Một trong những mối tình thời chiến đáng để giới trẻ hôm nay noi theo là chuyện tình giữa bà Châu và ông Tư - xa cách suốt 14 năm trời đằng đẵng nhưng vẫn không không thôi nhớ về nhau, khi tới được bên nhau cả hai đã cao tuổi, thế nhưng...
Hẹn ước không lời
Những ngày đầu năm học năm 1956, ở Biên Hòa không có lớp học đệ tam nên nữ sinh Nguyễn Thị Châu (quê Biên Hòa) phải đến trường Văn Lang ở Sài Gòn nhập học, cô thuê trọ. Thời đó, chàng trai Lê Hồng Tư đang làm lớp trưởng, bí thư chi đoàn có nhiệm vụ cảm hóa thuyết phục học sinh theo cách mạng. Nhìn thấy Châu thướt tha trong áo dài, con tim của Tư đã rung động nhưng không dám nghĩ chuyện lập gia đình vì cuộc chiến còn dài, chưa biết bao giờ kết thúc.
Trong khi đó, bố của Nguyễn Thị Châu tham gia Việt Minh, bị lính Pháp sát hại, tiền đi học chỉ được người chú cho mượn với cam kết học giỏi về giúp mẹ nuôi bốn em.
|
Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu tổ chức đám cưới sau hơn 14 năm xa cách. Nguồn ảnh: Zing.vn. |
Hai năm sau, Lê Hồng Tư phải chuyển đi nơi khác làm nhiệm vụ, Nguyễn Thị Châu cố tình thi trượt để có thể ở lại hoạt động. Sợ “xa mặt cách lòng” Lê Hồng Tư lấy hết can đảm tỏ tình với Châu nhưng đều thất bại, vì bị từ chối. “Anh đi tìm người khác đi, tôi không muốn lập gia đình”, đó là câu trả lời mà Châu nói với Tư vào một buổi chiều thứ 7 mưa lâm râm chàng trai tìm đến xóm trọ Châu tỏ tình.
Năm 1961, một lần nữa Nguyễn Thị Châu từ chối gặp mặt Tư, cô cũng không ngờ sau đó là 14 năm xa cách dài đằng đẵng trong đau đớn và tù đày. Đến tháng 2/1961, Châu bị mật phục bắt cóc. Bị tra tấn dã man, nhiều lúc như chết đi sống lại và khi bị áp giải lên nha tổng, Châu nghe báo chí đăng Lê Hồng Tư bị kết án tử hình do cầm đầu nhóm ám sát đại sứ và một sĩ quan Mỹ mà lòng đau nhói. Lúc này, Châu nghĩ đến những lần từ chối tỏ tình nhưng cô vẫn kìm nén vì sợ bộc lộ cảm xúc địch sẽ biết. Đến cuối 1964, Châu được thả về. Lúc đó Lê Hồng Tư đã bị đày đi nhà tù Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, Lê Hồng Tư gặp một tử tù tên là Phạm Văn Dẫu. “Gặp tôi, ông Dẫu nói: Có chị Chín ở Cà Mau tìm tôi nói khả năng các anh sẽ bị đày ra Côn Đảo, nếu ra đó gặp Lê Hồng Tư thì nói chị Châu, hôn thê của anh, gửi lời hỏi thăm”, ông Tư nhớ lại. Tuy nhiên Nguyễn Thị Châu không biết ông Dẫu, nhưng đồng đội của hai người ở chiến khu biết chuyện nên thấy ai sắp ra Côn Đảo, họ đều gửi theo lời nhắn.
Ở chiến khu, Châu không biết lời hẹn ước của mình đã được những tử tù Côn Đảo chuyển đến Lê Hồng Tư. “Ngày tôi ở Hà Nội, có chị bạn người Đà Nẵng ôm tôi khóc nói Lê Hồng Tư hy sinh rồi, đừng đợi nữa, nên xây dựng gia đình đi. Tôi nói anh chưa có hy sinh đâu, em vẫn chờ anh về”, bà Châu bồi hồi.
Đến năm 1975, đất nước thống nhất, tàu chở các tù chính trị từ Côn Đảo về đất liền, Châu đã 37 tuổi gặp lại Tư đã 40 tuổi, tay chỉ dám nắm không dám ôm. “23h đêm tôi đến gặp anh. Cũng chỉ dám nắm tay anh hỏi anh khoẻ không chứ nào dám ôm”, bà Châu kể. Đến 17/8/1975 hai người tổ chức đám cưới, và chỉ mời 250 bạn bè nhưng người đi dự tới gần 600. Do hai người đều không có tiền nên bạn bè mỗi người góp một đồng mua bánh và trà giúp tổ chức.
Chuyện tình Tướng Hy với hơn 500 bức thư tình vượt bom đạn gửi về hậu phương
Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, khi xung phong vào mặt trận Bình Trị Thiên bà Nguyễn Thị Ngọc Lan gặp được Phan Khắc Hy – là Phó bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, được điều vào xây dựng lực lượng chủ lực.
|
Thiếu tướng Phan Khắc Hy và người vợ nổi tiếng với hơn 500 bức thư tình xuyên suốt hai cuộc kháng chiến. Nguồn ảnh Zing.vn. |
Gặp nhau, hai người nhanh chóng bị “tiếng sét ái tình” nhưng cô gái Ngọc Lan luôn tránh mặt chàng trai Khắc Hy. Mãi sau ông mới biết lý do bà là cháu ngoại của một nhà nho xứ Nghệ, bà sợ ông ngoại mắng vì vừa ra chiến trường, chưa đóng góp được gì đã vội yêu đương. Phan Khắc Hy phải nhờ đến Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên viết thư cho ông ngoại người yêu, xin phép cho hai người tìm hiểu. Đến tháng 9/1952, hai người tổ chức đám cưới tại chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Nhưng sau đó là khoảng cách dài biền biệt vì Phan Khắc Hy phải chuyển từ chiến dịch này sang chiến dịch khác.
Nhớ vợ và thương vợ ở hậu phương, những ngày ở Việt Bắc, ông viết thư cho bà trên mọi loại giấy có thể tận dụng được. Thậm chí dùng cả bao thuốc lá để viết. Thi thoảng dưới thư ông ký tên Khắc Ngọc, ghép tên đệm của ông và bà với nhau.
Hết chống Pháp, ông lại biền biệt trên những nẻo đường Trường Sơn chống Mỹ. Những bức thư viết vội gửi về cho vợ ngay cả dọc đường hành quân. “13 năm rồi, nếu tính từ ngày mình gặp gỡ thì đúng 14 năm 8 ngày. Ngoài trời gió mưa đang thổi, anh như nghe cả hơi thở của em và nhìn thấu đáo tâm tư tình cảm của em lúc này... Ừ, tình cảm cuộc sống của ta đã qua hai kỳ kháng chiến, từ những phút hồi hộp, bồng bột buổi đầu đến những giờ phút hạnh phúc bên nhau rất ít ỏi mà nói với nhau nhiều, yêu nhau nhiều qua những lá thư và hăng say trong công tác, chiến đấu...”, nhưng lời ông Hy viết trong một quyển nhật ký năm 1966.
|
Những bức thư tình được tướng Hy và vợ giữ gìn cẩn thận, chờ ngày hòa bình. Nguồn ảnh: Zing.vn. |
Khi ông được điều về miền Bắc phụ trách không quân, bà lại đi sơ tán. Có những hôm về nhà, ông vẫn viết thư cho vợ.
Sau ngày thống nhất đất nước, trong bức thư gửi từ Sài Gòn sang Tiệp Khắc, ông viết: “Em yêu! Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng... Nhiều cảm xúc đặc biệt. Anh sẽ ghi lại nhật ký 2 tháng qua để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó. Anh đến Sài Gòn ngày 1/5. Sài Gòn rất đông, suốt các ngả đường, dòng người, dòng xe cứ như nước... Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh, em sẽ về cùng tham gia vào sự nghiệp đó.
Hơn 1 tháng sau, từ Praha (thủ đô Tiệp Khắc lúc đó), bà viết: “...Từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và mừng vui vô hạn, tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh. Từ nay, em bớt đi phần lo lắng, cái lo lắng thường xuyên như cơm bữa... Giá trị của độc lập, hòa bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ”.
Năm 1976, bà Ngọc Lan học xong về nước và đoàn tụ sau 24 năm xa cách bởi chiến tranh. Thư ông để trong chiếc túi xanh bà thêu và giữ trọn vẹn từng bức đến ngày hòa bình.
Khánh Hoài (Tổng hợp)