Những cán bộ nào đã mua bằng giả của Đại học Đông Đô?

Google News

Trong số cán bộ bỏ tiền mua bằng giả của Trường ĐH Đông Đô, hai người bị miễn nhiệm chức vụ, nhiều người khác bị cảnh cáo hoặc thu hồi bằng thạc sĩ.

Ngày 23-12, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô. Trước khi thẩm vấn, HĐXX đồng thời hỏi các bị cáo về việc tại cơ quan điều tra có bị bức cung, nhục hình không, có ai kêu oan hoặc khiếu nại gì về nội dung bản cáo trạng không? Cả 10 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô đều không có ý kiến gì.

“Ký và đóng dấu vì sợ bị đuổi việc”

Trước bục khai báo, phần lớn các bị cáo đều khẳng định làm theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng (chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô, đang bỏ trốn) trong việc tuyển sinh và cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả. 

Nhung can bo nao da mua bang gia cua Dai hoc Dong Do?

Các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô tại tòa. Ảnh: TP

Bị cáo buộc ký 429 văn bằng giả cho các học viên, bị cáo Dương Văn Hòa (cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô) thừa nhận hành vi phạm tội. Dù vậy, bị cáo này nhiều lần cho rằng không được hưởng lợi gì, chỉ làm theo trách nhiệm của chức vụ hiệu trưởng mà mình đang giữ, nếu không làm sẽ bị đuổi việc. “Khi bị cáo lo lắng và hỏi thì được ông Hùng trấn an rằng yên tâm đi, không sai phạm lắm đâu” - lời ông Hòa.

Vẫn theo cựu hiệu trưởng, HĐQT Trường ĐH Đông Đô gồm bảy thành viên, trong đó Trần Khắc Hùng là chủ tịch HĐQT. Về bản chất, trường là sở hữu của Hùng, các ban bệ được lập ra chỉ cho đầy đủ (về mặt thủ tục - PV) mà thôi.

Tiếp tục khai, ông Hòa cho hay chủ trương đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh có từ cuối năm 2017, do Trần Khắc Hùng quyết định. Việc đào tạo này không hợp pháp, không đúng quy trình đào tạo và chưa được Bộ GD&ĐT đồng ý cấp phép. Theo phân công, ông Hòa có nhiệm vụ ký, đóng dấu vào văn bằng giả, các bị cáo khác chịu trách nhiệm hợp thức hóa và phát hành bằng.

Trên lý thuyết, học viên sẽ phải tham gia đủ 71 tín chỉ, thi tốt nghiệp để được cấp bằng. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận hồ sơ học viên, Trường ĐH Đông Đô không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo tín chỉ mà hướng dẫn học viên hợp thức hóa các bài thi bằng hình thức phát đề và đáp án cho học viên chép lại. Cá biệt có trường hợp còn không cần hợp thức hóa bài thi nhưng vẫn được cấp bằng.

Giống Dương Văn Hòa, bị cáo Trần Kim Oanh (cựu hiệu phó kiêm viện phó Viện đào tạo liên tục Trường ĐH Đông Đô) cho biết mọi việc đều làm theo chỉ đạo của Trần Khắc Hùng. Hùng là người quyết định chủ trương cấp bằng giả. Việc này không thông qua HĐQT mà triển khai tại các cuộc họp của ban giám hiệu và các phòng ban nhà trường.

“Khi bị cáo hỏi, ông Hùng có nói đã tìm hiểu và tham khảo ý kiến của luật sư, nếu có thì chỉ vi phạm hành chính thôi, lãnh đạo chịu trách nhiệm, cán bộ, nhân viên không sao” - nữ bị cáo khai.

Bị miễn nhiệm chức vụ vì xài bằng giả

Từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019, Trường ĐH Đông Đô cấp 431 văn bằng, giấy chứng nhận giả cho học viên, qua đó thu lợi bất chính hơn 7,1 tỉ đồng. Trong số này, cơ quan điều tra làm rõ được danh tính 210 trường hợp, số còn lại hiện chưa rõ nơi cư trú, đơn vị công tác.

Theo cơ quan tố tụng, phần lớn các học viên hệ văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô là những người có nhu cầu lấy bằng nhanh để hoàn thiện đầu vào, đầu ra nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi công chức, thi nâng ngạch.

Thực tế, họ phải bỏ ra 29-35 triệu đồng để có thể mua một bằng giả. 76 người trong số này đã sử dụng bằng giả vào mục đích cá nhân, gồm 67 người làm nghiên cứu sinh, hai người học thạc sĩ, bốn người kê khai hồ sơ công chức, viên chức, một người thi tuyển công chức, một người thi nâng ngạch công chức và một người thi thăng hạng viên chức.

Cùng với việc điều tra trách nhiệm của dàn lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô, cơ quan công an cũng có văn bản kiến nghị xử lý đối với số công chức, đảng viên dùng bằng giả nói trên.

Đến nay, hai trường hợp đã bị miễn nhiệm chức vụ; 14 trường hợp bị cảnh cáo, khiển trách, kiểm điểm; sáu trường hợp tự kiểm điểm và nhận lỗi; 43 trường hợp đang xem xét kiểm điểm trách nhiệm, chưa có thông báo kết quả xử lý...

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh cũng hủy kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu sinh đối với 31 trường hợp, 24 trường hợp khác thì tự nghỉ học và xin rút hồ sơ.

Riêng hai trường hợp dùng bằng giả để học thạc sĩ, một người xin rút hồ sơ học nên bị kiểm điểm, không xem xét thi đua năm 2020-2021; người còn lại bị thu hồi bằng thạc sĩ và kỷ luật cảnh cáo…

Đại diện Bộ GD&ĐT được triệu tập nhưng không đến tòa

Để phục vụ việc xét xử, tòa triệu tập đại diện Bộ GD&ĐT, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), đại diện Trường ĐH Đông Đô và hơn 200 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (chủ yếu là các học viên được cấp bằng giả)…

Tuy nhiên, theo thông báo, phần lớn những người được triệu tập đều không đến tòa. Trong đó, đại diện Bộ GD&ĐT có đơn xin xét xử vắng mặt.

Cáo trạng của VKS nêu rõ Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý việc thực hiện quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo; chưa chỉ đạo kịp thời công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với Trường ĐH Đông Đô theo đúng quy định.

Đặc biệt, dù Trường ĐH Đông Đô chưa làm thủ tục đề nghị cho phép tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015 đến 2017, Vụ Kế hoạch - Tài chính đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh cho trường này.

Theo TUYẾN PHAN/PLO