NM xử lý nước thải KCN Đồng An lén lút chôn cống ngầm: Ô nhiễm...xử thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Việc nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng An xả nước thải không qua xử lý ra môi trường qua cống ngầm chôn sâu 4 m tinh vi đổ ra kênh D, dẫn ra kênh Ba Bò đổ vào sông Sài Gòn là hành vi trái pháp luật.

Mới đây, Cục Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) đã phát hiện Nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng An 1 (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) do Công ty cổ phần đầu tư Hưng Thịnh làm chủ đầu tư xả nước thải ra môi trường không qua xử lý bằng đường cống ngầm sâu 4 m.
Thời điểm kiểm tra, nước thải của các doanh nghiệp trong KCN có công suất trên 3.000m3/ngày đêm, được thu gom vào bể chứa của nhà máy xử lý nước thải sau đó phân ra các hệ thống xử lý. Tuy nhiên, ngay tại bể chứa nước thải đã được lắp đặt một hệ thống cống ngầm sâu hơn 4 m so với mặt đất. Nước thải không qua xử lý đã được nhà máy cho xả vào đường cống ngầm này rồi đổ ra kênh D, dẫn ra kênh Ba Bò đổ vào sông Sài Gòn.
Đáng chú ý, tại nhà máy xử lý nước thải có camera quan sát và hệ thống quan trắc tự động của Sở TN&MT Bình Dương nhưng đường cống ngầm được thiết kế hết sức tinh vi, nằm sâu dưới lòng đất 4,63 m và khó có thể phát hiện.
NM xu ly nuoc thai KCN Dong An len lut chon cong ngam: O nhiem...xu the nao?
Hành vi xả thải nước thải chưa qua xử lý được nhà máy này thực hiện từ lâu, mức độ đánh giá là rất nghiêm trọng.  
Thông tin từ tổ công tác C05, Công ty cổ phần đầu tư Hưng Thịnh ký hợp đồng xử lý nước thải cho 99 công ty trong KCN Đồng An 1. Khi kiểm tra mẫu nước chưa qua xử lý với mẫu nước chảy ở kênh, C05 xác định cùng chung một mẫu.
Dù đại diện Công ty CP Hưng Thịnh giải thích đường cống ngầm để đề phòng sự cố, khi mưa ngập. Tuy nhiên, giải thích này không được dư luận đồng tình bởi thực tế đường cống ngầm được đặt sâu tới 4m dưới lòng đất và nối từ bể thu gom nước thải chưa qua xử lý ra ngoài.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định có tới 146 dự án phải lập đánh giá tác động môi trường trong nhiều lĩnh vực.
Bởi vậy, dự án đầu tư bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường thì trong hồ sơ dự án phải có hồ sơ thiết kế vấn đề xử lý chất thải. Với các doanh nghiệp có xả thải các chất thải là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì phải có hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường.
Trước khi doanh nghiệp đưa các hạng mục công trình vào hoạt động, sản xuất, cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra điều kiện đảm bảo môi trường. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ quan chức năng vẫn có trách nhiệm phải kiểm tra giám sát, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, việc xử lý nước thải từ các KCN là hết sức quan trọng để đảm bảo môi trường trong sạch, bảo vệ môi trường.
NM xu ly nuoc thai KCN Dong An len lut chon cong ngam: O nhiem...xu the nao?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Tuy nhiên nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng An 1 không tuân thủ quy định, tiêu chuẩn, kỹ thuật về xử lý nước thải, thải trực tiếp nước thải là chất thải nguy hại đã thu gom ra môi trường thì đây là hành vi không thể chấp nhận được, đây là một việc làm cố ý, gây ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ hậu quả để xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và pháp dân doanh nghiệp này tùy thuộc vào hành vi và hậu quả đã gây ra.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ mức độ nước thải đã thải ra môi trường, mức độ nguy hại của nước thải, làm rõ trách nhiệm của cả nhân và pháp nhân trong vụ việc này nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội gây ô nhiễm môi trường thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả cả nhân và pháp nhân theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự.
Trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi này vẫn bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Theo điều 4, Luật bảo vệ môi trường quy định, hành vi gây ô nhiễm môi trường của cá nhân có thể bị xử phạt đến 1 tỷ đồng và với tổ chức mức xử phạt có thể đến 2 tỷ đồng.
Đồng quan điểm, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Tại điều 7, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nghiêm cấm các hành vi có thể gây nguy hại gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí vào môi trường và làm ảnh hưởng tới môi trường.
Do vậy, việc nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng An để nước thải không qua xử lý xả vào đường cống ngầm chôn sâu 4 mét một cách tinh vi đổ ra kênh D, dẫn ra kênh Ba Bò đổ vào sông Sài Gòn là hành vi rất nghiêm trọng và trái pháp luật. Do đó, việc xả thải trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường, tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, xử phạt hành chính về hành vi lén lút xả thải không quan xử lý của Nhà máy xử lý nước thải KCN Đồng An. Trước tiên cần phải xem xét nước thải mà nhà máy thải ra môi trường là nước thải độc hại hay nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường?
NM xu ly nuoc thai KCN Dong An len lut chon cong ngam: O nhiem...xu the nao?-Hinh-3
 Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Trường hợp nước thải xả ra môi trường là nước thải chứa các thông số thông thường thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm sẽ áp dụng mức xử phạt cụ thể, cao nhất là xử phạt đến 950.000.000 đồng.
Trường hợp nước thải xả ra môi trường là nước thải chứa các thông số gây nguy hại đến môi trường thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP. Mức xử phạt cao nhất lên tới 1 tỷ đồng.
Ngoài ra nhà máy còn có thể bị đình chỉ hoạt động đến 12 tháng và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm rong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm.
Thứ hai, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xả thải trái phép về Tội gây ô nhiễm môi trường theo điều 235 BLHS năm 2015 sửa đổi bỏ sung năm 2017.
Trường hợp pháp nhân phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định tại Khoản 5 Điều 235 BLHS. Cụ thể, pháp nhân thương mại nếu có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Mức phạt tiền từ 3 tỷ đến 20 tỷ đồng.
“Việc pháp nhân có hành vi phạm tội không có nghĩa là loại trừ trách nhiệm cá nhân. Trường hợp có cá nhân vi phạm trong vụ việc nêu trên và phi phạm đến mức độ ngây nguy hiểm cho xã hội phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì vẫn tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân đó bình thường”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt quả tang công ty giấy xả nước thải trực tiếp ra môi trường:

Nguồn VTV 24h.

Hải Ninh