|
Các chính sách mới sẽ hỗ trợ người dân khám, chữa bệnh, đăng ký thuận tiện hơn. Ảnh: BYT.
|
Những chính sách này sẽ giúp ích khá nhiều cho người dân trong quá trình đăng ký BHYT cũng như thăm, khám tại các cơ sở y tế
Thực hiện song song 2 hình thức giám định BHYT
Quy trình giám định BHYT sẽ được thực hiện theo quy định mới tại Quyết định số 3618/QĐ-BHXH của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam.
Theo đó, 2 hình thức giám định được thực hiện song song bao gồm:
Giám định chủ động: Giám định do cơ quan BHXH trực tiếp thực hiện
Giám định tự động: Hình thức giám định sử dụng phần mềm kiểm tra thông tin trong dữ liệu điện tử
Ngoài ra, quy trình giám định mới cũng hướng dẫn chi tiết các nghiệp vụ giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo 3 hình thức: Giám định trên dữ liệu; giám định trên hồ sơ, tài liệu và giám định thanh toán trực tiếp.
Có thể đăng ký mua thẻ BHYT tại nhà thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Theo Quyết định số 3510/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, trường hợp chỉ đăng ký tham gia BHYT (bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình) có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Vì vậy, từ ngày 1/1/2023, người dân có thể chỉ ở tại nhà để đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia thay vì đến trực tiếp cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, Điều 2 Quyết 3510/QĐ-BHXH quy định tính năng này chỉ áp dụng cho:
Người tham gia BHYT thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT;
Người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình;
Người tham gia BHYT hộ gia đình.
Sửa hướng dẫn về đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình
Điều 37 Luật Cư trú 2020 đã sửa đổi thuật ngữ về hộ gia đình tham gia BHYT tại Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung 2014, với định nghĩa như sau: "Hộ gia đình tham gia BHYT (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú".
|
Quy định về đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thay đổi. Ảnh minh họa: Quốc Toàn.
|
Để đảm bảo tính thống nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình, bao gồm:
Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký thường trú;
Những người có tên trong cùng một hộ gia đình đăng ký tạm trú;
Những người có chức sắc, chức việc, nhà tu hành;
Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.
Nhận thẻ BHYT hộ người thân không cần mang theo sổ hộ khẩu
Khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020 quy định: Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú đã được cấp chỉ có thể sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày ngày 1/1/2023 trở đi, 2 loại sổ này không còn giá trị sử dụng.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP điều chỉnh một số thủ tục liên quan đến BHYT sau khi bỏ sổ hộ khẩu.
Cụ thể, tại mục 4, phần hướng dẫn của Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Nghị định 104 đã bỏ cụm từ “bản sao sổ hộ khẩu” trong số các giấy tờ người đi nhận kết quả thay phải xuất trình nhằm chứng minh quan hệ là nhân thân hoặc giám hộ đối với người được cấp thẻ BHYT.
Như vậy, trường hợp người thân hoặc người giám hộ đi nhận kết quả thay phải xuất trình Giấy hẹn; Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân…
Theo Quốc Toàn/Zing