Nỗ lực phi thường của người phụ nữ cao 70 cm

Google News

Mắc bệnh loãng xương bẩm sinh, người phụ nữ ở Hải Phòng từng sợ hãi khi bị người khác chỉ trích về ngoại hình, gọi là ‘quái thai’. 

Chiếc giường, người bà và con mèo
Chị Nguyễn Thị Hòa (xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) mắc căn bệnh loãng xương bẩm sinh. Thế giới của chị chỉ gói gọn trong chiếc giường nhỏ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân.
No luc phi thuong cua nguoi phu nu cao 70 cm
 Chị Nguyễn Thị Hòa xuất hiện trên một chương trình truyền hình.
Chị là con cả trong nhà có 3 chị em, không đi lại được và cũng chẳng thể ngồi. Ở tuổi 39, Hòa chỉ bé như một đứa trẻ chưa lên 2 với chiều cao 70cm và nặng 13kg.
‘Ngay từ nhỏ, nhận thức về hoàn cảnh của mình, tôi không than phiền, không tị nạnh các em nên bố mẹ tôi càng thương xót con’, Hòa kể.
Chị chia sẻ, mình có một người bà tuyệt vời. Luôn gọi chị là ‘công chúa’ với sự yêu thương và bao bọc. Suốt thời gian dài, thế giới của chị chỉ là chiếc giường nhỏ nơi góc nhà với bà nội và một con mèo làm bạn.
Thế rồi, bà nội chị mất.
'Đó là một cú sốc lớn vì bà là người gắn bó với tôi nhất. Có một chú trong làng đến viếng bà. Nhìn thấy tôi như vậy, chú nói: ‘Con phải đi ra ngoài, tìm công việc vì không ai có thể bao bọc cho con cả đời được.
Bố mẹ có thương con nhưng rồi họ cũng sẽ già, mất đi, không còn ở cạnh con nữa. Anh em cũng có cuộc sống riêng, không thể nhờ mãi được’.
‘Sau đó, chú đưa cho tôi một cuốn sách để đọc. Tôi biết đọc nhưng chưa biết viết. Chú khuyên tôi nên học và đưa cho tôi cuốn tập viết của học sinh lớp 1’, chị nói.
2 tháng sau, chị viết được. Chị tiếp tục việc học bằng cách mua, mượn sách dành cho học sinh tiểu học.
‘Tôi học nhiều đến mức sụt cân, năm 32 tuổi, tôi học xong chương trình tiểu học. Tuổi mà người ta trưởng thành, tự lập có gia đình, sự nghiệp, còn tôi mới bắt đầu từ số 0.
Nhưng tôi không mặc cảm, nản chí. Tôi chỉ có mục tiêu làm sao thoát khỏi cái giường này, để ra ngoài xem thế giới ngoài kia như thế nào’, chị nói.Sau đó, nhờ người thân, chị có tài khoản đầu tiên trên mạng xã hội.
No luc phi thuong cua nguoi phu nu cao 70 cm-Hinh-2
 
Năm 2018, chị thực hiện bộ ảnh trong trang phục cô dâu để thỏa ước mơ được một lần mặc váy cưới
‘Năm 2013, lần đầu tiên tôi đăng ảnh lên mình lên mạng xã hội, bao nhiêu người vào ‘ném đá’ rầm rầm. Người ta nói tôi đăng ảnh câu like, lợi dụng để xin tiền của xã hội. Quá sợ hãi, tôi gỡ đi.
Cảm giác lúc đó sợ hơn là buồn. Trước đó, tôi chưa từng ra ngoài, sợ tiếp xúc với người lạ, bị người ta chửi bới tôi càng sợ hãi’, chị kể.
Nhưng rồi buồn bã, một thời gian sau, chị lại đăng nhập vào lần nữa với tâm trạng nơm nớp, lo lắng.
Lần này, có vài người bình luận động viên, khiến chị thêm mạnh dạn, tự tin. Từ mạng xã hội, chị tìm được nhiều người bạn, chị bắt đầu mở lòng…
Lần đầu tiên, chị Hòa ra khỏi nhà là ngày 1/6/2014 sau hàng chục năm sống khép kín trong nhà.
‘Tôi đi làm chứng minh thư để mở tài khoản cá nhân, mua bảo hiểm và quan trọng hơn tôi muốn được xem như một công dân’, chị kể.
Nỗ lực không mệt mỏi
Muốn có một công việc để nuôi sống bản thân, chị Hòa tìm đến công việc làm hoa.
Chị làm lẵng hoa để bàn, chùm hoa treo tường, rồi làm móc chìa khóa hình quả dâu tây, quả dứa thờ bằng kẹo ngọt… sau đó chụp ảnh để giới thiệu trên Facebook.
No luc phi thuong cua nguoi phu nu cao 70 cm-Hinh-3
 
No luc phi thuong cua nguoi phu nu cao 70 cm-Hinh-4
Một số sản phẩm do chị Hoa làm.
Việc làm hoa giấy giúp chị có thêm thu nhập. Chị nhờ cha mẹ đến nhà một số người khuyết tật trong làng rủ đến nhà cùng làm hoa để có tiền, bớt phần gánh nặng cho gia đình.
‘Lần đầu, gia đình người ta không tin tưởng tôi. Nhìn tôi nằm trên giường, họ không tin tôi có thể trả được lương cho con họ. 2 năm sau, 2016, công việc mới ổn định. Người ta không còn đến nhà, lôi con em họ về nữa…’.
Chị nói, chị muốn mở xưởng thu nhận người khuyết tật làm hoa giấy.
Họ có thể ăn ở, sinh hoạt ở đấy như ngôi nhà thứ hai của mình. 'Chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng của gia đình', Hòa nói.
‘Tôi cũng mơ ước ra ngoài truyền cảm hứng cho những người gặp hoàn cảnh không may mắn. Khi ra ngoài, tôi thấy mình tự tin hơn.
Trước đây, có lần ra chợ, người ta gọi tôi là ‘quái thai’, tim tôi tan nát nhưng hiện tại những chuyện đó không còn quan trọng.
Trước đây, tôi ngại ngùng với ngoại hình của mình nhưng sau này tôi đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn’.
Năm 2018, chị Hòa cũng khiến nhiều người xúc động khi thực hiện một bộ ảnh trong trang phục cô dâu.
Chị nói: ‘Cho đến bây giờ, dù cơ thể có nhiều khiếm khuyết, tôi vẫn hi vọng mình có một người bạn đời có thể chia sẻ với mình mọi buồn vui trong cuộc sống để chặng đường sau này của tôi không còn cô đơn nữa…’.
Ngọc Trang (Vietnamnet)