1 giờ đêm vẫn đạp xe đi hiến máu
Chứng kiến con người bạn thân bị bệnh tim lại thiếu máu, anh Trần Nguyên Dũng (49 tuổi, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) đã hiến tặng những giọt máu quý của mình. Những lần đến viện thăm con của bạn, anh thấy nhiều người bệnh khốn khổ cần máu, từ đó cứ 3 tháng anh lại đi hiến máu một lần. “Mình chỉ muốn chia sẻ với cộng đồng xã hội, với những mảnh đời không may mắn thôi chứ không nghĩ gì cả” - anh Dũng chia sẻ.
|
Anh Trần Nguyên Dũng đã 62 lần đi hiến máu.Ảnh: NVCC |
Nói về kỷ niệm ấn tượng nhất trong những lần hiến máu, anh Dũng kể, lần đó, khoảng 1-2 giờ sáng bệnh viện gọi, anh đã đạp xe 50 cây số vào viện hiến máu cứu sống một em bé đang cấp cứu thập tử nhất sinh. “Lúc ấy, sau khi hiến xong, bệnh viện đưa tôi một gói xôi và một hộp sữa, ra đường thấy có người ăn xin kêu đói, tôi đưa hết cho họ. Vừa đi ra khỏi bệnh viện thì xe hỏng, phải vay tiền của bạn ở bệnh viện để sửa xe. Dù vậy, sau rất nhiều lần hiến máu tôi chưa bao giờ đòi hỏi gì, thậm chí có bệnh nhân gặng hỏi để cảm ơn, tôi đều từ chối” – anh Dũng nói.
Mặc dù bây giờ công việc làm bảo vệ bận rộn, nhưng anh Dũng vẫn tham gia vào
Đội Hiến máu sống của thành phố. Anh Dũng tâm sự, anh thấy tự hào vì đã làm được một việc tốt cho xã hội. Mỗi lần anh đều hiến một cặp, hai đơn vị (400ml). Tính lần thì anh đã hiến 62 lần, nhưng tính đơn vị thì có thể phải hơn 100 cặp. Để đủ tiêu chuẩn hiến máu đều đặn, anh Dũng rất giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là không rượu bia mới tự tin đi hiến máu.
"Trong những năm qua có khoảng 1,6% số dân Việt Nam đi hiến máu tình nguyện, trong đó 97% là hiến máu tự nguyện không lấy tiền. Phấn đấu đến 2020, sẽ có khoảng 2% dân số Việt Nam đi hiến máu và 100% số người tham gia hiến máu là tình nguyện. Đến nay, ở Việt Nam, người có số lần hiến máu nhiều nhất là anh Nguyễn Hữu Thuận (Thủ Đức, TP.HCM) với 88 lần hiến máu toàn phần”.
TS Ngô Mạnh Quân - Trưởng khoa Vận động hiến máu (Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư)
Không chỉ hiến máu gần nửa đời người, đến nay, anh Dũng đã truyền lửa cho cậu con trai đang là sinh viên năm thứ 3 đại học cùng hiến máu tình nguyện. Anh Dũng cho biết, con anh cũng đã hiến máu được 13 lần. “Mình không làm được gì cho xã hội, nên mong muốn được hiến những giọt máu để sẻ chia với người bệnh và mang lại nụ cười cho họ bằng sự chân thành nhất, xoa dịu nỗi đau với họ. Mình sẽ tiếp tục hiến máu tới lúc nào còn có thể” – anh Dũng tâm niệm.
Hiến máu để trả ơn đời!
Hiến máu không chỉ là làm thiện nguyện, với anh Phạm Nguyễn Hồng Châu (33 tuổi, quê Quảng Nam), hiến máu còn là cách để anh trả ơn đời, bởi bản thân anh cũng được hồi sinh từ những giọt máu của những người không quen biết. Anh Châu nhớ lại, năm 2005 anh bị tai nạn lao động thập tử nhất sinh, trong quá trình cấp cứu cần truyền rất nhiều máu mà bệnh viện lại không đủ, gia đình đành kêu gọi sự giúp đỡ của họ hàng, bạn bè và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình. Nhờ những giọt máu của anh em, bạn bè, anh Châu đã qua cơn thập tử nhất sinh. “Từ đó tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống, tôi tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để chia sẻ bớt nỗi đau, nỗi bất hạnh của những người bệnh không may mắn. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất trả ơn cuộc đời, xã hội” - anh Châu nói.
Anh Châu cho biết, dù bất cứ lúc nào, nhận được điện thoại “cần máu” là anh sẵn sàng lên đường, dù ban ngày hay đêm khuya. Trong 36 lần hiến máu, có 7 lần anh hiến máu trong tình huống cần máu khẩn cấp để cấp cứu cho bệnh nhân.
Ngoài những cá nhân hiến máu tiêu biểu của Việt Nam, trong Sự kiện toàn cầu “Ngày quốc tế Người hiến máu – 14.6 năm nay do Việt Nam đăng cai, Ban tổ chức còn tôn vinh 40 cá nhân có thành tích tiêu hiến máu trên thế giới. Một trong những cá nhân có thành tích nổi bật nhất chính là ông Floris Langendam, 68 tuổi, đến từ Hà Lan với tổng cộng gần 600 lần hiến máu.
Chia sẻ với báo chí, ông Floris Langendam cho biết, ông bắt đầu tham gia hiến máu nhân đạo từ năm 1971 (khi ông 22 tuổi). Từ đó cứ đều đặn ông tham gia hiến huyết tương (là thành phần quan trọng, chiếm 55 - 60% tổng lượng máu), ban đầu là 4 tuần/lần, sau đó lên đến 1 tuần/lần, 1 tuần/2 lần. "Tôi được mời đi hiến huyết tương đều đặn vì điều này có thể cứu giúp cuộc sống cho người khác. Cho tới khi nào tôi còn đủ điều kiện tôi vẫn sẽ đi hiến huyến tương và hiến máu". Theo trưởng đoàn đại biểu Hà Lan, luật của nước sở tại cho phép độ tuổi tối đa được hiến máu là 70.
Theo Minh Nguyệt/Dân Việt