Bí thư xã giết cháu, đốt xác để trục lợi 18 tỷ đồng tiền bảo hiểm: Công an Đăk Nông cho biết, bước đầu nghi phạm Đỗ Văn Minh (Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) khai nhận, đầu tháng 4 có mua gói bảo hiểm nhân thọ, mỗi năm đóng hơn 200 triệu đồng. Nếu Minh chết, người thân sẽ được thanh toán 18 tỷ đồng.
Đang nợ hơn 10 tỷ đồng, ông ta nảy ý định tạo hiện trường giả mình chết để vợ con được tiền bảo hiểm, cũng như chủ nợ không đòi tiền nữa. Ngày 25/4, Minh chạy ôtô đến nghĩa địa đào mộ lấy xác, nhưng sau đó dừng lại.
Minh có hai mảnh rẫy ở huyện Đăk G'long, Đăk Nông. Sáng thứ sáu hoặc thứ bảy hàng tuần, Minh thường lái ôtô một mình sang thăm vườn, chiều chủ nhật về lại nhà. Tại đây, Minh thường ghé chòi rẫy của cháu vợ - anh Trần Nho Vương, 25 tuổi, đang ở làm thuê để ăn uống.
|
Nghi phạm Đỗ Văn Minh tại cơ quan Công an. |
Tối 3/5, Minh đến và được anh Vương nấu cơm cho ăn. 5h ngày 4/5, Minh dùng búa rìu đánh hai phát vào trán khiến nạn nhân tử vong. Sau đó ông ta đưa thi thể lên ôtô, chạy đến quốc lộ 28 (xã Đăk Som, huyện Đăk G'Long) tông vào cột mốc bên đường nhằm tạo hiện trường vụ tai nạn.
Trước khi đốt xe bằng ba can dầu, một can xăng (mỗi can 30 lít) mua, Minh lấy đồng hồ của mình đeo vào tay của nạn nhân, bỏ lại chìa khóa trên ôtô. Minh sau đó đi bộ về nhà dân cách hiện trường 1,5 km để lấy xe Wave đã gửi trước đó, rồi bỏ trốn xuống TP Đồng Xoài, Bình Phước thuê nhà trọ để ở.
Theo Công an Đăk Nông, giữa nghi phạm và nạn nhân không có mâu thuẫn, Minh nói rất thương anh Vương, cháu vợ rất hiền. "Ý đồ của Minh là trốn mãi mãi, xem như mình đã chết chứ không về gia đình nữa, vì quay lại chỉ có bị bắt. Hiện, chúng tôi chưa phát hiện liên quan đến người nhà", Công an Đăk Nông nói.
Trước đó, sáng 4/5, trên quốc lộ 28, ôtô bán tải được phát hiện bị cháy rụi. Bên trong xe có một thi thể bị cháy đen. Nhận ra chiếc xe, đồng hồ, chùm chìa khóa của ông Minh, một ngày sau, gia đình xin đưa thi thể về mai táng.
Tuy nhiên, từ các chứng cứ thu thập được tại hiện trường, cảnh sát xác định vụ cháy xe có dấu hiệu của một vụ giết người rồi dựng hiện trường giả. Thi thể trên xe không phải ông Minh. Ngày 10/5, ông Minh bị cảnh sát bắt giữ khi đang lẩn trốn tại tỉnh Bình Phước.
|
Hiện trường nơi đốt chiếc xe ô tô. |
Nghi vấn bà nội sát hại cháu để lấy tiền bảo hiểm: Bị can trong vụ án này là bà Phạm Thị Hường (64 tuổi, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Nạn nhân chính là cháu nội của bà Hường, tên Nguyễn Thị Tâm, 11 tuổi. Nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng, bà Hường có mua bảo hiểm cho cháu Tâm trước khi xảy ra vụ án mạng và vì thiếu tiền, bà giết cháu nhằm lấy tiền bảo hiểm.
|
Hồ Bàu Ganh, nơi cháu Tâm bị sát hại.
|
Tuy nhiên sau 1 tuần bị tạm giữ từ khi xảy ra vụ việc tức ngày 3/11/2019, từ lời khai của bà Hường và các chứng cứ thu thập được, cơ quan công an đã có cơ sở chứng minh động cơ bị can này gây án. Theo đó, bà Hường ra tay sát hại cháu nội là do mâu thuẫn với bố cháu trước đó.
Bà Hường khai bố của Tâm đối xử với bà không tốt. "Hồi đầu tháng, bà Hường mua thịt nấu cho chồng ăn nhưng bị con trai chửi. Chồng bà Hường hôm đó bỏ ăn, khóc và dọa sẽ tự tử” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An cho hay. Về phía Tâm, bà Hường cũng cho rằng từ nhỏ, bé gái nhiều lần hỗn với ông bà nội.
Thuê người chặt tay, chân để đòi bảo hiểm 3,5 tỷ đồng
Ngày 5/5/2016, do mắc vào nợ nần, Lý Thị N. (SN 1986, ngụ xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn Doanh (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với giá 50 triệu đồng chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của mình rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa để lấy tiền bảo hiểm.
|
Lý Thị N. và Doãn Văn Doanh tại cơ quan điều tra |
Qua điều tra, Công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Theo kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân cô này do vật sắc nhọn gây ra. Nhân viên y tế tham gia điều trị cho N. cũng nhận định, vết thương không giống do tai nạn tàu hỏa gây ra.
Đặc biệt, cơ quan điều tra phát hiện, trước đó hơn 1 tháng, N. mua liên tiếp 3 gói bảo hiểm thân thể của 2 công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo hợp đồng, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, cô ta có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.
Kê khai không đầy đủ trong hồ sơ để được hưởng lợi từ bào hiểm: Gần đây, trên xã hội đang chia sẻ đường link của một video trên Youtube đã có từ năm 2018 về trường hợp khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ nhưng lại không chi trả quyền lợi. Đó là câu chuyện của ông Phạm Việt Lâm, trú tại 93, Lò Đúc, Hà Nội đăng ngày 31/01/2018 với nội dung phản đối quyết định của công ty bảo hiểm Manulife hành xử với khách hàng.
Tháng 6/2017, ông Lâm có yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ tại Manulife Việt Nam. Trong đơn yêu cầu bảo hiểm, khách hàng khai báo thông tin sức khỏe hoàn toàn bình thường nên đã được công ty chấp thuận bảo vệ. Đến tháng 10/2017, khách hàng có nộp yêu cầu hưởng quyền lợi bảo hiểm do phải nằm viện điều trị vì “Suy tim – Tăng huyết áp” ở Bệnh viện Bạch Mai. Trong hồ sơ bệnh án nộp kèm ghi nhận: khách hàng có tiền sử tăng huyết áp 3 năm.
Do tình trạng bệnh lý đã tồn tại nhưng không được kê khai từ trước, Manulife Việt Nam đã từ chối chi trả quyền lợi đồng thời thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả lại toàn bộ phí bảo hiểm cho người tham gia.
Manulife Việt Nam cho biết, theo quy định, tại bất kỳ thời điểm nào, nếu có bằng chứng trong việc người tham gia đã cố ý khai báo không chính xác, thiếu hoặc làm sai lệch hồ sơ gây ảnh hưởng đến quyết định chấp thuận bảo hiểm thì công ty sẽ không có nghĩa vụ chi trả bất kỳ quyền lợi bảo hiểm nào và có quyền đơn phương chấp dứt Hợp đồng.
Trường hợp của ông Lâm do không khai báo tình trạng tiền sử “tăng huyết áp” dẫn đến sai lệch kết quả thẩm định và quyết định của Manulife. Khi công ty phát hiện thông tin khách hàng cung cấp không chính xác, họ có quyền thực hiện theo đúng điều khoản trên và thực tế họ đã làm như vậy.
Rồi một sự việc gần đây nhất ở Bảo Việt nhân thọ Nghệ An, khách hàng mang tình trạng bệnh lý có trước nhưng không kê khai đầy đủ vào hồ sơ. Trải qua 2 lần kiểm tra y tế nhưng vẫn không phát hiện ra dấu hiệu bất thường nào, công ty bảo hiểm quyết định chấp thuận hợp đồng với khách hàng.
Nhưng đến một hôm, khách hàng phát bệnh cũ dẫn đến tử vong. Khi người nhà làm đơn yêu cầu bồi thường quyền lợi thì cũng là lúc Bảo Việt phát hiện ra khách hàng chưa thực hiện đúng nghĩa vụ kê khai thông tin. Cụ thể là tiền sử bệnh lý dẫn đến tử vong đã được lưu trữ tại bệnh viện từ nhiều năm về trước và với kết quả điều tra đó, Bảo Việt chỉ chấp thuận chi trả một phần quyền lợi bảo hiểm.
“Cái bắt tay” của nhân viên bảo hiểm
Ngoài ra, có những hành vi trục lợi bảo hiểm do sự tiếp tay của các nhân viên, đại lý và cả người có chức vụ trong doanh nghiệp bảo hiểm để thông đồng với người được thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.
Các đối tượng có thể giả mạo hồ sơ để tham gia bảo hiểm khi có tai nạn đã xảy ra, người đã bị tử vong, thương tật hoặc tài sản đã hỏng, tổn thất mới mua các gói bảo hiểm. Điển hình như vụ trục lợi bảo hiểm ở công ty bảo hiểm PJICO. Công ty TNHH Sông Tiền ký hợp đồng bán 16 tấn tôm đông lạnh cho Công ty Taifun.
Khoảng 1 tháng sau đó, trên đường chuyển hàng đến Đức, con tàu chở 15,8 tấn tôm, trị giá 144.300 USD đã bị cháy khi đang đến cảng nước bạn. Ngay trong ngày, Công ty Việt Thái Phong của bà Phạm Hồng thu (vợ Giám đốc Công ty Taifun) làm hồ sơ, đến chi nhánh PJICO-Sài Gòn mua bảo hiểm cho lô hàng nhằm lấy tiền bồi thường.
Quá trình đòi bảo hiểm diễn ra trong thời gian dài, kết quả, bà Thu đã thỏa thuận sẽ chia 50% cho ông Trần Nghĩa Vinh (nguyên Tổng Giám đốc PJICO) và Hồ Mạnh Quân (nguyên Phó tổng giám đốc) nếu chấp nhận chi bảo hiểm. Tuy nhiên sau đó, vụ việc bị phát hiện, bà Thu bị Tòa án tuyên phạt 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các nguyên lãnh đạo PJICO lãnh án 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Người được bảo hiểm còn tìm cách lập hồ sơ giả, hiện trường giả, thay đổi tình tiết vụ tai nạn hay giả mạo tài liệu, làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường để được hưởng tiền bảo hiểm.
Nhiều đối tượng còn mua bảo hiểm cho một tài sản tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để được nhận tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị của tài sản; khai tăng hoặc khai khống mức độ tổn thất, sự kiện bảo hiểm (chủ yếu diễn ra trong bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe cơ giới).
Thậm chí, để kiếm tiền từ các công ty bảo hiểm, đối tượng còn gian lận bằng cách dù không có tổn thất nhưng vẫn khai báo tổn thất. Nguyên do là ngay từ khi ký kết hợp đồng, các công ty bảo hiểm đã không kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin thật kỹ về tài sản được bảo hiểm, dẫn đến bị trục lợi.
Điển hình như vụ Công ty Thương mại Du lịch Hải Phòng mua bảo hiểm cho hai tàu Tsikonya (còn 2 máy) lai kéo tàu Shantar từ Vlovostoc về Hải Phòng để làm sắt vụn. Tuy nhiên, khi đi qua khu vực đảo Hải Nam-Trung Quốc, do gặp bão nên tàu Shantar bị chìm.
Tòa án sơ thẩm TP.Hải Phòng đưa ra phán quyết: mặc dù trong quy tắc bảo hiểm của mình, công ty Bảo Long không bảo hiểm cho tàu lai kéo nhưng Bảo Long vẫn bán loại bảo hiểm này cho Công ty Thương mại Du lịch Hải Phòng, do đó, công ty Bảo Long phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định trong hợp đồng do tàu Shantar bị chìm do gặp bão.
Tuy nhiên, sau quá trình xác minh, thu thập thông tin về tàu Shantar, kết quả điều tra của Interpol cho thấy, tàu Shantar được khai báo là hỏng cả 4 máy và bị chìm, thực tế là đang hoạt động bình thường trên vùng biển thuộc lãnh thổ Hàn Quốc.
>>> Xem thêm video: Tình tiết vô lý vụ chặt chân tay, trục lợi 3,5 tỷ tiền bảo hiểm
Trung Vương