Những dự án lùm xùm của Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam 2018

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài những dự án đã làm được góp phần phát triển giao thông, kinh tế, xã hội, Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam 2018 đã để lại những lùm xùm "chấn động" dư luận trong năm 2018.

Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) được Bộ GTVT thành lập vào tháng 12/2004. Trong nhiều năm qua và riêng năm 2018, VEC đã thực hiện nhiều dự án. Tuy nhiên, ngoài những dự án đã làm được góp phần phát triển giao thông, kinh tế, xã hội, VEC đã để lại những “lùm xùm” chấn động dư luận.
1. Cao tốc hơn 34.000 tỷ vừa thông xe đã hư hỏng
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng (1,65 tỷ USD), vừa mới thông xe đã xuất hiện chi chít ổ gà, ổ trâu. Nhiều người liên tưởng và ví nó như một tấm áo tỷ đô nhưng rách tươm và không khỏi xót xa cho đồng tiền bỏ ra không xứng đáng với công trình nhận được.
Nhung du an lum xum cua Tong cong ty Duong cao toc Viet Nam 2018
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã xuống cấp. Ảnh Zing.vn. 
Khi đó, nực cười hơn nữa khi lý giải về nguyên nhân, một đại diện của VEC lại nói rằng tuyến đường này hỏng do… thời tiết.
Rất nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo VEC, Bộ GTVT về sự hư hỏng trên tuyến cao tốc này.
Cũng liên quan đến sự việc trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có 2 lần gửi công văn phê bình lãnh đạo của VEC. Cho đến nay, tuyến cao tốc “tai tiếng” này vẫn khiến dư luận hoài nghi về chất lượng công trình.
2. Xe quá khổ, quá tải vô tư "quần thảo" cao tốc Hà Nội - Lào Cai
Theo báo Tuổi trẻ Thủ đô, cao tốc Hà Nội – Lào Cai có chiều dài 265 km, tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD tương đương với trên 37 nghìn tỷ đồng. Dọc tuyến cao tốc này được lắp đặt 13 trạm thu phí. Đơn vị quản lý khai thác tuyến đường là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Nhung du an lum xum cua Tong cong ty Duong cao toc Viet Nam 2018-Hinh-2
 Cao tốc Hà Nội - Lào Cai xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Ảnh Tuổi trẻ Thủ đô.
Tuy mới vận hành được 4 năm nhưng tới nay, theo phản ánh của người dân và những tài xế thường xuyên qua lại cao tốc Hà Nội – Lào Cai, mặt đường đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ trâu rất nguy hiểm.
Cũng theo phản ánh, nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp này là do ngày đêm những chiếc xe tải hạng nặng, xe container siêu trường, siêu trọng ào ào vượt trạm cân trọng tải mà không vấp phải bất cứ sự ngăn cản nào của nhân viên trạm cân hay lực lượng chức năng.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao cơ quan chức năng đã bỏ mặc cho xe quá khổ, quá tải "quần thảo", cày nát tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai?
3. Mất gần 140.000 thẻ thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Theo kết quả rà soát, từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2015, tổng số lượng thẻ định danh phát ra là 3.451.787 thẻ (phát ra từ 11 trạm thu phí trên toàn tuyến), số lượng thẻ định danh không thu hồi được là 137.221 thẻ, chiếm 3,97% số lượng thẻ phát ra.
Giải thích cho sự việc này, VEC đưa ra nguyên nhân là do tuyến đường tồn tại các điểm mở chưa đóng khi khai thác đường cao tốc.
Nhung du an lum xum cua Tong cong ty Duong cao toc Viet Nam 2018-Hinh-3
Mất gần 140.000 thẻ thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ai chịu trách nhiệm? Ảnh Zing.vn.
Mặc dù việc mất hàng tram nghìn thẻ được đánh giá là rất nghiêm trọng nhưng đến nay VEC vẫn loạy hoay trong việc truy trách nhiệm và đưa ra giải pháp. Một lần nữa, năng lực quản lý của VEC lại khiến dư luận đặt dấu hỏi.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng do VEC buông lỏng quản lý trong thời gian dài nên mới có chuyện thất thoát hơn 137.000 thẻ thu phí. 37.000 thẻ sẽ tương ứng với bao nhiêu tiền bị thất thoát của nhà nước? Con số đó chắc chắn sẽ rất khổng lồ.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự thất thoát “khủng” này? Câu hỏi này người dân và dư luận rất mong muốn ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC sẽ có câu trả lời trong thời gian tới.

4. “Nhập nhèm” việc ký hợp đồng 1 năm, cho thu phí 5 năm
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có 4 trạm thu phí (Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ). Ban đầu, các trạm thu phí này được VEC giao cho Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) quản lý và khai thác. Đến ngày 4/7/2012, Công ty Yên Khánh có văn bản kiến nghị Bộ GTVT đề xuất được tổ chức thuê dịch vụ quản lý thu phí trên tuyến cao tốc này và đã được Bộ GTVT “giới thiệu” cho VEC.
Nhung du an lum xum cua Tong cong ty Duong cao toc Viet Nam 2018-Hinh-4
Nhiều trạm dừng nghỉ trên cao tốc do VEC quản lý bị "lộ" chỉ định thầu. Ảnh internet.
Hợp đồng ký giữa VEC và Công ty TNHH Sản xuất và TMDV Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) chỉ có thời hạn 12 tháng nhưng doanh nghiệp này đã được “tạo điều kiện” để thu phí tận 5 năm.
Theo báo Kinh tế Đô thị, ngày 6/10/2017, Văn phòng Chính phủ ra Văn bản số 10609/VPCP-QHQT giao Bộ GTVT chỉ đạo VEC không được phép nhượng quyền thu phí của bất kỳ dự án nào trong phương án hòa chung dòng tiền của VEC. Đến lúc này, VEC mới có văn bản gửi Hội đồng Thành viên xin chủ trương chấm dứt hợp đồng dịch vụ thu phí với Công ty Yên Khánh.
5. Chủ tịch VEC Mai Tuấn Anh bị tố sai phạm?
Theo báo điện tử Người Đưa Tin, Bộ GTVT và cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã nhận được đơn tố cáo của ông L.T.D. (cán bộ ban DLDA đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) tố cáo ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC về những sai phạm xảy ra tại VEC.
Nhung du an lum xum cua Tong cong ty Duong cao toc Viet Nam 2018-Hinh-5
Chủ tịch HĐTV Mai Tuấn Anh. Ảnh internet.
Được biết, ông L.T.D. cũng chính là người đã gửi đơn tố cáo những tiêu cực của ông Mai Tuấn Anh tới Trưởng ban tổ chức Trung ương; Bộ trưởng bộ GTVT về việc chỉ định thầu sai luật, bao che cho cấp dưới chỉ đạo nhà thầu thi công không tuân thủ biện pháp đã phê duyệt, trù dập cán bộ, điều chuyển tuyển dụng cán bộ có vấn đề, có dấu hiệu tham nhũng tại VEC.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Thanh Hà, Chánh thanh tra bộ GTVT xác nhận thông tin trên và cho biết: “Hiện nay, việc thụ lý những tố cáo đối với ông Mai Tuấn Anh vẫn đang trong quá trình tiến hành làm rõ theo quy định của pháp luật, chưa có kết luận cuối cùng”.
6. Nhiều dự án chỉ định thầu, "vừa đá bóng vừa thổi còi"
Trong văn bản 1260 của Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám gửi HĐTV cho thấy nghi án ban lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 ký kết trao trạm dừng nghỉ cho nhà đầu tư chưa được Bộ GTVT ủy quyền. Trong đó có việc chỉ định thầu cho công ty sân sau của Út “trọc”.
Theo đó, trên cơ sở xem xét hợp đồng các trạm dừng nghỉ đã ký kết và căn cứ vào các quy định của pháp luật về hợp đồng, có thể thấy các hợp đồng ký kết giữa VEC và nhà đầu tư không xác định rõ hình thức BOT hoặc BCC. Các hợp đồng đều không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng và không có điều khoản để VEC can thiệp, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện khi không có bảo lãnh ngân hàng.
Mặt khác, đối với hợp đồng BOT, các chủ thể ký kết hợp đồng với nhà đầu tư phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (hoặc cơ quan được uỷ quyền). Tuy nhiên, các hợp đồng trên đều được ký kết giữa VEC (là doanh nghiệp) và nhà đầu tư mà chưa được Bộ GTVT ủy quyền.
Ngoài ra, trong văn bản số 1603/VEC-KVS về việc xã hội hoá các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, dự án do VEC làm chủ đầu tư do Kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông gửi Bộ GTVT có nói đến 8 trạm dừng nghỉ không qua đấu thầu.
Trong văn bản, kiểm soát viên VEC Trương Việt Đông chỉ rõ tình trạng nhà đầu tư được ưu ái đến mức “vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Quý An (tổng hợp)