Từ sự tò mò về “thiên táng” ở Tây Tạng
Năm 2011, có một bộ phim tài liệu ngắn tên “Kền kền ở Tây Tạng” (Vultures of Tibet) của đạo diễn Hoa Kỳ Russell O Bush đã hé lộ một khe cửa nhỏ nhìn vào những căng thẳng văn hóa ở Tây Tạng. Lấy bối cảnh tại một thị trấn có lịch sử Phật giáo tên Taktsang Lhamo, nơi có 2 tu viện lâu đời, bộ phim phản ánh một nghi thức “chôn cất” kỳ lạ được gọi là “thiên táng”, trong đó thi thể của những người đã qua đời ở Tây Tạng được mang cho kền kền trắng hoang dã ăn.
Các Lạt ma cầu nguyện cho thi thể suốt 24 giờ, rồi người nhà sẽ mang xác người quá cố đến một bãi đất trống. Tại đó, các “rogyapa” (người xử lý xác) sẽ đốt cây bách xù tạo mùi để hút đàn kền kền đến làm công việc của chúng.
|
Cảnh tượng chen chúc ở chùa Tam Chúc.
|
Đối với cộng đồng Phật giáo Tây Tạng của thị trấn, đây là một phương tiện thiêng liêng nhằm giúp linh hồn người chết được siêu thoát và chuyển sang kiếp sau. Những con kền kền được cho là vật chuyên chở, với tư cách là một sinh vật có trí tuệ của các vị thần. Sau khi kền kền chỉ còn để lại xương, phần còn lại này sẽ được đập vụn, trộn với mạch nha để làm thức ăn cho quạ và diều hâu, để người chết có thể hoàn toàn về trời. Nghi thức này đã tồn tại hơn 200 năm và được người Tây Tạng coi là một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh của mình.
Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, truyền thống này tương đối kỳ lạ, thậm chí là khó chấp nhận và “man rợ”, một cụm từ được sử dụng không ít lần bởi những du khách tứ xứ trong phần mô tả trên các diễn đàn du lịch Tây Tạng. Nhưng, trong phim, khi nghi thức này diễn ra, có một đám đông khách du lịch thậm chí đã quây kín quanh khu vực tang lễ với máy ảnh và máy quay, chỉ để ghi lại cảnh tượng “thiên táng”, với sự tò mò thuần túy.
“Tại sao họ lại tập trung đông đến thế quanh đây?” - quay phim hỏi một nhà sư trong thị trấn. Đáp: “Họ trả tiền để có người đưa đến đây xem đấy. Có hẳn có một địa điểm được đánh dấu là chỗ “thiên táng” trên bản đồ, làm cho nó nổi tiếng và người ta cứ thế đổ về đây ùn ùn. Có những người làm tiền bằng mọi cách”. Các nhà sư và những người tiến hành tang lễ mất rất nhiều công để xua đám đông lùi ra xa, khi những miếng vải trắng chứa thi thể được cởi bỏ và xác người quá cố lộ ra. Họ gần như phải dùng vũ lực với những kẻ hiếu kỳ.
Bộ phim ngoài việc phản ánh yếu tố tâm linh đằng sau nghi thức này, còn phơi bày một thực trạng như thế: rất nhiều những hình ảnh đau lòng về các thi thể của người quá cố đã bị du khách chụp lại và lan truyền trên internet, với tư cách một trải nghiệm du lịch. Nghi thức nghiêm túc này, trong cảm giác của người địa phương, đã bị xúc phạm.
Không gian riêng tư cho những nghi thức tôn nghiêm kiểu vậy rất khó để giữ ở một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như Tây Tạng. Tháng 10 năm ngoái, bất chấp dịch COVID-19, nơi đây đã đón tới 2 triệu du khách từ khắp nơi (chủ yếu là từ Trung Quốc) và không phải ai cũng nhìn nhận “thiên táng” dưới con mắt tâm linh. Họ đơn giản chỉ đang đi du lịch, muốn đến nhìn tận mắt và ghi lại một nghi lễ kỳ lạ. Đấy có lẽ cũng là điều khó khăn ở mọi địa điểm du lịch tâm linh đã nổi tiếng: bất kỳ người Việt nào xem lại cảnh 5 vạn người chen lấn ở chùa Tam Chúc vừa qua có lẽ cũng cảm thấy rằng không gian tâm linh nghiêm túc của mình đang bị xâm phạm. Những cảnh tượng chen chúc, thậm chí giẫm đạp dường như đã làm thô tục hóa các nghi lễ. Và trong vai một người khách “du lịch tâm linh”, không phải ai cũng có đủ hiểu biết về nghi lễ để có thể tôn trọng không gian thực hành chúng.
Du lịch hay tâm linh?
Tín ngưỡng sinh ra từ niềm tin, và niềm tin được củng cố bởi các nghi thức. Những người Tây Tạng ở Taktsang Lhamo đã lớn lên với nghi thức “thiên táng”, sống trong bầu không khí tôn trọng điều đó và cả những quan niệm phù hợp (ví dụ như coi kền kền là sinh vật linh thiêng) với niềm tin ấy.
Bất chấp người ngoài nhìn vào có thể thấy nghi lễ ấy kỳ quặc, thậm chí vô nghĩa thì đó cũng là ranh giới họ đòi hỏi các du khách phải tôn trọng tuyệt đối. Du lịch tâm linh, ngoài việc đi thăm thú và tìm hiểu, cũng có nghĩa là hãy cẩn thận với niềm tin, cũng như nghi lễ của người khác. Bạn đến đây với tư cách một khách du lịch nhưng có những người coi nghi thức mà bạn không hiểu nổi ấy giống như một lẽ sống hiển nhiên.
Khi tôi đến thăm Tòa thánh Tây Ninh, được coi như trung tâm hành lễ của đạo Cao Đài, các tín đồ ở đây rất chú ý về nghi thức và cố gắng đảm bảo rằng các du khách cũng phải tôn trọng khi tham quan. Bạn phải bỏ giày nếu muốn đi vào chính điện, chỉ được đi ở dọc hai bên hành lang và không được gây tiếng ồn. Có các tín đồ đứng ở hai bên để đảm bảo rằng nếu vi phạm, bạn sẽ bị mời ra ngoài.
Khi đến Côn Đảo, bạn có thể thấy sự hiện diện của anh hùng Võ Thị Sáu ở khắp nơi: trên một chiếc taxi đón bạn ở sân bay, trong một cửa hiệu nhỏ bất kỳ nào, thậm chí ở cả ban thờ khách sạn. Khi vào viếng mộ anh hùng Võ Thị Sáu, bạn phải mặc trang phục chỉnh tề, để đảm bảo sự nghiêm túc. Người đến đây thắp hương thường rất đông nhưng quanh mộ chị Sáu, ai cũng phải chờ đến lượt và không gây ồn ào.
Tất cả những giới hạn này đặt ra để duy trì một không gian đủ sự tôn trọng với các nghi lễ, thứ sẽ củng cố thêm đức tin. Khi một địa điểm du lịch tâm linh không làm tốt điều này, đơn giản là nó đã không đặt ra các giới hạn để giữ lấy bầu không khí của tín ngưỡng. Và đấy đơn giản là bài toán lựa chọn: chúng ta sẽ chọn bán được ít vé hơn, hay là nhiều người vào nhưng không gian dành cho niềm tin sẽ bị phá vỡ ít nhiều?
|
Kền kền là loài vật trung tâm trong tục “thiên táng” của người Tây Tạng. Nguồn ảnh: Getty.
|
Nhìn những cảnh tượng chen chúc như ong vỡ tổ ở các đền chùa, bạn có thể sẽ cảm thán về cái gọi là “mạt pháp”, khi người ta đã hiểu sai ý nghĩa của tín ngưỡng và phá vỡ không gian nghiêm túc cần thiết để thực hành tín ngưỡng.
Nhưng, nếu coi việc đặt ra những giới hạn nghiêm túc cho du khách là điều cần có ở các điểm du lịch tâm linh thì những ai đã lỡ hòa vào biển người chỉ để cho “có không khí” có thể cũng chẳng đáng trách đến vậy. Họ đến với tư cách một khách du lịch thuần túy, khi không ai trong số những người tổ chức ở đây nghĩ rằng mình cần phải đặt ra những giới hạn cho người viếng thăm. Cũng có thể là bây giờ, các nghi thức không hẳn được coi trọng như chúng ta nghĩ nó phải thế. Hoặc có thể là thế giới đã thay đổi và mọi nghi thức có thể được tiến hành online mà vẫn tạo ra đủ niềm tin: từ 3 năm trước, có một website “Đi chùa online” với đầy đủ các bước đã được thành lập. Trong bối cảnh dịch COVID-19 thì Giáo hội Phật giáo thậm chí đã tính đến hình thức nhận tiền cúng dường online, thông qua ví điện tử MoMo.
Tất nhiên là sự thuận tiện này có thể được đánh giá cao trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và lời giải thích rằng chỉ cần tâm chúng ta hướng Phật là được. Không nhất thiết cứ phải đầy đủ các nghi lễ trong thời buổi rủi ro lan truyền dịch bệnh đầy rẫy. Nhưng, mối băn khoăn thì vẫn nằm ở đó: đa số chúng ta chỉ là con người, tức là luôn cần thực hành các nghi thức, trong một không gian đủ sự tôn trọng các nghi thức ấy, để củng cố đức tin của chính mình.
Ngành du lịch tâm linh có thể tự chất vấn mình thêm về câu hỏi này. Chúng ta cần sự tăng trưởng và thêm nhiều du khách hơn nhưng chúng ta cũng cần các quy tắc và giới hạn, để không vô tình làm tổn thương niềm tin của bất kỳ ai. Có thể chỉ thông qua một cảnh tượng từ ống kính báo chí và truyền hình.
Theo Ban Cầm/CAND