Những cơ cực trong tiếng rao “ai đồng nát sắt vụn“

Google News

Không ít người nghĩ, nghề thu mua đồng nát chỉ cần chịu khó nhặt nhạnh là có thể kiếm được tiền.

Người thu mua đồng nát đủ mọi lứa tuổi, họ đến từ các vùng quê nghèo, “trang thiết bị” hành nghề của họ chỉ lèo tèo vài ba thứ: Chiếc xe đạp cà tàng, đôi quang gánh cũ kỹ, chiếc cân móc nhỏ, vài vỏ bao bì đựng phế liệu...
Một ngày, chúng tôi theo chân bà Đỗ Thị Dung (45 tuổi, Xuân Trường, Nam Định) đi “buôn đồng nát”. Có đi mới biết, hành trình mưu sinh của người phụ nữ này ẩn chứa không ít buồn tủi, cay đắng. Theo như bà chia sẻ: "Đây là nghề long đong, lận đận như chính cái tên đồng nát vậy".
Bà Dung kể, mỗi ngày, từ sáng sớm đến khi trời nhá nhem, bà len lỏi vào từng ngõ hẻm để thu mua đủ thứ “thượng vàng hạ cám”: Sách cũ, bìa các tông, đồng nhôm, sắt vụn,… Cứ đến đầu ngõ, bà lại cất tiếng rao: "Ai đồng chì, nhôm bẹp, dép rách, xoong nồi, lông ngan, lông vịt bán đi”. Dường như tiếng rao ấy đã trở thành "thương hiệu", không lẫn với nghề khác được.
Nhung co cuc trong tieng rao “ai dong nat sat vun“
Bà Dung đi vào từng con ngõ nhỏ để thu mua đồng nát. 
Để kiếm được đồng tiền, người thu mua đồng nát cũng phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Hàng ngày họ rao liên tục đôi khi mất cả giọng, khản cả tiếng cũng chẳng được xe hàng nào. Không những thế, trời nắng nóng thậm chí lên đến 38-40 độ C họ vẫn lao ra đường để kiếm miếng cơm ăn hàng ngày.
“Tôi đi thu mua đồng nát từ sáng đến tối mịt mới về nhà. Buổi trưa chỉ dám nghỉ chân một lát, uống ngụm nước hoặc ăn chiếc bánh mang từ nhà đi. Có những hôm trời nắng, mua được khoảng 60-70kg đồng nát, tôi không thể nào mang chúng về được vì đói, không còn đủ sức đạp xe", bà Dung chia sẻ.
Nhiều năm trong nghề, bà Dung cũng như bao “đồng nghiệp” của mình bắt gặp không ít ánh mắt dò xét, khinh thường của người khác.
Theo lời bà Dung, có hôm cũng buồn lòng vì bị người ta hắt hủi: "Họ chửi: "Cái bọn đồng nát này là không thật thà gì hết, hở cái gì là chúng nó chôm luôn. Nếu mà thấy bọn này là “tống cổ” đi". Nghe cũng tủi lắm nhưng cốt là mình sống ngay thẳng, không làm việc xấu. Họ nói là việc của họ, chúng tôi bảo nhau không để bụng, việc mình làm thì cứ làm”.
Cũng theo bà Dung, có lần đến hỏi mua đồng nát bị những người khó tính xua đuổi, nhìn bằng ánh mắt dò xét, khi đó bà thấy sao cuộc đời lại cùng cực đến vậy. Cũng theo bà Dung, không ít người trụ lại được với công việc hiện tại, có người buộc phải đổi nghề.
Nhung co cuc trong tieng rao “ai dong nat sat vun“-Hinh-2
Người mẹ nghèo không ngại khó khăn, vất vả miễn sao con mình được đến trường. 
Nói về cực nhọc của nghề buôn đồng nát, cô Đặng Thị Lợi (35 tuổi, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Nghề đồng nát cũng có tính “thời vụ”. Thường thì vào những ngày nghỉ cuối tuần thu nhập của người buôn đồng nát sẽ cao hơn. Hôm nào đi gặp may thì mua được xe hàng đầy, có những hôm chẳng mua được gì.
Tôi nhớ, có lần đạp xe lòng vòng quanh khu Nhổn, cầu Diễn mua được nhiều hàng nhưng toàn bìa các tông. Khi về gặp trời mưa rào, lấy áo mưa ra để che số bìa các tông ấy nhưng không kịp, nó ướt hết. Sau đó, tôi ngậm ngùi mang về phơi, có hôm phải vứt đi, có hôm may gặp nắng, bìa nhanh khô vẫn bán được tiền".
Chưa dừng lại ở vất vả đó, chị Đỗ Hạnh (Thái Bình) kể: “Trưa hè nắng nóng, tôi và con gái len lỏi trong các con phố để nhặt nhạnh mưu sinh, nhìn con gái nhễ nhại mồ hôi, tôi đau đớn lắm. Dù thế, nghĩ cảnh nhà nghèo, tôi đành bấm bụng chấp nhận. Bởi tôi biết rằng nếu thu mua được tối đó về mẹ con tôi sẽ có thịt, cá để ăn”.
Ước mơ giản dị của mẹ con chị Đỗ Hạnh chỉ có cơm, có thịt cá ăn qua bữa, còn đối với những bà thu mua đồng nát khác, họ cũng có nhiều ước mơ khác nhau. Dù vất vả nhưng họ vẫn hàng ngày cố gắng ngồi trên chiếc xe đạp cà tàng, nuôi ước mơ về một cuộc sống sung túc bên mái ấm gia đình.
Theo M.Thu - Thanh Lam/Người Đưa Tin