Thông tin tàu Giang Hải IMO 9557329 (Công ty Cổ phần Vận tải biển Quốc tế) bị cướp biển tấn công ở ngoài khơi Philippines ngày 19/2 khiến 1 thuyền viên bị bắn chết, 6 thuyền viên khác bị bắt cóc, tài sản bị đập phá, tàu bị thả trôi đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi những vùng biển nào tiềm ẩn nguy cơ cướp biển cao?
Kiến Thức điểm lại một số khu vực có nguy cơ cướp biển cao mới đây đã được Bộ Tư Lệnh Cảnh sát biển đưa ra khuyến cáo đối với doanh nghiệp vận tải biển, thuyền trưởng tàu biển Việt Nam trong đấu tranh, phòng chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên biển.
|
Tàu Giang Hai vừa bị cướp biển tấn công. |
Công văn khuyến cáo này nêu rõ: “Những vùng biển có nguy cơ cướp biển cao tại khu vực Đông Nam Á là Bangladesh. Tại đây, cướp biển thường tấn công những đoàn tàu đang chuẩn bị hạ neo và hầu hết các cuộc tấn công được báo cáo tại khu neo đậu Chittagong và khu vực lân cận. Tại khu vực Indonesia, các quần đảo như Anambas, Natura, Mangkai, Subibesar, Pulau Jemaja, Pulau Sianta, Pulau Matak, cướp biển thường trang bị dao, súng, dùng xuồng cao tốc vào tiếp cận, leo lên tàu từ phía sau lái và tấn công vào ban đêm. Tại eo biển Malacca, những tàu có hành trình đi qua eo biển này nên duy trì chế độ kiểm tra chặt chẽ để tránh nguy cơ cướp biển. Các khu vực như khu vực ngoài khơi Tioman, Pulau aur, đông Sabah (Malaysia), eo biển Singapore và miền Nam Philippines cũng là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cướp biển.
Tại khu vực châu Phi và biển Hồng Hải phải kể đến Lagos và sông Bonny (Nigeria), cướp biển thường tấn công và bắt cóc tàu, thủy thủ dọc theo bờ biển, bờ sông khu vực neo đậu và những vùng lân cận. Trong khi đó, tại Conakry (Guinea), cướp biển được trang bị vũ khí tự động và rất hung dữ trong khi tấn công. Tại Douala (Cameroon) cũng đã có báo cáo về các cuộc tấn công và bắt giữ thuyền viên tại khu vực này. Một địa điểm nguy hiểm do nạn cướp biển khác là vịnh Aden, biển Hồng Hải, cướp biển sử dụng vũ khí tự động và súng bắn tên lửa để tấn công và cướp tàu, sau đó sẽ đưa tàu về bờ biển Somali và yêu cầu một khoản tiền chuộc để thả tàu và thủy thủ. Trong khi đó, tại Somali, cướp biển vẫn đang hoạt động mạnh, thường xuyên tấn công tàu ở phía Bắc, phía Đông, phía Nam bờ biển Somali. Những cuộc tấn công được mở rộng ra khu vực ngoài khơi Kenya, Tanzania, khu vực biển Ấn Độ Dương, biển Ả rập, biển Oman... Cướp biển Somali thường được trang bị vũ khí tự động và súng bắn tên lửa, sử dụng tàu mẹ để thực hiện các cuộc tấn công ở khoảng cách rất xa bờ.
Ngoài ra, các khu vực Vila Do Conde (Brazil), khu neo đậu Callao (Peru), khu neo đậu Puerto La cruz (Venezuela)... thuộc khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, vùng biển Caribbean cũng tiềm ẩn nguy cơ cướp biển cao.
Khu vực ngoài khơi Philippines, nơi tàu Giang Hải bị cướp biển tấn công là vùng biển thường xảy ra cướp biển. Trước đó, ngày 11/11/2016, tàu Royal 16 (số IMO 9600011, quốc tịch Việt Nam) vận chuyển xi măng từ Quảng Ninh đi Philippines cũng bị cướp. Tại thời điểm bị cướp, trên tàu có 19 thuyền viên. Tàu đã bị cướp biển tấn công và bắt giữ sáu thuyền viên làm con tin. Địa điểm tàu Royal 16 bị cướp biển tấn công nằm ở vị trí cách Tây Tây Nam đảo Basilan (miền Nam Philippines) chỉ khoảng 10 hải lý.
Hải Ninh