Nhóm y, bác sĩ Bắc Giang cạo đầu để tiện chống dịch

Google News

Để tóc dài vướng víu, nóng bức, các nam nhân viên tại Trung tâm Y tế huyện Lục Nam quyết định cùng cạo bớt cho gọn, thuận tiện khi làm việc.

Nguyễn Tiến Mạnh, một trong các nhân viên công tác tại Trung tâm Y tế huyện Lục Nam (Bắc Giang), cho biết anh và đồng nghiệp không mất nhiều thời gian để quyết định "xuống tóc" để tiện chống dịch.
"Thời gian này, chúng tôi phải mặc quần áo bảo hộ khi làm việc. Sợi tóc quá dài không chỉ nóng bức mà còn gây khó khăn khi mặc đồ hoặc nếu che phủ không kín có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn", anh Mạnh nói với Zing.
Từ 21 đến 23/5, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam được sửa sang, chuẩn bị cho việc trưng dụng thành bệnh viện dã chiến, điều trị cho hơn 200 bệnh nhân Covid-19. Trước khi tiếp nhận bệnh nhân vào 24/5, mọi người ở đây đều không ai bảo ai, ngầm hiểu rằng mình cần chuẩn bị mọi thứ thật gọn gàng, cẩn thận, từ thứ nhỏ như mái tóc.
Nhom y, bac si Bac Giang cao dau de tien chong dich
 Các nhân viên tại Trung tâm Y tế huyện Lục Nam cùng quyết định "xuống tóc".
Sau vài đường tông đơ gọn gẽ, hơn 10 mái đầu nhanh chóng có chung kiểu tóc. Không chỉ nam giới, các nữ nhân viên y tế cũng quyết định cắt ngắn bớt mái tóc dài để tiện cho việc công tác.
Hàng ngày, anh Mạnh và đồng nghiệp thay phiên nhau thực hiện việc theo dõi, chữa trị bệnh nhân cũng như hỗ trợ họ các nhu cầu cần thiết. Mỗi ca kíp kéo dài khoảng 4 tiếng, sau khi đổi ca, mỗi người được nghỉ ngơi, tranh thủ ăn uống, vệ sinh một chút rồi quay lại làm việc.
Cứ luân phiên như vậy, các y bác sĩ làm việc khoảng 12 tiếng ngày. Công việc lặp đi lặp lại, có lúc, mọi người còn chẳng nhớ nổi hôm đó là thứ mấy.
Ngoài nóng bức, mất nước, việc mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và kính chắn giọt bắn kín mít còn gây nhiều khó khăn, bất tiện cho các y, bác sĩ khi làm việc.
Nhom y, bac si Bac Giang cao dau de tien chong dich-Hinh-2
Anh Mạnh cùng nhiều đồng nghiệp, cả nam và nữ, cắt tóc để tiện khi làm việc. 
Nhom y, bac si Bac Giang cao dau de tien chong dich-Hinh-3
 
 
"Vì đeo khẩu trang, chúng tôi phải nói lớn hơn bình thường để bệnh nhân có thể nghe được. Ở đây có loa nhưng không nhiều, chúng tôi cũng không thể lúc nào cũng kè kè đem theo người. Nhiều anh chị em vì nói to liên tục đã khản tiếng, mất giọng".
Từ khi trở thành nhân viên y tế tuyến đầu, anh Mạnh ăn ở luôn tại bệnh viện, xa gia đình. Vợ anh cũng làm việc trong ngành y, thời gian này, chị bận bịu không kém song vì không trực tiếp điều trị bệnh nhân, tối đến vẫn có thể về chăm sóc cậu con trai hơn 3 tuổi.
"Bình thường tôi và con hay chơi đùa, trò chuyện nên thời gian này cháu rất nhớ tôi. Có hôm 1h sáng, thằng bé không ngủ được, vừa gọi điện thoại cho tôi vừa khóc".
Ngay trước khi trực chiến ở bệnh viện dã chiến, anh Mạnh mới hoàn thành quãng thời gian cách ly do liên quan ca nhiễm. Vừa về bên gia đình được 2 ngày, anh đã lại lên đường.
"Nhớ, thương con nhưng tôi cũng chẳng thể làm gì. Bây giờ, chúng tôi chỉ biết cố gắng vì mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh để không chỉ các nhân viên y tế mà mọi người dân đều được trở lại cuộc sống bình thường".
Theo Mai An/Zing