Theo các chuyên gia đô thị, dẹp vỉa hè đã khó, nhưng để duy trì trật tự còn khó hơn. Để giải quyết triệt để nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, cần có những giải pháp đồng bộ chứ không phải chỉ ra quân rầm rộ trong thời gian đầu rồi lại nhanh chóng lắng xuống theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”…
Quy định đã rõ
“Hiện nay, quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè đã tương đối đầy đủ, chế tài đối với cá nhân vi phạm cũng khá nghiêm khắc, song chính sự thiếu ý thức của người vi phạm và sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng là nguyên nhân khiến vấn đề này trở nên phức tạp” - luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.
|
Cơ bản các tuyến phố trật tự vỉa hè đã được lập lại, tuy nhiên để duy trì nền nếp này cần phụ thuộc vào ý thức mỗi người dân - Ảnh: LAM THANH |
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định về các hành vi không được phép thực hiện như họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ, tụ tập đông người trái phép trên đường bộ…
Bên cạnh đó, Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 cũng quy định mức xử phạt với một số hành vi
lấn chiếm vỉa hè: “Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng… Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng với cá nhân, từ 4-6 triệu với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông… Các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe có thể bị xử phạt đến 15 triệu đồng với cá nhân; 30 triệu đồng với tổ chức”.
Nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè mà không thay đổi kết cấu giao thông, giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân thì không giải quyết được tận gốc vấn đề
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Nghị định 46/2016/NĐ-CP còn quy định, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Đó là việc buộc phải dỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
Ai có quyền xử lý vi phạm?
Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định những cá nhân có thẩm quyền tịch thu phương tiện vi phạm hành chính gồm Chủ tịch UBND các cấp; trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an, trạm trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất. Trưởng công an cấp huyện; trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, trưởng phòng cảnh sát QLHC, trưởng phòng cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh, trưởng phòng cảnh sát hình sự…
Ngoài ra, theo Điều 70 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát QLHC về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt cũng có thẩm quyền xử phạt hành chính về các hành vi lấn chiếm vỉa hè.
Không chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè
“Có thể nói, việc lập lại trật tự trên vỉa vè đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật. Đây được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc giao thông. Tuy vậy, nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm sạch vỉa hè mà không thay đổi kết cấu giao thông, giảm tỷ lệ phương tiện cá nhân thì không giải quyết được tận gốc vấn đề” - luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định.
Tại buổi tọa đàm “Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân” diễn ra mới đây, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, trật tự vỉa hè chính là mang lại lợi ích, tạo sự hấp dẫn hơn cho hoạt động kinh doanh của người dân, cho những hoạt động hàng ngày của họ nên nhận thức từ phía người dân đã có sự chuyển biến. Và đặc biệt là có sự vào cuộc, cam kết, quyết tâm của các cấp chính quyền, từ cấp cơ sở nên chắc chắn kết quả đạt được sẽ bền vững và được duy trì.
Nói về bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến việc sử dụng và quản lý vỉa hè, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phân tích, Nghị định 36/NĐ-CP về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đô thị nghiêm cấm mọi hình thức cho thuê vỉa hè để kinh doanh buôn bán, nhưng lại cho phép sắp xếp một phần vỉa hè, lòng đường ở những nơi thích hợp để kinh doanh, buôn bán, đảm bảo đời sống nhân dân, nhưng không ảnh hưởng đến ATGT. Những mâu thuẫn này cần sớm được sửa đổi.
Theo Huệ Linh/ANTĐ