi.
“Ông Triệu Tài Vinh là bố đẻ thí sinh được can thiệp, nâng điểm thi. Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thì em gái ông Vinh là người tác động trực tiếp nhờ can thiệp điểm thi cho con ông Vinh. Theo đó, nếu em gái ông Vinh không dựa vào uy thế của anh trai làm Bí thư Tỉnh ủy thì làm sao có thể tác động vào người khác. Mà cũng không phải ngẫu nhiên, tự nhiên, em gái ông Vinh lại làm việc đó. Hơn nữa, việc này, vợ ông Vinh cũng biết và khó có thể vợ ông Vinh lại không nói với ông ấy”, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nói rằng, bản thân ông rất lấy làm tiếc bởi ông Triệu Tài Vinh là cán bộ giỏi, một lãnh đạo từng đứng đầu tỉnh mà chỉ vì lo cho con cái để xảy ra sự việc như vậy. Tiếc hơn nữa là nhà ông Vinh làm được thì người khác cũng làm theo, kéo theo dây chuyền.
“Ông Triệu Tài Vinh phải có trách nhiệm liên đới trong việc con được nâng điểm thi. Nhiều cán bộ khác cũng bị kiểm điểm phê bình, khiển trách...Tuy nhiên, công an chưa làm rõ chủ mưu những sự việc đó là ai, như thế nào? Bởi nếu tìm ra kẻ chủ mưu thi hành kỷ luật nặng kẻ chủ mưu đó là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng cũng có những người bị tác động bởi vấn đề nọ, kia mà sai phạm hoặc liên đới nhưng phải chịu trách nhiệm. Đến nay, vẫn còn sự chưa rõ ràng, thi hành kỷ luật hàng loạt với mức độ chưa tương xứng với hành vi. Trong khi đó, vụ việc này gây ảnh hưởng, tác động đến vấn đề nêu gương của cán bộ, công chức với nhân dân, làm mất uy tín cán bộ. Mà với nhân dân, uy tín cán bộ là rất quan trọng”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Hòa, theo đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cán bộ ngoài tỉnh cũng đề xuất do Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý. Tất nhiên, mức độ vi phạm thế nào sẽ do Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định nhưng ông Triệu Tài Vinh cũng phải bị liên đới, chịu trách nhiệm.
Liên quan sự việc trên, chiều ngày 2/10, nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, khi nhận được báo cáo đầy đủ của Hà Giang sẽ xem xét, tổ chức kiểm điểm. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang, cho biết có 12 trường hợp là đảng viên không thuộc đảng bộ tỉnh, sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về nguyên tắc thì ai có hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Trách nhiệm pháp luật là trách nhiệm cá nhân đối với trực tiếp người có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, dưới góc độ kỷ luật đảng thì cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, phải đi đầu, tiên phong trong việc chấp hành pháp luật. Đảng viên có trách nhiệm vận động gia đình, người thân chấp hành pháp luật và thực hiện việc nêu gương cho người khác học tập. Đảng viên phải tuân thủ các quy định về những điều đảng viên không được làm và phát huy vai trò tiên phong nơi công tác và nơi sinh sống. Nếu cán bộ, đảng viên không gương mẫu, để cho vợ con vi phạm thì cũng có thể xem xét trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đó. Việc xem xét như thế nào, trách nhiệm đến đâu thì sẽ căn cứ vào vi phạm cụ thể của người thân trong gia đình cán bộ đảng viên và mức độ tác động của người này đối với người thân như thế nào, đối chiếu với các quy định của đảng theo điều lệ đảng và quy định về xử lý kỷ luật đảng viên”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo Quy định 8 của Trung ương ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương, cụ thể tại điểm 8, điều 3 nêu rõ, đảng viên, nhất là lãnh đạo cấp cao phải nghiêm khắc với bản thân, và kiên quyết chống viên “Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi…”. Chiếu theo quy định này thì nhiều trường hợp bố mẹ là đảng viên sẽ bị kiểm điểm xử lý kỷ luật.
Hải Ninh