Tôi vẫn biết chuyện vui buồn đời người là vốn dĩ, như từ khi tôi bắt đầu biết nhận thức, tôi đã tin rằng sống trong cõi tạm này có ai mà không đi qua hết hỉ nộ ái ố trước khi trở về nơi đã sinh ra.
Nhưng, cũng có những góc khuất còn sót lại giữa lòng phố thị, như khi từ trung tâm đến với khu tạm cư này, tôi đã đi qua những con đường đầy cỏ dại, lồi lõm đọng nước sau một trận mưa vừa.
Tôi đứng dưới những mái hiên che tạm vừa lụp xụp chắp vá vừa ngây thơ. Tôi leo lên những bậc cầu thang cũ kĩ, gỉ sét và loang lổ. Tôi ngồi trong những căn nhà bé nhỏ, chật chội, bừa bộn các vật dụng sinh hoạt thường ngày.
Và tôi thực sự đang ở giữa khu tạm cư nghe chia sẻ về những câu chuyện cuộc đời, vừa buồn vừa thương lại vừa đau đáu xót xa… Tôi gọi đó là “những nỗi buồn cất dưới mái tạm cư”.
|
Khu tạm cư An Phú. |
Nỗi niềm thứ nhất: Phía xa kia, từng có một gia đình
Nhặt ve chai là công việc mưu sinh chính của cô Lê Thị Thảo, cô Thảo năm nay 53 tuổi, sống tại khu tạm cư An Phú. Tôi gặp cô khi cô đang dạo bước tới lui quanh khu tạm cư như một cách đi thể dục, mắt ngong ngóng về phía xa xôi.
Tôi thắc mắc hỏi: “Cô đang ngó gì?”, cô Thảo chỉ tay về hướng xa xa, đáp lời tôi: “Hướng đó là nhà cô gần mươi năm trước".
Tôi nhìn theo hướng tay, thú thật tôi không biết chính xác chỗ cô bảo là nhà ấy đang nằm ở vị trí nào ngoài những áng mây chiều lững thững trôi, ngoài những tòa nhà xa xa, vun vút cao dưới vòm trời xanh.
Cô Thảo đến khu tạm cư này hơn sáu năm, sống cùng ba người con trai trong ngôi nhà lụp xụp vỏn vẹn 20m². Đêm đêm, hòa với mùi ẩm mốc, trên tấm nệm rách nát, những chăn gối cũ kỹ sậm màu năm tháng, cơn ác mộng ngày xưa vẫn cứ tìm về.
Cái ngày định mệnh ấy, nghĩ lại cô vẫn còn thấy nghẹn ứ ở cổ họng. Bàn thờ, di ảnh của người chồng quá cố bị đánh đổ bởi những cánh tay cần cẩu, những búa, xẻng và dụng cụ chuyên tháo dỡ. Chồng cô vô ưu vô lo, trong di ảnh vẫn cười.
Chỉ có cô là xót xa đến tột độ. Cô lao vào đống đổ nát, bới gạch đá để giữ lấy tấm ảnh cuối cùng còn lại. Rồi bốn mẹ con lủi thủi ôm di ảnh chồng, cha về khu tạm cư sống...
Khu nhà cô không nằm trong quy hoạch, thời gian đầu còn cầm đơn lên xuống gõ cửa cầu cứu khắp nơi, nhưng không ai hồi đáp. Gánh nặng mưu sinh oằn gánh vai gầy. Cô xếp lại ngang trái gia đình mình rồi tiếp tục chăm lo cho các con mà sống tiếp. Một cái chớp mắt mà đã hơn sáu năm trời.
|
Ở khu tạm cư ai cũng cố tìm cho mình một công việc tạm bợ qua ngày. |
Nhiều hôm, đi nhặt ve chai, cô Thảo cố tình qua lại nhiều lần nơi khu nhà ở ngày xưa của mình, dẫu cố nhớ thật kỹ đến từng chi tiết như trước nhà có mấy cây giấy kiểng, cạnh đó là vựa hải sản tươi, trong sân con trai cô có trồng mấy gốc mai vàng chăm rất kỹ chờ ngày bán Tết, khoảng sân vừa đủ mà ngày xưa con Phèn, con Mực trốn nắng mỗi trưa. Tất cả đều in trong ký ức của cô.
Nhưng sáu năm, bây giờ đã không còn tìm thấy hàng giấy kiểng, không còn gốc mai già, con Phèn bị lấp chung khi xe ủi đổ mái nhà, con Mực dứt khoát không theo cô về chỗ tạm cư, nằm lại trên đất nhà cũ rồi không biết đã chết tự bao giờ.
Bây giờ, nhà cũ cô Thảo đã là một con đường rất lớn. Nhà cô, chính xác là ở đâu, cô cũng không rõ nữa. Mơ hồ một vị trí nào trên con đường đã từng là ngôi nhà cũ của cô, đã từng có những năm tháng yên bình, hạnh phúc.
“Nếu không vì các con, cô đã không vượt qua nổi những ngày tháng ấy” – cô nói. Rồi nước mắt lại chực rơi xuống, xót xa cả một chiều tà.
Bạn hàng xóm khu tạm cư, cũng làm công việc nhặt ve chai như cô Thảo nhưng trông anh Dũng (sinh năm 1972) lại càng khắc khổ, càng thương hơn. Anh Dũng có vấn đề về thính giác, nói chuyện phải nói thật lớn và áp sát vào tai.
Anh Dũng rời nhà xưa từ năm 2007, cũng như cô Thảo, anh chỉ nhớ sơ sơ về vị trí ngôi nhà đã từng nằm đâu đó trên con đường lớn ấy. Về khu tạm cư sống bằng nghề nhặt ve chai, ngày may mắn kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng, có ngày thì vất vả hơn, lặn lội hẻm đông hẻm tây, từ xóm tạm cư đến khu nhà trọ, từ hàng quán đến vỉa hè, qua bờ sông mà cũng chỉ được vài chục nghìn cơm rau qua bữa.
Nhớ con, hai vợ chồng anh Dũng đèo nhau trên chiếc xe Cup cũ, đạp tiếng nổ lạch bạch chạy về Cát Lái, các con anh chị đang sống ở đó với bà ngoại. Đứa lớn vì hoàn cảnh gia đình mà ở nhà lo chạy vạy phụ ngoại việc vặt và chăm lo cho đứa em nhỏ đang học lớp 5.
|
Những đứa trẻ ở khu tạm cư. |
Nỗi niềm thứ hai: Tuổi xuân con gái, mãi ở nơi này?
Cụ Bình (68 tuổi), đứng tựa cửa trông ngóng chồng đi làm về kịp giờ cơm tối. Đoán chừng những cơn gió lớn trong chiều cùng những mù mây kéo đến sẽ đổ tiếp một trận mưa lớn như bao cơn mưa mà gia đình cụ đã chịu trong mùa này. Cụ hối hả vào nhà lục đục tìm xô chậu sẵn sàng hứng nước. Cụ chỉ cho tôi xem ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Ấn tượng về cụ Bình không chỉ từ vẻ dịu hiền, ấm áp mà còn vì cách nói chuyện khéo léo, minh mẫn, điều hiếm thấy ở người ngoài sáu mươi. Cụ Bình còn có phong thái của một trí thức về hưu, nói chuyện luôn nhã nhặn và tích cực.
Cụ Bình bảo sống đến từng này tuổi cụ vẫn luôn tin rằng người tốt vẫn còn nhiều hơn người xấu, dù ở đâu cũng vậy thôi. Nên cụ tin rằng sẽ còn có những lãnh đạo tốt, họ sẽ quan tâm đến đời sống mất mát của dân tạm cư vì mất nhà, mất đất, mất hết tương lai, chôn cuộc đời mình nơi đây.
Cụ lại điềm đạm cho rằng đây không phải là vấn đề bé nhỏ gì mà có thể chìm vào im lặng. Gần đây, cụ đã thấy có khởi sắc, lòng cũng khấp khởi đợi chờ.
Cụ Bình có người con gái út đã đến tuổi lập gia đình. Hồi năm ngoái, cô con gái có đưa bạn trai về ra mắt nhân nhà có đám giỗ. Bạn trai cô vốn biết nhà cô nghèo, là cư dân của khu tạm cư nhưng cũng không tưởng tượng ra đời sống cơ cực, gia cảnh rách nát đến vậy. Rồi những câu chuyện thiếu chút cảm thông, rồi mặc cảm. Họ chia tay. Đến giờ cô con gái vẫn còn buồn.
Nhớ lại nhà cũ, ánh mắt cụ Bình lại bâng khuâng hiu hắt. Nói xưa giàu có thì không hẳn là giàu có, nhưng chồng cụ Bình có việc làm, các con cụ cũng công tác ở trung tâm, đời sống nói chung là no đủ. Ấy vậy mà, chỉ một giấc ngủ, một giấc ngủ thôi, tất cả đã trở thành quá khứ. Dọn về khu tạm cư trong tủi hờn, luyến tiếc.
Thỉnh thoảng, thấy thời gian cứ kéo dài ra mà mọi thứ vẫn còn chưa sáng tỏ, vợ chồng cụ Bình sợ mình không đủ thời gian, lại giục con gái lấy chồng, làm đám cưới. Cô con gái cười buồn đáp, nhà cửa rách nát, cha mẹ già, hoàn cảnh khó khăn đến vậy, con gái xuất giá theo chồng sao đặng.
Rồi như để mẹ yên lòng, cô lại hứa khi nào sửa sang nhà cửa khang trang hơn, cha mẹ có đời sống tốt hơn, lúc ấy con gái sẽ tính chuyện cưới hỏi, mới thật sự yên tâm chăm lo hạnh phúc của riêng mình.
Cụ lại chậc lưỡi, hỏi tôi chút chuyện riêng tư, rồi khuyên nhủ: “Đời con gái chỉ có một thì, không cưới hỏi sớm để qua đi sẽ hối tiếc lắm. Mà không lẽ, xuân thì con gái cụ trôi đi dưới mái tạm cư này hay sao?”.
Cụ không rõ, con gái cụ không rõ, tôi càng không rõ sẽ như thế nào. Chỉ là hy vọng vào tương lai. Bởi chỉ có hy vọng, con người ta mới có thể có động lực mà bước tiếp…
Nỗi niềm thứ ba: Đêm nghe tiếng mèo hoang, nước mắt chực trào
Chú Nguyễn Tấn Cứu (68 tuổi) mời tôi một chiếc bánh in, tôi quen miệng gọi tên bánh như vậy, vợ chú Cứu đính chính rằng bánh này ở đây gọi là bánh phục linh.
Thật ra gọi bánh phục linh hay là bánh in, cũng chỉ vậy thôi, cũng chỉ là một. Loại bánh này trông xinh xinh, có hai màu trắng xanh, khiến tôi nhớ đến ngày còn thơ ấu ở quê, Tết đến thường được ăn. Ăn loại bánh này khá thú vị, và phải biết cách ăn thì mới cảm nhận được hết vị ngon.
“Cầm chiếc bánh nhỏ xinh, ngắm nghía một lúc rồi đưa lên mũi hít hà, sau đó mới từ từ lột tờ giấy kính mỏng thanh. Đưa bánh vào miệng, cắn miếng nhỏ rồi ngậm lại. Bột bánh tan dần trong vòm miệng, tiết ra vị ngọt và mùi thơm đặc biệt của bột bình tinh”.
Chú Cứu nghe tôi kể về những kỷ niệm ăn bánh ở quê dịp Tết, chú mới cho hay rằng bánh này là bánh trong ngày đám giỗ của chồng chị Hạnh, chị Hạnh là hàng xóm nhà cạnh bên mang sang biếu chú. Hôm qua là ngày giỗ lần thứ năm của chồng chị, năm lần làm đám giỗ đơn giản với bàn ghế mượn tạm quanh xóm kê trước hàng hiên trong khu tạm cư này.
Năm năm trước, khi chuyển đến nơi hẻo lánh này, trong cơn quẫn trí, chồng chị Hạnh đã treo cổ quyên sinh, để lại người vợ trẻ và đứa con vừa bập bẹ.
Nói đến đây, chú Cứu khựng lại không nói nữa, bảo tôi đi theo chú sang nhà nghe chị Hạnh kể thêm. Tôi lại chần chừ rồi không dám đi, bởi mới nghe chú kể đến đó, chỉ mới nghe từ người hàng xóm thôi, bởi tôi chỉ là một người ghi chép ngang qua nơi đây thôi mà lòng đã xót xa nghẹn ứ, lồng ngực thắt chặt thế này.
Thì trực tiếp khơi lại nỗi đau của chính người goá phụ, nghe thuật lại nỗi đau mất chồng, con thơ thiếu cha thì nhẫn tâm quá, tôi không đành lòng, cũng không dám. Nên thôi.
Nói về nhà cũ, mắt chú Cứu long lanh sáng lên. Ngày xưa nhà ngay đầu chợ An Khánh, vợ chồng chú buôn bán trước chợ cũng trang trải. Các con chú đều có công ăn việc làm. Vậy mà từ ngày về khu tạm cư, các con mất việc, vợ đau bệnh triền miên.
Trong căn nhà tạm cư 20m² được cấp, vợ chồng chú Cứu sống với đứa cháu nội, bố mẹ cháu vừa sinh em bé ở trong một căn nhà tạm cư khác cùng khu, vì quá chật chội nên gửi cháu sang ở với nội. Hàng ngày, chú đi làm công việc sơn nước, ai thuê ở đâu, gần xa chú đều nhận, ngày công 200 nghìn trang trải sinh hoạt và những cơn đau phong thấp của vợ.
“Dành 20 năm kêu oan, 20 năm là cả một phần ba đời người rồi cháu à!” – chú Cứu nói.
Đêm đến, nghe tiếng mèo hoang rượt đuổi nhau trên mái nhà, nghe vợ chú nhớ nhà xưa rấm rứt nén buồn rồi vỡ ra thành tiếng khóc, chú đau lòng khôn xiết. Rồi cũng phải gắng gượng mà an ủi vợ, bởi chú là trụ cột gia đình, phải tỏ ra đủ vững chãi để cùng nhau sống tiếp những tháng ngày. Bởi hơn ai hết chú hiểu rõ, nếu chú cũng gục ngã, thì vợ chú, con chú, các cháu của chú còn biết dựa vào đâu?
Và những nỗi niềm không dám gọi tên
Từ nhà chú Cứu đi ra, vô tình tôi gặp cụ Bùi Ngọc Cát (67 tuổi), cụ Cát chủ động gọi tôi: “Mày vào đây, tao pha trà cho uống, muốn nghe cuộc đời buồn vui của xóm tạm cư này, thì vào đây cái đã”.
Cụ Cát về đây từ năm 2012, sống một mình trong căn nhà 22m2. Đợi cụ nhấp một ngụm trà, rít một hơi thuốc, tôi định bắt chuyện với cụ thì có khách đến mua lá xông.
Cụ vừa lấy lá cho khách, vừa nói với tôi: “Nghề chính kiếm sống của tao đấy, tao còn có cái xưởng nhỏ làm thuốc nam bán cho bà con quanh đây, đừng tưởng nhỏ mà xem thường nhá, tao giải quyết được công ăn việc làm cho gần chục người ở khu này”.
Tôi hỏi về vợ con cụ, cụ vẫn giọng lớn đầy hào sảng, kể như không: “Bỏ đi cả rồi. Chịu cực không nổi, mỗi tao lạc quan, tao vui sống, mỗi mình tao chờ đợi. Nhưng tao không biết có chờ đợi được bao nhiêu năm nữa. Bà già tao (mẹ cụ) đợi không được, mất ở trong cái khu này, rồi mang về quê nhà an táng cho được gần tổ tiên như ước nguyện. Tội nghiệp, đến lúc bả nhắm mắt vẫn cố dặn tao bao giờ về được nhà cũ, nhớ thắp hương cho mẹ hay…”.
Cụ cứ kể vậy, cứ ngắt quãng một câu lại một lần rít thuốc lá, lại hớp một ngụm trà, thong thả như không. Ngoài làm thuốc nam bán, cụ Cát còn làm thêm một việc nghe rất đỗi buồn là đi vận động xin quan tài cho những người nghèo không may qua đời mà không có tiền mua nổi một cỗ quan tài tử tế cuối đời.
Cố tỏ ra vẻ ung dung, lạc quan của người sắp bước qua thất thập cổ lai hi, cụ cho hay, ở đây cụ coi như là sống đỡ hơn những cư dân khác. Có lẽ vì một mình nên 22m² là vừa, cụ cất một chỗ nuôi cá, một chỗ treo chim, chỗ thờ tự, hơn những hộ cư dân khác, 5,6 di ảnh người quá cố cùng chen chúc trên một chiếc tủ thờ nhỏ, ông Địa, ông Công nằm xen lẫn với bếp núc chảo xoong.
Rồi đến khi nhà ai đó có giỗ chạp, cưới hỏi. Mái nhà rách rưới được che lại bằng bạt, bằng chăn màn. Những lỉnh kỉnh nệm gối chăn mền được cuộn lại cố nhét vào một góc nào đó để trả lại không gian ít ỏi cho ngày trọng đại.
Tôi không muốn gọi tên thật của anh, bởi anh vừa làm lại cuộc đời từ 2 năm nay dưới mái tạm cư này. Nói “làm lại cuộc đời” là vì anh vừa ra tù, sau khi thụ án 3 năm vì tội cố ý gây thương tích. Nạn nhân không ai khác chính là em rể anh.
Ngày ấy, cũng trong không gian nhỏ hẹp của các căn tạm cư ở đây, gia đình anh sống chung với gia đình cô em gái ruột. Vợ chồng anh có 1 con trai, vợ chồng em gái đủ nếp đủ tẻ. Những đứa trẻ tầm tầm tuổi nhau.
Như bao đứa trẻ khác, các cháu nảy sinh mâu thuẫn trẻ con vụn vặt rồi đánh nhau. Em rể anh đi làm về, thấy con trai anh xô ngã đứa em gái, tức mình có tát con trai anh mạnh tay đến chảy máu miệng. Con trai về méc bố mẹ, sẵn buổi chiều sau chầu nhậu giải mỏi có ít men trong người, anh và em rể xảy ra mâu thuẫn, anh dùng dao chặt thịt chém vào em rể, cậu em rể đưa tay đỡ khiến cánh tay thương tật khá nặng.
Những ánh mắt trong phiên toà hôm ấy rặt buồn, ánh mắt xót xa buồn thương của vợ, ánh mắt thê lương đau lòng của cô em gái ruột, ánh mắt ngây ngô của những đứa trẻ vừa mới xô xát hôm qua, hôm nay đã chia nhau những que kẹo. Toà xử anh 3 năm tù giam.
Những ngày tháng trong tù, những dằn vặt hối hận, những lo lắng cho vợ con từng đêm phủ xuống. Anh nhớ về nhà cũ, nhớ về ngôi nhà khi bố mẹ để lại, cô em gái xin ở cùng cho đến khi đủ điều kiện ra riêng, nhưng chưa kịp ra riêng thì lại cùng về ở chung một mái tạm cư, anh em vẫn đùm bọc nhau sống. Vậy mà trong thoáng chốc cơn say không làm chủ, chỉ thoáng chốc thôi. Khi thấy máu chảy xuống, anh đã bừng tỉnh.
Mái nhà tạm cư nhỏ bé sau này cũng chật chội không khác mấy nhà giam mà anh phải ở hơn 3 năm trời. Thi thoảng vợ và con trai anh vào thăm. Có lúc, em gái và em rể đưa các cháu vào thăm. Anh càng ngong ngóng ngày về. Ngong ngóng ngày được ôm vợ con trong vòng tay, ngong ngóng nói lời xin lỗi trực tiếp với em rể, em gái.
Bây giờ thì anh đã là một anh thợ sửa giày dép cũ. Đặt chiếc bàn sửa quần áo ngoài xa lộ, chắt chiu dành dụm cũng vừa đủ miếng ăn mỗi ngày. Vợ chồng em gái, em rể cũng đã thuê nhà ở nơi khác. Tình anh em vẫn an yên vốn dĩ như khúc ruột mẹ cha ấp ủ tạo thành.
Những biến cố đã qua xem như cơn ác mộng. Vết thương ngày nào giờ liền sẹo, dẫu thi thoảng vẫn gây khó chịu trên da. Nhưng cuộc đời vốn vậy, có những vết thương hằn lên thịt da như dấu ấn, nhắc con người càng biết quý trọng sinh mạng của mình, quý trọng sinh mạng của người khác.
Và cũng có những vết thương ngoài da đã lành nhưng trong lòng vẫn cứ khôn nguôi đau đớn khi nghĩ về nỗi khổ hạnh cuộc đời.
Dẫu là buồn đau hay mất mát rồi theo thời gian sẽ trở thành những kí ức, ngoảnh lại chẳng mấy khi giấu được nỗi đau lòng. Nhưng trong một buổi chiều tà, khi ngước nhìn lên, lẫn giữa những mây đen vẫn còn những vầng mây trắng bay đầy trời, lại khôn nguôi niềm hi vọng. Khoảng mây trắng ấy, lại khiến bao mỏi mệt, bao quẫn cực còn có chỗ nương náu.
Cô Khanh cũng có một vết sẹo dài hơn 2cm sậm màu trên đầu ngón tay trỏ của bàn tay trái. Vết thương nằm hiền lành ở đấy đã mấy năm. Cô Khanh làm nghề giặt đồ thuê cho cả xóm và những người sống lân cận xóm tạm cư.
Một lần, giặt đồng phục cho một tiệm hớt tóc, ai đó để quên một chiếc dao cạo rất bén trong túi áo. Khi cô vắt nước chiếc áo, nửa chiếc dao cạo ấy cắt vào tay mạnh đến nỗi máu và bột giặt tạo thành những vết bong bóng đỏ tươi nổi phồng trên chiếc thau hành nghề mưu sinh của cô.
Đứt tay một chút, đau đấy rồi qua đi. Nhưng công việc giặt đồ thuê luôn khiến cô nhớ về công việc trước đây của cô khi còn ở phường Bình An (quận 2), cô có tiệm nước nhỏ, bán đủ thứ.
Hàng ngày vui vẻ đón tiếp những người khách quen, cũng đủ niềm vui tuổi già. Cô thở dài “bây giờ cho cô một ước mơ, cô chỉ ước mơ được về nhà cũ, được để tuổi già trôi đi và rồi nằm xuống trên chính mảnh đất tổ tiên”.
Khu tạm cư An Phú về đêm, nhìn thấy hoang vu. Gió vô tư thét gào trên những mái tôn mỏng sét. Đôi khi chập chờn vài cánh đom đóm sáng đèn, và lâu lâu hình như cũng có nửa vành trăng lưỡi liềm trên không, lững lờ như cánh diều của lũ trẻ sắp rơi xuống. Tôi lại nhớ lời chú Cứu “20 năm, một phần ba đời người, có mấy người đợi được…”.
Dẫu sao tôi vẫn hy vọng những cư dân nơi đây sẽ có một ngày mai tươi sáng hơn như khi đã từng được nghe ai đó nói: “Ngày mai nhất định sẽ đến, và những gì ngày mai mang đến luôn tốt đẹp hơn ngày hôm nay...”.
Theo Bùi Kiêu Trang/CAND